Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Lang Liêu tân truyện


Chuyện kể rằng vào đời Hùng Vương 6.0, nhà vua muốn chọn người kế vị, bèn hạ lệnh cho các quan lang (mà ngôn ngữ hiện đại gọi là mấy ông con giời) kiếm của ngon vật lạ dâng lên, ai dâng món làm vua ưng nhất thì được vua truyền ngôi cho.

Trong đám con giời, có một người tên là Lang Liêu. Chàng nghĩ nát cả óc mà không biết nên dâng vua món gì. Buồn chán sinh tiêu cực, Lang Liêu liền quất một bi thuốc phiện cho vơi bớt sầu lo.

Trong cơn phê, Lang Liêu thấy một nàng tiên có làn da màu nâu hiện lên nói: “Trong trời đất không gì ngầu bằng canh trứng cà chua. Trứng là thứ rẻ tiền dễ kiếm, dưng cà chua lại đắt vãi cả đái, nên món canh trứng cà chua vừa hàm chứa sự giản dị vừa thể hiện được sự bạo chi của người nấu. Hơn nữa, với sự hòa quyện giữa sắc đỏ của cà chua với màu của lòng đỏ và lòng trắng trứng, món canh này sẽ khiến người ăn có cảm giác không khác gì đang ngắm mây bay nơi vườn hồng ở chốn bồng lai tiên cảnh”.

Nàng tiên nói xong thì Lang Liêu cũng dứt cơn phê. Chàng vội vác một bao tải tiền ra chợ mua mấy quả cà chua và một ít hành lá, đoạn ra chuồng gà thò tay vào ổ quờ vài quả trứng mang về nấu một bát canh dâng lên cho vua. Quả nhiên, sau khi Hùng Vương 6.0 lên nóc tủ ngồi thì Lang Liêu được làm Hùng Vương 7.0.

Đấy chính là bản original của truyện Lang Liêu được chép trong sử sách từ 4 nghìn năm trước. Tuy nhiên sau khi đô hộ nước ta, người Tầu tịch thu hết sách vở của ta để mang về nước. Thành ra, từ khi nước ta bị người Tầu cai trị, truyện về Lang Liêu được kể mỗi nơi một phách. Cuối cùng canh trứng cà chua lại được truyền cho đời sau thành bánh chưng bánh dày.

Đến khi Lý Thường Kiệt dẫn 2 sư đoàn bộ đội chủ lực cùng với một vạn bộ đội địa phương và mấy vạn dân công hỏa tuyến của ta tiến đánh thành Ung Châu, thu được một số sách vở của dân ta bị người Tầu cướp đi trước đó, mới vỡ lẽ món ăn Lang Liêu dâng vua không phải là bánh chưng bánh dày mà là canh trứng cà chua.

Tuy nhiên, vì không muốn làm niềm tin và phong tục của người trong nước bị đảo lộn, Lý Thường Kiệt ra lệnh cho tả hữu không tiết lộ chuyện ấy ra ngoài. Chỉ có các văn sĩ đọc được những quyển sách bị thất lạc kia mới biết chuyện mà kể lại cho con cháu.

Từ đó về sau, đám con cháu của các văn sĩ dưới trướng Lý Thường Kiệt thường dạy cho nhau ăn món canh trứng cà chua để nối chí khí của Lang Liêu. Chí khí đó được truyền qua nhiều đời đến mãi ngày nay. Điều ấy giải thích vì sao bây giờ những kẻ đọc sách ở Việt Nam, đặc biệt là đám sinh viên, đứa nào cũng nấu canh trứng cà chua thành thần.

4 nhận xét:

  1. Hihi...lần đầu tiên HN đc biết nguồn gốc của món CANH TRỨNG CÀ CHUA là như rứa...
    Chiều xuân an lành thật vui nhé anh!

    Trả lờiXóa
  2. Chúc bạn cuối tuần vui vẻ
    https://i.pinimg.com/originals/73/20/ac/7320ac98a280c5eda750c6268e6f482b.gif

    Trả lờiXóa