Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Nguỵ Diên, Pháp Chính và anh Lượng râu


1. Nguỵ Diên và Pháp Chính là hai nhân vật có địa vị cao trong tập đoàn cát cứ của Lưu Bị và cũng là hai nhân vật khá nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa. Trước khi gia nhập phe Lưu Bị, hai người này đã từng phục vụ dưới trướng của các lãnh chúa khác. Nếu đem tài năng, phẩm chất của hai người ra để xét thì sẽ khó lòng cân đong đo đếm được một cách chi li, bởi Pháp Chính là người theo nghiệp văn, còn Nguỵ Diên là người theo nghiệp võ, song nhìn chung cả hai người bọn họ đều có thể được coi là nhân tài, vì Nguỵ Diên là người kiêu dũng, còn Pháp Chính là kẻ mưu lược. Dẫu vậy, con đường quan lộ của họ trong cuộc đời phụng sự họ Lưu lại khác nhau cả một trời một vực.


Ảnh: Nguỵ Diên, tự Văn Tràng
Nguỵ Diên, lúc ở Tương Dương, đã có ý đi theo Lưu Bị vì cho rằng họ Lưu là người nhân đức, song vì gặp lúc loạn lạc, lại bị Văn Sính vây đánh dữ dội nên Diên không đi theo Lưu Bị được, đành chạy sang Trường Sa theo Hàn Huyền. Đến khi Lưu Bị sai Quan Vũ đánh Trường Sa, chính Diên là người đã giết Hàn Huyền, cứu lão tướng Hoàng Trung và dâng thành cho Quan Vũ. Như vậy, có thể thấy rằng động cơ của việc Nguỵ Diên chủ động đi theo Lưu Bị là trước sau như một, hoàn toàn xuất phát từ sự cảm mến nhân đức của họ Lưu.

Ấy thế nhưng vừa gặp mặt Nguỵ Diên, Gia Cát Lượng đã quát võ sĩ lôi ra chém ngay. Lý sự của anh Lượng nhà ta là: “Ăn lộc của chủ mà lại giết chủ, thế là người bất trung. Ở đất ấy mà lại dâng đất ấy, thế là quân bất nghĩa”. Anh Lượng râu còn phán thêm rằng Nguỵ Diên mai này tất sinh lòng phản nghịch do gáy của y có cái phản cốt, cho nên phải chém trước để trừ cái vạ về sau. Và trong suốt cả quãng đời nắm binh quyền của mình, anh Lượng lúc nào cũng định kiến với Nguỵ Diên và nhiều lần ra tay trù dập cán bộ: lúc tấn công thì anh ấy cho Nguỵ Diên làm tiên phong đi đầu lãnh đạn; khi thua chạy thì anh ấy sai y đi đoạn hậu, lấy mạng ra để liều với quân giặc đang thừa thắng truy kích; lúc họp hội đồng thi đua thì anh ấy coi công Liêu Hoá nhặt được cái mũ của Tư Mã Ý cao hơn công Nguỵ Diên đánh bại Quách Hoài và cướp được hơn một vạn tạ lương; khi quy hoạch cán bộ kế cận thì anh ấy nhắm giao binh phù lại cho Dương Nghi vốn chỉ là một chức Trưởng sử tẹp nhẹp, cả đời chẳng lập được mấy công trạng, và gạt bỏ Nguỵ Diên khi đó đã giữ chức Chinh Tây đại tướng quân, tước Nam Trịnh hầu, với bảng kê khai thành tích chi chít công lao...


Ảnh: Pháp Chính, tự Hiếu Trực
Trong khi đó, Pháp Chính vốn là bề tôi của Lưu Chương, nhưng lại toa rập với hai kẻ bề tôi khác là Trương Tùng và Mạnh Đạt để dâng Tây Xuyên của Chương cho Lưu Bị. Pháp Chính nói với Trương Tùng: “Tôi chắc Lưu Chương không làm nên trò gì được, nên vẫn rắp tâm theo Lưu Huyền Đức đã lâu”, và chính Pháp Chính là một mắt xích cực kỳ quan trọng trong chuỗi thành công của Lưu Bị trên đường cướp đoạt Tây Xuyên của người em đồng tông. Pháp Chính cũng không phải là không muốn giết chủ của mình, bằng chứng là khi Lưu Chương đãi tiệc Lưu Bị, Pháp Chính đã cùng với Bàng Thống bày ra kế sai Nguỵ Diên múa kiếm góp vui để thừa cơ giết Chương.

Đến khi Lưu Bị vào Xuyên, Pháp Chính được giữ chức Thái thú Thục Quận, “báo ơn báo oán, không bỏ sót một bữa cơm ân đức hay một cái lườm nguýt giận hờn”. Nhưng khi có người khuyên anh Lượng râu nên hạn chế bớt quyền hành của Pháp Chính đi, thì anh Lượng, lúc đó là đương kim cùi chỏ của Lưu đóng dép, lại bảo: “Trước kia chúa công ta ngồi khấn ở một xứ Kinh Châu, phía bắc sợ Tào Tháo, phía đông gờm Tôn Quyền. Nay nhờ có Hiếu Trực giúp cho mới cất cánh bay liệng được, không sợ ai đè ép mình nữa. Ta nay lòng nào cấm đoán Hiếu Trực, không cho y hả được một chút tình riêng hay sao?”.

2. Đương nhiên, công lao của Nguỵ Diên trong việc bán đứng Hàn Huyền và công lao của Pháp Chính trong việc bán đứng Lưu Chương có ý nghĩa không giống nhau đối với sự lớn mạnh của tập đoàn cát cứ Lưu Bị, song về cứu cánh và phương tiện của Nguỵ Diên và Pháp Chính trong việc đi theo Lưu đóng dép, về cơ bản là không khác gì nhau. Nói một cách thô thiển, việc Nguỵ Diên và Pháp Chính bỏ chủ cũ để theo chủ mới, trước hết là xuất phát từ quyền lợi của bản thân, mong muốn đi theo minh chủ đặng kiến công lập nghiệp những mong cơm được no hơn, áo được lành hơn. Tuy nhiên, nói rộng ra hơn nữa, thì việc Nguỵ Diên và Pháp Chính cam tâm đi theo phò giúp một kẻ xuất thân làm nghề đóng dép như Lưu Bị cũng là vì họ nhìn thấy (và kỳ vọng) ở Lưu đóng dép khả năng hiệu triệu quần hùng, thống nhất thiên hạ, và việc họ đi theo Lưu Bị cũng là góp phần vào việc đem lại thái bình, an lạc cho lê dân bá tánh.

Do đó, đứng trên quan điểm công bằng và trung lập mà nói, thì việc làm của Nguỵ Diên và Pháp Chính chẳng có gì là sai, và cũng chẳng khác gì nhau. Vậy thì, tại sao anh Lượng râu lại rất trọng đãi Pháp Chính mà lại bạc đãi Nguỵ Diên như vậy, thậm chí cho đến trước lúc đi ngủ với giun, anh Lượng còn ra tay tàn độc bằng cách trao mật kế cho Mã Đại, sai lấy mạng Nguỵ Diên. Nếu nói là anh Lượng ngay từ đầu muốn giết Nguỵ Diên vì cho rằng mai sau y tất sinh lòng phản nghịch, thì tại sao anh ấy không làm như thế đối với Pháp Chính, vì nói thẳng ra, để đến được với Lưu Bị, cả Nguỵ Diên và Pháp Chính chẳng phải đều đã từng làm “kẻ phản nghịch”, chẳng phải đều là kẻ “bất trung, bất nghĩa” rồi đó ru, cần gì đợi đến mai sau nào nữa?


Ảnh: Anh Lượng râu, cùi chỏ của Lưu đóng dép
3. Vấn đề đặt ra là, hậu thế nên nhìn nhận như thế nào về cách đối xử của anh Lượng râu với Nguỵ Diên và Pháp Chính? Phải chăng đây là một sự cảm tính, hồ đồ của anh Lượng trong cách dùng người? Hay là do anh Lượng loá mắt trước món lợi khổng lồ (Tây Xuyên) mà Pháp Chính dâng cho tập đoàn Lưu đóng dép nên quên mất những gì anh ấy đã từng phát biểu về Nguỵ Diên năm xưa? Hay việc đề bạt cán bộ của anh Lượng có chứa đựng yếu tố “lợi ích nhóm” mà La Quán Trung chưa kịp đề cập vào trong Tam quốc diễn nghĩa? Những vấn đề này, trừ anh Lượng và La Quán Trung ra, khó ai mà trả lời cho được.

Thế mới biết, một người được tôn là “vạn đại quân sư” như anh Lượng râu, cả đời làm gì cũng tính toán cẩn thận, nói gì cũng kiến giải rõ ràng, ấy vậy mà cũng có lúc khó hiểu đến không ngờ.

18 nhận xét:

  1. Anh ý cũng chỉ là người trần mắt thịt thôi mà. Nhân vô thập toàn, không gì có thể phủ định được điều này.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Lượng râu còn có một số ý khó hiểu nữa chứ: Ví dụ anh í thả Tào Tháo, lấy lý do là mệnh trời của lão í chưa hết nên để mối làm phúc này lại cho Vân Trường. Chẳng qua là ngụy biện, chứ vô lẽ anh í không hiểu hết lý cái câu nhổ cỏ nhổ tận gốc. Kết quả Tào A Man đã ung dung chuồn thẳng. Mối họa của tập đoàn Lưu bán dép cũng bắt nguồn từ đây khi thế chân vạc được định hình. Mà Vân Trường làm phúc phải tội, kiểu gì cũng chết, haizzzz.

    Trả lờiXóa
  3. Hôm qua làm 1 lèo 2 cái báo cáo, 10 bảng biểu + phụ lục nên chưa nói hết ý với ông. Riêng về cá nhân thì tôi rất khoái cái chữ "lợi ích nhóm" mà ông đã dùng. Vì theo tôi, phàm là Lưu, Tào, Ngô khoai sắn gì thì cũng là tập đoàn phong kiến cát cứ. Lượng râu vì là cánh tay phải đắc lực của đảng họ Lưu nên cũng buộc phải theo nhóm lợi ích thui. Tôi nhớ cách 10 năm đọc Tam quốc có lời bình của Kim Thánh Thán thì phải, có nói Lưu bán dép thực ra cũng chỉ là ngụy quân tử. Lịch sử thực hư như nào thì đek ai rõ được, vì Tam quốc chúng ta đọc cũng đã được văn học hóa nhờ La lão tử, mà văn thì luôn láo, nên tôi đek tin lắm vào cái triết lý yêu nước thương dân của Lưu. Cái nhân này khác với cái dũng của Trương Phi là có thực, cái nghĩa của Vân Trường cũng là thực, mà cái trí của Gia Cát theo tôi cũng là thực. Chỉ tiếc là trí của Gia Cát cũng chỉ để phục vụ cho tập đoàn họ Lưu thôi, ko thể vượt qua để phục vụ cái gì cao cả hơn được, hay như bố vợ Lượng bảo là "gặp chủ nhưng ko gặp thời".
    Tóm lại, đã là nhà nước có giai cấp thì chấp nhận có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Chỉ có anh CSCN vì chúng ta chưa nếm mùi vị nên ko biết được thế nào, còn ko thì tất cả mọi hình thái nhà nước đều chuyên chế, và nói như ông là đều có lợi ích nhóm. Chúng ta đặt ra vấn đề anh Ngụy Diên có gáy phản cốt ko đek cần biết, mà anh í rõ ràng là ko hợp khẩu vị với anh Lưu và anh Lượng, nên anh í bị hổ vồ là đúng roài.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Diên nhà ta chỉ không hợp khẩu vị anh Lượng râu thôi, chứ thực ra là có hợp khẩu vị Lưu đóng dép đấy. Phải biết rằng, Hán Trung là một trong những mảnh đất cắm dùi cực kì quan trọng của anh Bị, thế mà lúc còn mồ ma anh Bị, anh ấy từng giao cho Diên làm Thái thú Hán Trung cơ mà, oai kém đếch Pháp Chính (thái thú Thục Quận) hay Trương Phi (thái thú Ba Tây). Chỉ có anh Lượng nhà ta là xử tệ với Nguỵ Diên thôi.

      Xóa
  4. Mỗi người nhìn nhận 1 cách riêng nhưng anh thấy chú Em này viết bài Hay nhưng đôi khi chú cũng kg hiểu hết những gì chú viết. Do vậy, chú lại cần anh em có viết 1 số lời bình này nọ. Mà Chú Soltarie chuẩn bị là Tiến sĩ- trình độ học vấn cao hơn Bị đóng dép và Lượng dâu ngàn lần. Tóm lại việc chú có ý chê Lượng râu,bảo Lượng râu làm việc tính toán kỹ càng nhưng vẫn có nhiều sai sót nghiêm trọng...thì anh em cũng đừng coi đó là gì ghê gớm cả. Ở đây, trong bài này Chú Soltarie chưa nói rõ Pháp Chính làm sao mà đc Lượng râu và Bị dép yêu thế để anh em nhà ta học tập áp dụng vào cuộc sống và công việc cho cộng sống nhàn nhã, công việc thì thăng tiến vù vù.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để hôm nào rảnh em nghiên cứu về thuật mưu quyền của Pháp Chính rồi biên hầu bác! :)) Trước mắt chưa học thuật mưu quyền của Pháp Chính thì bác học tạm thuật mưu quyền của Gia Cát Lượng đi!

      Xóa
  5. Thói đời văn thường hơn võ mà!
    10 thằng võ sư mới = 1 thằng có ... súng
    10 thằng có súng = 1 thằng luật sư
    10 thằng luật sư chưa = 1 thằng nhà văn !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sư Thứ nói cũng có lí. Quan võ với quan văn vốn dĩ chẳng ưa gì nhau mà. Nhưng chẳng lẽ anh Lượng râu lại vì ghét quan võ mà nỡ ra tay tàn độc với một võ tướng đến thế hay sao, trong khi đó anh ấy lại chọn một võ tướng khác là Khương Duy làm đệ tử chân truyền?

