Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Ngó dzậy mà không phải dzậy!


Chuyện nhiều khi trông thấy tận mắt mà lại không phải là sự thật, các cụ ạ!

Sách xưa chép lại, có lần, Đức Khổng Tử sai đệ tử ruột là Nhan Hồi nấu cơm. Cơm vừa chín thì Nhan Hồi mở vung lấy đũa xới một ít cho vào miệng, ăn lấy ăn để.

Khổng Tử ở nhà trên vô tình nhìn xuống bếp và thấy cảnh đó. Ngài ngao ngán thở dài vì quá thất vọng về đứa học trò mà ngài yêu nhất.

Đến bữa, trong lúc Khổng Tử và các môn đồ ăn cơm, thì Nhan Hồi khoanh tay đứng ngoài chứ không ngồi vào mâm. Đức Thánh Khổng hỏi nguyên cớ, thì Nhan Hồi thưa rằng trong lúc nấu cơm có giở vung ra xem nhưng bị tro bếp bay vào nồi làm bẩn mất lớp cơm phía trên. Nhan Hồi hớt chỗ cơm bị bẩn định đổ đi, nhưng nghĩ tiếc của nên cho vào miệng ăn luôn, coi như đã ăn trước phần cơm của mình.

Khổng Tử nghe kể thì ngửa mặt lên trời than: Đèo mẹ, trông dzậy mà không phải dzậy! Suýt nữa thì mình thành kẻ hồ cmn đồ!

Nhưng đó là chuyện xảy ra của mấy ngàn năm trước, khi nhận thức của loài người vẫn còn nông cạn và Khổng Tử không đứng gần chỗ Nhan Hồi nấu cơm. Còn bối cảnh của chuyện sắp kể dưới đây thì hoàn toàn khác cả giời cả vực…

Sáng em đi làm bằng tầu điện. Lên tầu, em đứng cạnh một cô gái. Chả biết dung nhan của cô hay dở dư lào, vì cô đeo khẩu trang, dưng thấy cô bụng mang dạ chửa mà phải đứng, em cũng không khỏi ái ngại.

Nghĩ ngợi một tẹo, em liền chỉ vào 3 cô gái đang ngồi ngay sát chỗ cô gái kia đang đứng, bảo: Ai trong số các chị nhường chỗ cho phụ nữ có thai đi!

Một cô gái nghe vậy thì ngừng nói chuyện, đứng dậy nhường chỗ cho cô mang bầu.

Cô mang bầu hơi bất ngờ nhưng cũng khá vui trước những gì đang diễn ra. Vừa ngồi xuống ghế, cô vừa ngẩng lên nói với kẻ vừa ra tay nghĩa hiệp với mình: Cám ơn anh, nhưng không phải em có thai đâu ạ. Tại bụng em to nên anh tưởng vậy thôi!

Nghe cô kia nói, em chỉ thiếu đường chui xuống đất dưng chẳng có lỗ nẻ nào mà chui, đành đứng sượng trân cho cả mấy cô kia soi xét.

Mà nói chả phải mê tín, em cũng đã từng đưa thai phụ đi đẻ có phải ít lần đâu! Các cụ bảo, so giữa Khổng Tử và em thì ai mới là người bị hố to hơn?

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Ăn trưa thi tập


09/02/2023 - Trời mưa đúng giờ cơm

Vốn định ra ngoài tìm bữa trưa
Vừa hay gặp cảnh trời đang mưa
Bởi thế quay luôn vào nhà bếp
Cơm nhạt xơi cùng ít rau dưa!

03/4/2023 - Bụng đói đi ăn

Đồng hồ mới báo giờ cơm
Đi ngang nhà bếp, mùi thơm ngạt ngào
Vừa hay cơn đói đang trào
Không thèm nghĩ ngợi, xông vào quất luôn!

13/4/2023 - Nhà bếp vắng người ăn trưa

Tôi lại xuống nhà tìm bữa trưa
Vẫn là cơm nhạt với rau dưa
Chả hiểu thực khách rày đâu vắng
Nhìn quanh nhà bếp thấy lưa thưa...

