Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Xin gọi nhau là cố nhân: câu chuyện của Từ Hoảng, Tào Tháo và Quan Vũ



Ảnh: Từ Hoảng chém chết Thôi Dũng chỉ trong một hiệp giao phong
Từ Hoảng là nhân vật xuất hiện khá sớm trong “Tam quốc diễn nghĩa”. Độc giả biết đến Từ Hoảng lần đầu tiên khi Hoảng cùng với Dương Phụng, Hàn Tiêm đem quân đánh nhau với bọn Lý Thôi - Quách Dĩ để hộ giá Thiên tử.

Ngay khi mới xuất hiện, Từ Hoảng đã tỏ ra là người dũng mãnh phi thường. Chỉ trong một hiệp giao phong, Hoảng đã chém bay đầu viên bộ tướng của Quách Dĩ là Thôi Dũng, rồi sau đó liên tục diễu võ dương oai, nhiều lần đánh tan quân của Lý Thôi - Quách Dĩ để cứu vua Hán.

Nhưng thoát khỏi nạn Lý Thôi - Quách Dĩ thì nhà vua lại rơi vào tay Tào Tháo. Họ Tào muốn nắm Thiên tử để ra lệnh cho chư hầu, nên ép vua dời đô từ Lạc Dương về Hứa Xương. Từ Hoảng lại một lần nữa theo Dương Phụng và Hàn Tiêm đánh nhau với quân Tào để cứu Thiên tử.


Ảnh: Mãn Sủng thuyết phục Từ Hoảng về hàng Tào Tháo
Cũng như khi đánh Lý Thôi - Quách Dĩ trước đây, Từ Hoảng lại trổ thần oai khiến Tào Tháo rất mến mộ, muốn kéo Hoảng về phục vụ dưới trướng của mình. Tháo liền sai mưu sĩ Mãn Sủng lẻn vào trong quân của Dương Phụng, Hàn Tiêm để chiêu dụ Từ Hoảng quy hàng. Và Hoảng đã nghe theo lời khuyên của Sủng, quyết định theo phò Tào Tháo. Nhưng khi Mãn Sủng xui Từ Hoảng giết Dương Phụng và Hàn Tiêm để làm lễ ra mắt Tào Tháo thì Hoảng lại chẳng nghe. “Làm bầy tôi mà giết chủ, điều ấy thực là bất nghĩa, tôi quyết không làm” - Hoảng nói.

Câu chuyện về nhân vật Từ Hoảng có lẽ sẽ chẳng có gì để người đời có thể nói thêm nếu chỉ dừng lại ở đấy, bởi sau đó Hoảng đã hết lòng phụng sự Tào Tháo và nhiều lần lập được đại công, được Tháo trọng dụng. Âu thì đó cũng là một điều may mắn cho Từ Hoảng vì đã chọn được chủ để thờ. Nhưng sự việc không chỉ diễn biến đơn giản như vậy.

Trong các trận chiến mà Từ Hoảng tham gia sau khi về hàng Tào Tháo, có một trận nhằm vào anh em Lưu, Quan, Trương ở Từ Châu. Trận đó quân Tào trọn thắng, Lưu Bị và Trương Phi phải bỏ chạy thoát thân, còn Quan Vũ, trong thế cực chẳng đã, đành phải về hàng Tào Tháo để bảo toàn gia quyến của Lưu Bị.

Trong thời gian lưu lại bên quân Tào, Quan Vũ chơi thân với Từ Hoảng[1] và cũng đã bảo ban cho Hoảng nhiều điều. “Nhớ đến khi xưa chơi với nhau, được nhờ dạy bảo cho nhiều, không biết bao giờ quên cái ơn ấy!” - chính Từ Hoảng nói với Quan Vũ như vậy khi hai người đối trận ở Phàn Thành sau này.

