Đấy là một câu trong “Truyện Kiều” của một ông tiên tên là Điền, quê ở Hà Tĩnh. Nhưng sự hay hớm ấy thì mãi đến khi lên lớp 8 hay lớp 9 thì tôi mới được biết. Còn khi đọc được câu này lần đầu tiên, thì tôi mới chỉ là một thằng nhóc học lớp 1 trường Lê Lợi. Và nhiệm vụ của tôi là phải đánh vần làm sao để đọc cho trọn vẹn hai câu của ông tiên Điền được người ta đưa vào sách “Học vần 1”:
“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”
Tôi không nhớ ở thời điểm ấy, người ta đưa hai câu trên vào sách để dạy cho tôi đánh vần chữ nào. Chỉ biết là sau khi đọc được tất cả các chữ trong đó, thì ngoài đôi ba từ quen thuộc như “tháng ba”, “mộ”, “đạp”, hay “là” ra, tôi không hề hiểu các từ còn lại trong câu ấy có nghĩa gì, càng không thể nào hiểu được ý tứ của cái câu ấy là dư lào. Thậm chí, với trình độ của một người có số làm “ông Nghè”, tôi không tài nào hiểu nổi tại sao lại đạp thanh, trong khi thằng Thanh học cùng lớp với tôi lại rất hiền lành và cũng rất tốt với tôi.
Mắc mớ từ môn đánh vần kia còn chưa giải toả xong, thì tôi lại gặp phải một mắc mớ khác ở môn học hát. Số là trong những ngày tháng đầu tiên đến trường đó, bọn tôi cũng được cô giáo dạy cho một bài hát mà chắc là những ai đã từng học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa cũng thuộc. Tôi không nhớ bài đó tên là gì, cũng không nhớ là của Phong Nhã hay Hoàng Long hay Hoàng Lân hay bất kỳ một nhạc sĩ nào khác, chỉ nhớ đoạn mở đầu có câu: “Một ngày vui, theo tay bác cháu hát vang bài kết đoàn. Giọng bác hồ như suối ngọt, giọng cháu thanh như chim hót…”
Mặc dù sau nhiều giờ học hát, tôi đã thuộc được bài trên và thường xuyên hát ông ổng trong các giờ sinh hoạt lớp, nhưng tôi cũng rất băn khoăn, không hiểu thằng Thanh được gặp Bác Hồ vào lúc nào, và tại sao lớp tôi có bao nhiêu người thì cô giáo không chọn ai để đưa vào bài hát mà lại chọn bạn Thanh? Nói thì xấu hổ, nhưng quả thực hồi đó, tôi cứ tưởng các bài hát mà cô dạy trên lớp là do cô tự sáng tác ra.
Lên lớp 2, thì tôi không còn băn khoăn về bạn Thanh nữa. Vấn đề không phải là vì tôi đã phân biệt được thanh viết hoa và thanh viết thường khác nhau dư lào, mà chẳng qua là trong các bài học vần hay tập đọc, tôi không gặp từ “thanh” nào nữa. Thay vào đó, tôi gặp từ “Hùng”.
Hùng là một thằng nhóc ở cạnh khu tập thể nhà tôi, ít hơn tôi một tuổi. Tôi không nhớ căn nguyên bắt nguồn từ đâu, nhưng hồi đó tôi rất ghét thằng Hùng, thậm chí cũng đã có một vài lần đánh nhau với nó. Thế cho nên, khi giở sách “Tập đọc 2” ra, thấy có bài “Thăm cảnh đền Hùng”, tôi thật lấy làm hả dạ.
Thực ra thì hồi đó, tôi chỉ cố làm sao để nhớ mặt chữ và đọc cho trôi chảy các từ thôi, chứ tôi cũng trong không biết đàng (và cũng không thèm) thắc mắc hay tìm hiểu để xem những chữ mà tôi đọc có nghĩa là gì. Và với hiểu biết của một thằng nhóc đã được đi thăm rất nhiều lăng ở Huế nhưng chưa từng được biết đến một cái đền nào, thì tôi hiểu, đền Hùng có nghĩa bắt đền thằng Hùng ở cạnh khu tập thể nhà tôi.
Mặc dù, không băn khoăn về căn nguyên của việc người ta đưa chuyện thằng Hùng vào môn tập đọc như đã từng băn khoăn việc thằng Thanh được đưa vào môn học vần hay môn tập hát, nhưng với quan điểm của một học sinh lớp 2, tôi nghĩ, một đứa đáng ghét như thằng Hùng, bị bắt đền là rất đúng.
Ấy thế mà, chỉ sau vài ngày xuân “con én đưa thoi”, lên lớp 4, tôi lại được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi văn. Và trong một buổi phụ đạo dành cho các học sinh được cho là giỏi văn đó, tôi đã hồn nhiên giải thích cho cô giáo của tôi biết rằng, sản xuất dây chuyền có nghĩa là sản xuất ra một loại dây rất đẹp để đeo vào cổ!
Ông đã được học bài thơ "Bắt nạt" chưa phỏng???????? Thơ là phải dễ hiểu đúng hem?????
Trả lờiXóaNói có bóng đèn, chứ ta sinh nhanh đẻ sớm nên chưa được học bài ấy. Cơ dưng ta cũng đồng ý với mụ, là thơ hay văn xuôi gì thì cũng phải dễ hiểu mí được!
Xóa