Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 60c


Hồi thứ 60c
TÀO A MAN GIA CÔNG SOẠN SÁCH
TRƯƠNG VĨNH NIÊN LÊN TIẾNG CHÊ BAI


Trước nói, quan biệt giá ở Ích Châu là Trương Tùng phụng mệnh đi sứ đến Hứa Đô, bị Tào Tháo bạc đãi.

Chủ bạ phủ thừa tướng là Dương Tu biết Trương Tùng là người có tài, bèn mời vào phòng sách ngồi chơi.

Chào hỏi xong xuôi, Trương Tùng hỏi Dương Tu: “Tôi nghe nói gần đây thừa tướng có soạn ra một bộ sách để dạy học trò trong thiên hạ, chẳng hay ngài đã được ngó qua chưa?”

Dương Tu đáp: “Tôi làm chủ bạ, được thừa tướng giao cho việc sổ sách nên cũng may mắn được xem qua”.


Ảnh: “Sách này đã đáng dùng để dạy cho trẻ con tập đọc chưa?”
Liền gọi đầy tớ mở tủ lấy một quyển sách đưa cho Trương Tùng xem. Tùng thấy quyển sách ấy ngoài đề bốn chữ: “Mạnh Đức tân thư”, mở ra xem hết một lượt, cả thảy mười ba thiên, toàn là phép cốt yếu về việc tập đọc của trẻ con như: “Ghẹ, cốc và đàn tôm”, “Hai con lừa”, “Ong và vịt”, “Sóc thua sên”, “Bốn chiếc lều”…

Trương Tùng xem xong, hỏi: “Ông bảo quyển sách này là của ai làm ra?”

Dương Tu đáp: “Đó là của thừa tướng cùng các học sĩ ở Quốc tử giám tham khảo cổ kim phỏng theo trước tác của các hiền nhân như Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử mà làm ra. Ông khinh thừa tướng không có tài, thử hỏi quyển sách này đã đáng dùng để dạy cho trẻ con tập đọc chưa?”

Tùng cười ầm lên mà nói rằng: “Sách này quá nhiều sạn! Dạy tập đọc mà dùng những chuyện như trong sách này thì quá xa với tư duy của trẻ con. Ấy là chưa kể sách có quá nhiều chỗ dạy trẻ con cái thói ba que xỏ lá, lại dùng quá nhiều phương ngữ Hoa Hạ, trẻ con vùng Tây Xuyên hay Giang Đông sẽ không hiểu được!”

Dương Tu nghe nói, giật mình: “Nếu quả có chuyện đó thì đúng thậm nguy! Việc này xin ông chớ tiết lậu ra ngoài vội, để tôi vào bẩm với thừa tướng xem ngài dạy như thế nào”.

Liền vội vàng vào phủ gặp Tào Tháo, thuật lại những lời của Trương Tùng. Tháo nghe xong liền nói: “Làm sao sách tập đọc lại dạy học trò lừa lọc được. Kể cả không có sách hướng dẫn, thầy đồ cũng cần giải thích cho học trò hiểu, đó là nghiệp vụ sư phạm. Còn nếu không hiểu phương ngữ thì phải dùng từ điển chứ!”

Dương Tu nói: “Nhưng một danh sĩ Tây Xuyên như Trương Tùng mà đọc sách của thừa tướng còn thấy khó hiểu, thì e là các thầy đồ và bọn trẻ con sẽ khó lòng hiểu được!”

Tào Tháo gạt đi: “Trương Tùng chắc đã đọc không đầy đủ trước tác của các hiền nhân nên mới chỉ trích các tác giả bịa. Ta thấy phê bình như vậy rất vội vàng. Ta khẳng định các bài đọc đều đã được cân nhắc, viết đi viết lại rất kỹ!”

Dương Tu liền cáo từ lui ra, đem những lời của Tháo thuật lại cho Trương Tùng.

Tùng nghe xong, thở dài một lượt, bụng nghĩ: “Ta tưởng Tào Tháo là người tài, định đem các châu quận Tây Xuyên dâng cho hắn. Không ngờ hắn soạn sách tập đọc cho con nít cũng không xong, làm sao có thể mưu đồ việc lớn!”


Ảnh: “Sách này quá nhiều sạn!”
Liền bái biệt Dương Tu, cưỡi ngựa dẫn bộ hạ đi thẳng đến địa giới Kinh Châu tìm Lưu Huyền Đức.

Ấy thật là:
Bó tay với loại óc trì độn
Nên đành quay gót tránh lôi thôi


Muốn biết sách của Tào Tháo phen này sẽ dạy trẻ con tập đọc dư lào, xem hồi sau mới rõ.

1 nhận xét:

  1. Tào thừa tướng cùng các học sĩ ở Quốc tử giám đã dày công tham khảo cổ kim phỏng theo trước tác của các hiền nhân để soạn ra.
    E rằng Trương Tùng chắc đã đọc không đầy đủ trước tác của các hiền nhân nên mới chỉ trích.
    Phê bình như vậy có lẽ vội vàng chăng?
    Hì hì hì...

    Trả lờiXóa