Sau một thời gian thất tán, anh em Lưu, Quan, Trương lại tìm được nhau và cùng hợp sức với Tôn Quyền ở Đông Ngô để chống lại Tào Tháo. Và lần này thì liên minh Tôn - Lưu đại thắng, còn quân Tào mười phần thì chết đến bảy, tám.


Ảnh: Tào Tháo bảo Từ Hoảng và các tướng chạy về đường Hoa Dung
Tào Tháo thua trận, dẫn một đám tàn quân tháo chạy nhưng bị trúng mai phục ở Hoa Dung. Tướng được giao chỉ huy quân mai phục, không ai khác, lại chính là Quan Vũ.

Nhưng Quan Vũ không nỡ xuống tay với họ Tào. Mặc dù biết rõ bản thân đang làm việc công và đã lập quân lệnh trạng[2] trước mặt Gia Cát Lượng, nhưng khi đối diện với Tào Tháo, nhớ đến ân tình Tào Tháo đãi mình rất hậu khi xưa và việc Tháo thả cho mình tự do đi tìm Lưu Bị, Quan Vũ lại bảo quân mai phục giãn vòng vây, tha chết cho Tào Tháo và đám thuộc hạ. Trong đám quân Tào được tha, có cả Từ Hoảng.

Việc Quan Vũ tha chết cho Tào Tháo ở Hoa Dung sau đó đã trở thành một câu chuyện được người đời ca tụng. Sách “Tam quốc diễn nghĩa” có chép hai câu thơ khen ngợi việc này: “Cũng liều một chết đền ơn cũ. Nên để nghìn thu nức tiếng thơm”.

Sự khâm phục của thiên hạ dành cho Quan Vũ chính là vì tinh thần trượng nghĩa có một không hai của ông. Nhưng hơn thế, người đời ngưỡng mộ Quan Vũ còn xuất phát từ việc Quan Vũ biết trước nếu thả Tào Tháo thì sẽ bị chém đầu song vẫn để cho Tháo chạy thoát. Việc đó cũng giống như việc Quan Vũ dùng chính mạng của mình để đổi lấy mạng Tào Tháo vậy.


Ảnh: “Tôi xin cự nhau với Vân Trường!”
Cũng may là sau đó, Gia Cát Lượng vì nể mặt Lưu Bị nên đã tha chết cho Quan Vũ và giao ông tiếp tục cầm quân đánh trận. Một trong những trận đó là tiến đánh quân Tào ở Tương Dương - Phàn Thành.

Bằng trí dũng của một vị tướng văn võ song toàn, Quan Vũ đã đánh cho quân Tào đại bại, chiếm được Tương Dương và vây khốn Phàn Thành. Tào Tháo được tin, liền phái Từ Hoảng dẫn quân ra cứu Phàn Thành[3], đồng thời sai người sang Đông Ngô xúi giục Tôn Quyền phát binh đánh tập hậu Quan Vũ.

Từ Hoảng vừa đông quân vừa dày dạn trận mạc, nên lần lượt đánh bại các bộ tướng của Quan Vũ là Quan Bình và Liêu Hoá, rồi tiến quân đối địch với Quan Vũ.

Hai bên dàn trận, chào hỏi nhau chưa được mấy câu, Từ Hoảng ngoảnh lại bảo với thuộc hạ: “Hễ ai lấy được đầu Vân Trường, thì thưởng cho nghìn vàng!”. Quan Vũ nghe nói thì giật mình, buông lời trách móc Từ Hoảng. Nhưng Từ Hoảng lúc đó chẳng còn kể gì tình xưa nghĩa cũ. “Hôm nay là việc nhà nước, tôi không dám vị chút tình riêng mà bỏ việc công!” - Hoảng nói rồi xông lên đánh Quan Vũ.


Ảnh: “Hễ ai lấy được đầu Vân Trường, thì thưởng cho nghìn vàng!”
Trận đấy Quan Vũ thua to. Trước mặt có quân Tào phản kích, sau lưng có quân Ngô đánh tập hậu, Quan Vũ không có quân cứu viện, đành bỏ mình vì việc nước. Và Từ Hoảng chính là một trong những người góp công lớn nhất trong việc đẩy Quan Vũ đến bước đường cùng.

Câu chuyện về việc Quan Vũ đánh Tương Dương - Phàn Thành là một trong những câu chuyện bi tráng và để lại cho người đọc nhiều ấn tượng nhất trong bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”. Khi nhắc đến câu chuyện này, độc giả các thế hệ ngoài việc tỏ ra tiếc nuối cho sự ra đi của người anh hùng mặt đỏ râu dài, thường tập trung vào việc mổ xẻ nguyên nhân thất bại của Quan Vũ hoặc đi tìm kẻ phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại đó.

Cũng giống như mọi độc giả khác, khi đọc đến đoạn Quan Vũ bỏ mình, tôi cũng không tránh khỏi cảm giác thương cảm và tiếc nuối. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ nhất, không phải là việc vì sao Quan Vũ bại trận hay việc ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông. Điều làm tôi nghĩ ngợi nhiều hơn cả trong câu chuyện này, chính là sự vô ơn của Từ Hoảng - kẻ đã từng có lúc tuyên bố không làm điều bất nghĩa.


Ảnh: Từ Hoảng dẫn quân truy kích Quan Vũ
Cùng gặp lại cố nhân trong khi thi hành công vụ, nhưng Quan Vũ thì quá nghĩ đến ân tình cũ đến nỗi phạm cả vào quân lệnh, còn Từ Hoảng thì chẳng hề mảy may. Cùng gặp lại người đã tha chết cho mình ngày trước, nhưng Quan Vũ thì chấp nhận lấy tính mạng mình ra để báo đáp, còn Từ Hoảng thì không những không hề nghĩ đến việc đền ơn mà còn quyết lấy bằng được thủ cấp của ân nhân để làm công lao của mình. Tôi không tài nào hiểu được trên đời này có điều gì lại có thể làm cho người ta trở nên bạc tình bạc nghĩa với nhau đến như vậy.

Nếu chịu khó để ý, người đọc “Tam quốc diễn nghĩa” sẽ thấy các nhân vật trong truyện mỗi khi nổi giận, thường mắng mỏ cừu nhân của mình là đồ chó lợn hoặc là kẻ sống thừa trong trời đất. Từ Hoảng tuy không bị một nhân vật nào mắng nhiếc như vậy, thậm chí còn được khen là kẻ trí dũng[4], nhưng mỗi khi nghĩ đến việc họ Từ quyết tâm lấy đầu của người đã tha mạng cho y, tôi lại thấy rằng nếu mắng y như cách mà các nhân vật trong “Tam quốc diễn nghĩa” vẫn thường làm thì cũng thật oan ức cho loài chó hay loài lợn lắm lắm.

-----
[1] Sách “Tam quốc diễn nghĩa” Hồi 26 có chép: Trong bọn bộ hạ Tào Tháo, ngoài Trương Liêu ra, có Từ Hoảng là thân với Quan Vũ
[2] Quân lệnh trạng: bản cam đoan sẽ chịu tội chết nếu không hoàn thành nhiệm vụ
[3] Thực ra việc Tào Tháo sai Từ Hoảng dẫn quân ra cứu Phàn Thành là do chính Từ Hoảng xung phong. Sách “Tam quốc diễn nghĩa” Hồi 75 chép rằng, lúc Tháo vừa bàn với các tướng cử người ra cứu Phàn Thành thì Tử Hoảng bước ra thưa rằng: “Tôi xin cự nhau với Vân Trường!”
[4] Sách “Tam quốc diễn nghĩa” Hồi 76 chép rằng, sau khi Từ Hoảng giải vây được Phàn Thành, Tào Tháo khen rằng: “Công Minh thực là người can đảm và có trí”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét