Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Nghìn vàng của Ngũ Tử Tư


1. Ngũ Tử Tư (tên thật là Ngũ Viên) người nước Sở thời Xuân Thu, làm quan dưới triều Sở Bình vương. Mặc dù không được nhiều người đời sau biết đến nhưng Ngũ Tử Tư là người sống cùng thời và có liên quan đến rất nhiều nhân vật lịch sử mà người Việt Nam ít ai không biết: Tôn Vũ (tức Tôn Tử), Phù Sai, Tây Thi, Phạm Lãi, Văn Chủng, Câu Tiễn, Bá Hỉ...

Theo sách Đông Chu liệt quốc tả lại thì Ngũ Tử Tư mình cao một trượng, lưng rộng người ôm, mày rộng một thước, mắt sáng như điện, sức khoẻ lạ thường, lại văn võ toàn tài. Xung quanh cuộc đời ông có rất nhiều truyền thuyết như: thức một đêm sáng dậy bạc đầu; đào mả Sở Bình vương quất roi vào hài cốt; móc mắt treo nơi cửa thành Cô Tô để chứng kiến cảnh quân Việt tàn phá nước Ngô...

2. Do đắc tội với Sở Bình vương nên cha và anh của Ngũ Tử Tư là Ngũ Xa và Ngũ Thượng bị Sở Bình vương giết chết, còn Ngũ Tử Tư phải tìm đường trốn sang nước Ngô lánh nạn. Trên đường chạy sang đất Ngô, Ngũ Tử Tư gặp một người đàn bà giặt áo ở bến sông Lại Thuỷ có mang theo một giỏ cơm. Do quá đói, Ngũ Tử Tư đã đến gặp người đàn bà để xin cơm ăn. Người đàn bà thấy Ngũ Tử Tư mặt mũi khôi ngô, lại đoái thương hoàn cảnh của kẻ gặp bước khốn cùng, liền đem giỏ cơm cho Ngũ Tử Tư.

Ăn xong, Ngũ Tử Tư từ biệt người đàn bà để tiếp tục đi. Người đàn bà buồn bã than rằng: “Mẹ goá con côi, ba mươi năm nay ta vẫn một lòng trinh tiết, nào ngờ vì một giỏ cơm mà bị đàn ông thấy mặt, còn gì là trinh tiết nữa!”. Đoạn nàng ôm một viên đá lớn nhảy suống xông tự tử.


Ảnh: Ngũ Tử Tư
Ngũ Tử Tư thương xót vô cùng, mới cắn đầu ngón tay, lấy máu viết lên một viên đá hai mươi chữ:

“Nàng ngồi giặt
Ta đi xin
Ta bụng đói
Nàng chết đuối
Sau mười năm nữa
Báo ơn nghìn vàng”.


3. Ngũ Tử Tư trốn sang đất Ngô, giúp công tử Quang nước Ngô giành được ngôi vua, tức là Ngô vương Hạp Lư. Được vua Ngô trọng dụng và giúp đỡ, Ngũ Tử Tư cùng với Hạp Lư và Tôn Vũ mang quân Ngô sang đánh nước Sở để trả thù việc bị Sở Bình vương (lúc đó đã chết và truyền ngôi lại cho con là Sở Chiêu vương) giết cha và anh. Chiếm được nước Sở, Ngũ Tử Tư sai quật mả Sở Bình vương lên rồi dùng roi đồng đánh luôn ba trăm roi vào thi thể của Sở Bình vương khiến cho thịt nát xương rơi.

Trên đường rút quân về nước Ngô ngang bến sông Lại Thuỷ, Ngũ Tử Tư nhớ lại người trinh nữ năm xưa đã cho mình ăn cơm, muốn đem một nghìn nén vàng để đền ơn nhưng không biết tìm nhà của người con gái ở nơi đâu, đành sai quân lính ném vàng xuống vệ sông rồi khấn linh hồn người con gái xấu số chứng giám. Về sau, quân lính của Ngũ Tử Tư tìm được mẹ của người trinh nữ và chỉ chỗ cho bà lão xuống vệ sông lấy vàng về. Từ đó, người ta gọi mặt của phụ nữ chưa bị đàn ông nhìn thấy là cái nghìn vàng.

4. Ngày nay, ở một số nơi như Ấn Độ, Pakistan, Trung Đông... vẫn còn giữ phong tục thời Xuân Thu và phụ nữ chưa chồng khi ra đường phải mang khăn che mặt để bảo vệ cái nghìn vàng. Ngược lại, ở nhiều nơi khác như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Âu..., phong tục này đã bị mai một và người phụ nữ lại tìm cách bảo vệ những cái chẳng liên quan gì đến mặt trong khi vẫn chườm mặt ra đường để cho đàn ông xem thoải mái.

Trong bối cách toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ và giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng kỷ lục 1.500 USD/ounce như hiện nay, chắc chắn một chuẩn mực quốc tế về cái nghìn vàng sẽ sớm ra đời để các nước có cách hiểu và vận dụng thống nhất. Có điều, kể cả nếu bây giờ Ngũ Tử Tư sống lại thì cũng khó lòng đoán được liệu cộng đồng quốc tế có lựa chọn việc giữ lại phong tục có từ thời ông ta không, hay phụ nữ vẫn cứ để đàn ông tha hồ nhìn mặt trong lúc lại mất công bảo vệ những cái mà Ngũ Tử Tư chẳng bao giờ ngờ? 

 Linh hồn ngài Ngũ Tử Tư có khôn thiêng thì xin tha thứ cho trò nghịch dại của kẻ hậu sinh! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét