Có lần, tôi được mời hướng dẫn một nghiên cứu sinh làm luận án tiến sỹ chuyên ngành Piano của Nhạc viện Hà Nội…
Âm nhạc hàn lâm là thứ mà tôi rất thích và cũng có dành thời gian tìm hiểu. Nhưng thú thực, ngoài việc đọc Schubert là Su-be thay vì Sờ-chu-be, hoặc đọc Chopin là Sô-panh thay vì Chô-pin, tôi cũng chả biết gì hơn. Ấy thế mà giờ lại phải hướng dẫn một nghiên cứu sinh làm luận án về piano, tôi thực sự rất lấy làm lo lắng.
Theo chương trình đào tạo tiến sĩ của Nhạc viện, tôi đã đến dự một buổi sinh hoạt chuyên môn của Khoa Lý Sáng Chỉ. Ở đó, tôi gặp nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc.
Nhạc của Đặng Hữu Phúc thì tôi không biết nhiều, dù tôi có nghe nói là anh đã viết hàng trăm tác phẩm thanh nhạc cũng như khí nhạc. Ngoài hai bài hát tôi hay được nghe là “Trăng chiều” và “Cơn mưa sang đò”, tôi chỉ biết đến Đặng Hữu Phúc qua chùm bài viết của anh trên VietNamNet cách đây cũng đã lâu lâu, mà trong đó anh phê phán khá nặng nề về sự dễ dãi và kệch cỡm trong sáng tác và biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam. Nhưng chỉ cần chừng ấy, tôi cũng cảm nhận được Đặng Hữu Phúc là một người lao động nghệ thuật nghiêm túc. Và cũng chính vì vậy, tôi thấy rất kính trọng anh, dù chưa một lần từng gặp.
Khác với những gì tôi hình dung về sự chỉn chu và đạo mạo của một người nghiêm túc trong nghệ thuật, Đặng Hữu Phúc của tôi cũng mang vẻ bề ngoài bụi bặm với quần áo tuềnh toàng và râu tóc mất trật tự, giống như nhiều nghệ sĩ mà tôi từng thấy.
Bắt đầu vào sinh hoạt chuyên môn, tôi lặng lẽ ngồi quan sát và lắng nghe, xem việc hướng dẫn viết một luận án về lĩnh vực âm nhạc thì có gì khác so với luận án về lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đặng Hữu Phúc chưa có ý kiến gì, nhưng có một nhạc sĩ, tôi không biết tên, phát biểu khá nhiều. Anh cho rằng hiện nay có khá nhiều tác phẩm viết cho piano bị lỗi, gây khó khăn cho nhạc công khi biểu diễn.
Chứng minh cho ý kiến của mình, người nhạc sĩ đưa ra một tập bản nhạc được anh đánh dấu vào những đoạn mà anh cho là bị lỗi. Rồi anh tiến đến cây piano, chơi thử một đoạn nhạc trong số những đoạn mà anh chỉ ra. Nhìn những ngón tay anh lướt trên phím đàn, tôi nhận thấy một số nốt trong đoạn nhạc này làm các ngón tay bị vướng vào nhau khi chuyển gam…
Với vốn kiến thức âm nhạc ít ỏi của mình, tôi không thể hiểu vì sao ở đời lại có chuyện tréo ngoe như những gì đang diễn ra trước mắt, bởi tôi tưởng, dù chuyển gam, chuyển tông hay chuyển cái gì ở trong bản nhạc thì bằng quá trình luyện tập của mình, người chơi piano vẫn có thể di chuyển các ngón tay trên phím đàn một cách rất dễ dàng mà không hề bị vướng vào nhau.
Chưa kịp nói gì về chuyện lạ đời kia thì tôi thấy ngứa rát ở cổ. Ho lên một tiếng và mở mắt ra, tôi biết là mình vừa nằm mơ và vẫn đang bị cảm cúm…
Có chơi là có chịu!
Trả lờiXóahihi
XóaDVD nghĩ, có lẽ là do lỗi in ấn chăng???
Trả lờiXóaChắc không phải lỗi in ấn đâu tiền bối ạ. Chỉ là mơ thôi mà, mình có kiểm soát được đâu!
Xóa