27/4/2023 - Ăn cơm bếp hôm trời không mưa

Ông giời đã chán làm mưa
Thằng người thì vẫn rau dưa miệt mài
Cũng vì chẳng muốn hẹn ai
Thế nên chấp nhận đóng vai thiện lành
Ăn cơm nhà bếp vừa nhanh
Vừa ngon bổ rẻ, sao đành đi đâu?

09/5/2023 - Suất ăn có món gá rán

Bữa nay thấy món thịt gà
Tự dưng trong bụng rất là lăn tăn
Đương khi thời buổi khó khăn
Cớ sao mình lại nỡ ăn… thịt gà?
Nghĩ gần rồi đến nghĩ xa
Vẫn không hiểu được, chén bà nó luôn!

10/5/2023 - Đi ăn muộn, hết thức ăn

Bữa nay chẳng có thịt gà
Món ăn còn lại chỉ là trứng thôi
Bởi thời gian lặng lẽ trôi
Mải làm quên đói nên tôi hết phần!

11/5/2023 - Đi ăn muộn được chia thêm thức ăn

Trưa nay lại quên giờ ăn. Đến khi xuống bếp thì đồ ăn đã hết sạch, chỉ còn tí rau luộc và mấy quả cà.

Chị cấp dưỡng xót thương kẻ hồng nhan mà bạc mặt, mới bảo ngồi đợi để chị đi rán cho mấy quả trứng.

Trong khi ngồi đợi, một chị đồng nghiệp, chắc lo ngân hàng không có người làm kế hoạch, mới sẻ cho một miếng chả thịt băm.

Xong một lát chị cấp dưỡng quay lên thì ngoài trứng rán, chị còn dúi cho thêm mấy con tôm rim và đôi miếng chả thịt băm, không hiểu chị bói ở đâu. Thành ra, đi ăn muộn mà phần đồ ăn được chia còn tươm hơn bình thường. Thế nên, cóc nhái, dù không muốn, cũng lại phải nhảy ra:

Bữa nay trứng thế thịt gà
Lại thêm một số quả cà xinh xinh
Nhờ cô nhà bếp nhiệt tình
Thế nên cái bụng của mình no căng
Ví như làm việc không hăng
Thì sao có chuyện được tăng khẩu phần
Đồ ăn sẽ có khi cần
Hết rồi lại nấu, phân vân làm gì!

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

Lại một việc phi thường khác


Chuyện kể rằng, Viên Thiệu trước khi cất quân đi đánh Tào Tháo, có sai chủ bạ là Trần Lâm thảo một bài hịch kể tội họ Tào. Bài hịch của Trần Lâm được mở đầu dư lày:

“Thường nghe rằng: Minh chúa nhân nguy để chế biến; trung thần lo nạn để lập công. Bởi thế, phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có công phi thường. Cái công phi thường ấy, vốn không phải người thường có thể làm nổi”...

Ấy là chuyện xảy ra từ cách đây gần 2 nghìn năm, được chép trong sách Tam quốc diễn nghĩa. Xem chuyện đó lại nghĩ đến chuyện một người phi thường tên là Phan Văn Cương sinh năm 1992 ở Vĩnh Phúc.

Thẳng thớm ra, thì Cương vốn cũng chỉ là một người bình thường, có tuổi thơ nhiều kỷ niệm với bài hát của nhạc sĩ Đức Anh: “Anh phi công ơi, anh bay trên trời… Em thích bầu trời anh đang bay đó… Mai đây em lớn, em làm phi công… Bay cao hơn nữa, anh ơi biết không…”

Dưng khác với bao người thường có một tuổi thơ hát ông ổng về ước mơ làm phi công mà không thể thực hiện được, Cương có cái hơn người là khi đi uống bia về ngang qua một cửa hàng quần áo, thấy một chiếc máy bay hiệu là Đ.T.H series 1986 đang thử đồ, liền nảy sinh ý muốn chinh phục bầu trời.

Từ ý nghĩ phi thường đó, Cương đã làm một việc hết sức phi thường, là lấy con dao dài 32cm xông vào trong cửa hàng và đe dọa chiếc máy bay hiệu Đ.T.H series 1986 phải cho Cương lái thử.

Và đúng như lời hịch của danh sĩ Trần Lâm, từ việc phi thường kia, Cương đã có công phi thường. Tuy không thoả mãn được ước mơ chinh phục bầu trời, nhưng Công lại được Nhà nước bao ăn bao ở, ít thì 2 năm, nhiều thì có thể đến 7 năm - theo quy định của Hình luật 2015, Điều 141.

Thử tính nhẩm sơ sơ mà coi, với mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân theo quy định về thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng (tức 132 triệu đồng/năm), chẳng phải, chỉ từ một ý nghĩ phi thường mà Cương đã tiết kiệm được 264 - 924 triệu đồng đó ru?

Kiếm được chừng đó tiền trong bối cảnh kinh tế khó khăn dư lày mà không phải là công phi thường, thì cái gì mới được coi là công phi thường, phỏng ạ?

Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Uống trà thi tập


12/5/2017 - Đưa gấu đi trà sữa

Tối nay được rủ đi chơi
Gấu hơi bị thích (dù hơi tốn tiền)
Bỗng dưng quên hết muộn phiền
Gọi ly trà sữa, quất liền một hơi

20/8/2017 - Đi uống trà với người kia

Người kia thì thích uống trà
Còn mình lại muốn ở nhà lướt “Phây”
Thế nhưng “đó” chẳng chịu “đây”
Thế nên mình phải xỏ giầy vào đi

Thực ra cũng chẳng thiết chi
Lượn ra ngoài phố, nhưng vì rỗi hơi
Thế nên tranh thủ đi chơi
(Đến khi nào thấy mưa rơi thì về)

Ngày xưa hay uống cà phê
Người ta trông thấy lại chê mình già
Ngày nay đú đởn uống trà
Hình dong theo đó trẻ ra mấy phần

Thế nên khỏi phải phân vân
Ăn chơi bất kể xa gần, cứ đi
Thời gian trôi giống ngựa phi
Cũng nên “tới bến” trước khi về già!

10/9/2017 - Lại đi uống trà với người kia

Cuộc đời có méo gì vui
Nếu không đủ mặt cả tui lẫn bà?
Thế nên hễ cứ uống trà
Kiểu gì cũng phải có bà với tui!

29/11/2020 - Ở nhà trông con

Hôm nay được bữa ở nhà
Tự tay pha một ấm trà thật ngon
Uống xong rồi lại trông con
Thấy đời khác hẳn thủa còn rong chơi

Ngày xưa son trẻ thảnh thơi
Lúc nào mình muốn nghỉ ngơi tùy mình
Giờ đây đã có gia đình
Thân mình nào của riêng mình nữa đâu

Mặc dù chẳng phải làm dâu
Thế nhưng vẫn cứ bù đầu như ai
Chiều hôm cũng giống sớm mai
Một tay làm việc bằng hai người thường

Bởi vì thấy đủ yêu thương
Thế nên vẫn cứ kiên cường vượt qua
Chờ ngày kết trái đơm hoa
Bõ công những lúc ở nhà bế con!

10/10/2021 - Mưa thu uống trà

Ngoài hiên thánh thót mưa rơi
Còn tôi thư thả ngồi chơi trong nhà
Nhón tay pha một ấm trà
Uống xong tự hỏi mình già hay chưa?

(*) Câu đầu có mượn tí lời của bác Phong

23/7/2022 - Cuối tuần uống trà

Hôm nay thứ Bảy, hăm ba
Ngày mai Chủ nhật, thế là hăm tư
Ở nhà tửu hậu trà dư
Xong rồi ngẫm ngợi giống như ông già…

31/12/2022 - Tất niên uống trà

Hôm qua quyết toán xong rồi
Bữa nay hết việc, được ngồi thảnh thơi
Chẳng thèm đội rét đi chơi
Chỉ cần đóng cửa nghỉ ngơi ở nhà
Tự tay đun nước pha trà
Nhâm nhi một chút, cũng là tất niên!

02/4/2023 - Uống atiso thay trà

Bữa nay pha một cốc a
Tisô để uống thay trà coi sao
Uống xong thấy độ thanh tao
Của atisô lại còn cao hơn trà!

23/4/2023 - Uống trà bên cây trầu bà

Trên bàn sẵn chậu trầu bà
Đặt thêm bên cạnh ấm trà con con
Trầu xanh đi với trà ngon
Ăn chơi cỡ đấy, nghĩ còn gì hơn?

06/5/2023 - Nắng to uống trà

Hôm nay đài báo nắng to
Thế nên xác định ngồi co ở nhà
Rửa tách, đun nước, pha trà
Uống xong, tự thấy ở nhà cũng hay!

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Mừng ngày Giải phóng miền Nam


Mừng ngày Giải phóng miền Nam
Toàn dân đều phải nghỉ làm đi chơi
Chỗ nào đài báo mưa rơi
Thì dân được phép nghỉ ngơi ở nhà
Từ nay đến tận mùng ba
Người dân có thể đi xa hoặc gần
Miễn sao thấy đỡ cuồng chân
Xong rồi tiếp tục làm thân trâu bò
Chổng mông cày cuốc để cho
Sang năm nghỉ lễ lại mò đi chơi!

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Nhớ trường


Hè sang bỗng nhớ trường xưa
Đã bao năm tháng vẫn chưa tìm về
Toan lo cuộc sống bộn bề
Miệt mài đồng bãi, mải mê công trường
Quên dòng lưu bút nhớ thương
Quên luôn kỷ niệm vấn vương đầu đời
Vô tình thấy cánh hoa rơi
Chợt như sống lại một thời tuổi xanh
Lật trang giấy trắng mỏng manh
Lần hồi ký ức, chép thành bài thơ
Gửi niềm mong mỏi ngẩn ngơ
Trường xưa, bạn cũ, bao giờ gặp nhau?

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Cái cây hết buồn!




Cây sử quân tử, có tuổi đời nhiều hơn cả ông con. Nó được gái đưa về trồng, như một cách làm cho cái ban công đỡ khô khan và trống trải.

Dưng chăm được ít bữa, gái đâm chán nên đổ vấy cho tôi. Thế là tôi, từ một kẻ chỉ quen vặt lá bẻ cành, lại phải gánh lấy cái việc chăm sóc, tưới tắm cho cây.

Lâu dần cũng sinh tình cảm, tôi lại thấy ưng cái việc sáng sáng chiều chiều múc nước tưới cho cây, xong rồi đứng ngắm những ngọn cây đâm chồi, chiếc lá lên xanh, hay nụ hoa hé nở…

Không hổ danh là đồ do gái đưa về, cây sử quân tử cũng rất hay õng à õng ẹo. Hễ lâu lâu không được tưới cho chút nước, nó sẽ buồn bã ủ ê, cành khô lá úa, điệu bộ chả khác gì Mỵ Nương không được nghe tiếng sáo Trương Chi.

Được cái, vì giống cái nết liền bà nên cây cũng dễ dỗ dành. Dù bị bỏ bẵng đi mấy tuần không ai đếm xỉa, dưng chỉ cần tưới cho đôi ca nước, lá mới cành đương ủ rũ cũng trở nên tưng bừng rộn rã, không khác gì cỗ lòng của Thanh Tịnh mỗi khi thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường…

Dưng đó là chuyện của những năm về trước.

Còn năm nay, sau gần chục ngày nghỉ Tết quay lại, cây sử quân tử, vẫn buồn bã ủ ê như mọi lần, dưng tưới bao nhiêu nước vẫn không thèm tươi trở lại.

Một con giăng. Hai con giăng. Giờ đã là con giăng thứ ba. Cái cây vẫn chẳng cười, chẳng nói. Lá thì đã rụng hết. Cành thì ngày càng khô đi…

Lòng chẳng cãi được với mề. Đành sắm nắm gạo với mấy đồng bạc, tiễn cái cây về với nơi quanh năm có hoa thơm trái ngọt.

Và từ đây, cái cây chính thức hết buồn.

Còn chiếc lá, thì đã sớm hết buồn từ cách đây gần 3 tháng!

Xem thêm: Và chiếc lá hết buồn!

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 8j

Hồi thứ 8j
BỞI GHEN TUÔNG, THÁI SƯ CẦM HOẠ KÍCH
VÌ LO SỢ, ÔN HẦU TRÈO MÁI TÔN

Trước nói, Lã Bố từ lúc không lấy được Điêu Thuyền, mình tuy hầu ở bên Đổng Trác, ruột gan lúc nào cũng vơ vẩn chung quanh Thuyền.

Một bữa, Trác đang ngồi bàn việc với vua, Bố vác kích lẻn ra cửa sau, lên ngựa chạy đến tướng phủ tìm Điêu Thuyền.

Thuyền bảo: “Hãy ra vườn sau, bên đình Phượng Nghi đợi tôi”.

Bố vác kích đi trước, đứng bên bao lơn ở dưới đình chờ một hồi lâu, thấy Điêu Thuyền rẽ hoa gạt liễu đi đến, chẳng khác gì nàng tiên trên cung trăng.

Thuyền xụt xùi khóc bảo Bố rằng: “Tiện thiếp từ khi gặp tướng quân được nhận cho làm kẻ nâng khăn sửa túi đã lấy làm mãn nguyện lắm, ngờ đâu thái sư đem lòng bất lương, làm ô nhục thiếp, thiếp giận không chết ngay được, chỉ vì chưa gặp được tướng quân để từ giã lần cuối cùng, cho nên còn nhịn nhục sống đến bây giờ. Nay may được gặp nhau, thế là hả rồi. Thân đã nhơ nhuốc này không xứng đáng thờ anh hùng, thiếp xin chết ở trước mặt chàng để tỏ rõ tấm lòng”.

Nói xong, tay vịn bao lơn, Điêu Thuyền trông ra ao sen, định nhảy xuống.

Lã Bố vội vàng ôm ngay lấy, dỗ dành an ủi. Hai người quấn quấn quýt quýt không nỡ buông nhau ra.

Đổng Trác ở trên điện, bỗng ngoảnh lại không thấy Lã Bố, trong bụng nghi ngay, vội vàng xin cáo từ lên xe về phủ.

Trác đi thẳng vào hậu đường, không thấy Lã Bố. Gọi Điêu Thuyền cũng không thấy. Trác vào vườn sau tìm, thấy Lã Bố và Điêu Thuyền đang nói chuyện với nhau ở bên đình Phượng Nghi, họa kích dựng ở một bên.

Trác giận quát to một tiếng.

Bố thấy Trác đến, cả sợ, quay đầu chạy. Trác vớ ngay lấy ngọn họa kích đuổi theo.

Bố chạy nhanh. Trác béo phục phịch, đuổi không kịp, cầm kích ném theo Lã Bố. Bố gạt rơi xuống đất, đoạn trèo lên mái tôn một nhà xưởng.

Chạy được mấy bước, Bố đạp nhầm vào chỗ tấm tôn lấy ánh sáng bằng nhựa nên rơi xuống đất, trúng chiếc bàn gỗ trong nhà xưởng. Trác chạy lại xem thì thấy Bố đã tắt thở, trên mình đầy thương tích.

Đời sau có thơ than Lã Bố:

Nhanh chân trèo tít mái nhà
Tìm đường bỏ chạy, ngỡ là mình khôn
Đạp nhầm vào chỗ tấm tôn
Đành rơi xuống đất, vì nghĩa vong thân
Tiên trách kỉ, hậu trách nhân
Chung quy cũng bởi tranh phần người ta!

Muốn biết phen này chuyện Đổng Trác và Điêu Thuyền tiếp diễn dư lào, xem hồi sau mới rõ.

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Mắc lừa mãi rồi cũng thành quen?


Có những người, dành cả cuộc đời để bị lừa, các cụ ạ!

Chuyện cũng đã lâu rồi, đâu đó khoảng năm 2012 hay 2013, nhà em không nhớ chính xác.

Hồi hổi nhà em còn làm tín dụng, suốt ngày dzô Cà Mau cào mặt thu nợ. Đi ra đi dzô goài, riết nhà em cũng được mấy người làm ở khách sạn quen mặt, biết tên.

Một bữa, nhằm vào ngày nghỉ cuối tuần, nhà em chẳng đi đâu mà ngồi ở phòng, đọc đọc chép chép. Số là hồi hổi nhà em đương còn viết dở luận án, nên đi công tác đâu đều mang theo cả mớ tài liệu để nghiên cứu. Một chị trực buồng, theo lịch, đến dọn phòng cho nhà em. Trông chị chừng trên dưới bốn mươi, xuân sắc còn chưa kịp trôi đi hết.

Cũng bởi quen mặt biết tên rồi, nên chuyện trò được đôi câu, chị mạnh dạn hỏi: Cưng có gia đình chưa?

Hồi đó nhà em còn đồng trinh, dzưng nhà em nghĩ, nếu khoe cơ sự ấy ra thì người ta cười chết. Nhà em mới đáp bừa: Em có vợ, hai con rồi!

Chị trực buồng nghe thế thì tỏ vẻ ngạc nhiên. Chị thốt lên: Cưng tử tế quá đi à!

Nhà em cũng hơi ngạc nhiên, mới hỏi: Ủa, chị nói vậy là sao?

Chị bảo: Cưng là người đầu tiên ở khách sạn này nói với chị là đã có dzợ con. Chứ hồi nào tới giờ chị làm ở đây, đàn ông dzô thuê phòng, già trẻ gì cũng nói là chưa dzợ goặc bị dzợ bỏ hết trơn á!

Nghe chị nói mà nhà em thấy thương chị quá. Cả một thời thanh xuân của chị, nghe đàn ông dối trá về tình trạng hôn nhân đã thành quen. Đến khi gặp được một người nói khác đi, thì cũng là đồ dối trá nốt.

Nhưng biết làm sao được! Nếu hôm đó nhà em nói thật, thì chắc chị cũng nghĩ là nhà em dối trá như bao người đàn ông khác đến thuê phòng, bởi hết đời này qua kiếp khác, các chị đã tự kết luận với nhau một điều bất di bất dịch, rằng: Đàn ông các người, thằng nào mà chẳng giống nhau!

Nói dối mà làm chị vui vì tưởng gặp được một người tử tế, thì chắc là vẫn hơn nói thật mà khiến chị buồn hoặc khinh bỉ vì phải gặp thêm một thằng đàn ông chưa dzợ hoặc bị dzợ bỏ như bao thằng đàn ông khác, phỏng các cụ?

Chúc các cụ một ngày nói dối vui vẻ nha!

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Bạn Huyền


Bạn Huyền là lớp phó thời đại học. Mười lăm năm gặp lại, bạn được Ban liên lạc tín nhiệm giao cho giữ quỹ lớp.

Được cái nết giỏi lo toan, nên trong 5 năm cầm quỹ, bạn Huyền không những không làm thất thoát đồng nào, mà còn làm quỹ lớp sinh lời nhiều hơn cả số tiền cần chi.

Hết 5 năm, bạn Huyền ngỏ ý muốn giao lại quỹ lớp cho một người khác. Dưng hỏi khắp cả Ban liên lạc, chẳng ai thấy đủ đức đủ tài để đảm nhận cái việc mà bạn Huyền đang làm quá tốt.

Cực chẳng đã, bạn Huyền mới yêu cầu làm một cuộc trưng cầu ý kiến để chọn người cầm quỹ lớp. Em thay mặt Ban liên lạc, liền tổ chức bỏ phiếu với các lựa chọn là (1) ủng hộ bạn Huyền giữ quỹ lớp, hoặc (2) cực kỳ ủng hộ và tin tưởng bạn Huyền giữ quỹ lớp.

Kết quả trưng cầu, tất cả mọi người đều cho biết là cực kỳ ủng hộ và tin tưởng bạn Huyền giữ quỹ lớp.

Chả biết lúc nhận được kết quả bỏ phiếu như vầy thì bạn Huyền cảm thấy vui hay cực kỳ vui và xúc động. Song, dù cảm xúc của bạn Huyền là dư lào, thì chắc là bạn cũng không thể chối bỏ được một sự thật, là bạn được tập thể tín nhiệm rất cao.

Không cao làm sao được, khi em là người đứng ra tổ chức trưng cầu ý kiến. Mà nói chả phải phét, chứ thời gian em dành cho việc xem kết quả các cuộc bỏ phiếu trên vô tuyến, tính chi li ra, cũng có phải là ít đâu!