      Xóa
    2. Từ cái mệnh đề của Sư Thứ suy ra :
      A Solitaire = 1000 thằng võ sư !

      Kinh !!!

      Xóa
    3. Nhà chùa dạy quá lời rồi! Thiện tai, thiện tai!

      Xóa
  6. Ngụy Diên tuy bị trù dập đủ kiểu nhưng suốt đời chiến trận chưa thấy thua trận nào (Tất nhiên trận cuối làm liệt sỹ đek tính), mỗi cái đó cũng đã nói lên "tầm vóc" sử dụng cán bộ của anh Lượng là cực kỳ hạn chế

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vầng, quả có như vậy. Anh Diên tuy tính hơi lanh chanh và hay tranh công người khác một tí, nhưng được cái anh ấy cũng giỏi. Thế mà anh Lượng nỡ nào...

      Nhớ lúc còn mồ ma Lưu đóng dép, anh Diên còn được họ Lưu giao cho làm Thái thú Hán Trung - là đất cắm dùi quan trọng thứ hai của họ Lưu, qua đó chứng tỏ Lưu đóng dép đánh giá anh Diên cao đến mức nào. Anh Diên làm Thái thú Hán Trung bao nhiêu năm không hề để xảy ra một sơ suất nào, thế mà đến khi anh Lượng nỡ hẹp hòi, bắt anh Diên suốt ngày làm tiên phong, liều thân nơi hòn tên mũi đạn. Trong lúc đó, cái anh Mã Tốc chỉ giỏi chém gió, đã được Lưu đóng dép nhắc trước rồi nhưng anh Lượng vẫn tín nhiệm giao cho trọng trách để đến nỗi thua quân, mất tướng. Qua đó cũng thấy con mắt nhòm người của anh Lượng cũng là bất cập lắm lắm.

      Tuy nhiên, xét đi xét lại, thì anh Lượng cũng đã có ngày nào học ở Khoa Quản trị nhân lực của Trường kinh tế quốc dân đâu? Anh Lượng cũng đã được học chương trình bồi dưỡng về quản lý nhà nước ngạch chuyên viên hoặc chuyên viên chính đâu? Cho nên, nói gì thì nói, việc đề bạt cán bộ lên giữ cương vị cao nhưng không tạo điều kiện cho cán bộ "chuẩn hoá" bằng cấp cũng là lỗi của người làm tổ chức, mà cụ thể là Lưu đóng dép. Quay đi quay lại thì tội của Lưu đóng dép vẫn là to nhất! :))

      Xóa
    2. Họ Lưu còn cái tội khoe mẽ thần thế, vơ quào công lao. Lúc hàn vi đóng dép vá giày k biết xấu hổ đi đâu cũng xưng bừa con cháu Trung Sơn Tĩnh Vương. Lúc kết nghĩa vườn đào lừa bịp 2 anh trẻ trâu để được làm đại ca. Tam anh chiến Lữ Bố thì mỗi nước chạy quanh khua kiếm. Ông này chỉ sở trường mỗi khoản "rỏ nước mắt khóc", nhưng mà khóc đâu được đó, nếu thời nay đem thi The Voice với Idol không chừng sẽ chiếm giải cao :)

      Xóa
    3. Nhẽ mời anh ngự lãm bài Nằm mơ gặp Lưu đóng dép?

      Xóa
  7. Em thấy dụng nhân không ai bằng Tào Tháo, thu hút người không ai bằng Lưu bị. Từ nhỏ tới lớn, chỉ một thắc mắc, sao bác Lượng tài được tới đâu? Hay chỉ là câu chữ phóng đại. Xích bích tạm gọi là biết gọi gió gọi mưa, còn lấy Tứ Xuyên, không có nhiều công trạng, chỉ có thể ghi vào CV là bình định được phía nam của bọn man di manh mún. 6 lần vào ra đất tào tháo thì thât bại từ chiến thuật cho đến chiến lược, không để lại được một thế hệ lãnh đạo tiếp nối . Mời các vị sư huynh chỉ dạy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khổng Minh tài chứ, em. Hãy hình dung xem, trước khi Khổng Minh rời lều tranh, Lưu đóng dép chỉ có một xứ Tân Dã nhỏ bằng cái đấu, binh mã đâu đó chỉ được dăm ba nghìn người. Thế mà từ khi chiêu mộ được Khổng Minh, Lưu đóng dép lần lượt chiếm được Kinh Châu (khi đó đã nằm gọn trong tay Tào Tháo), rồi chiếm Tây Xuyên, Đông Xuyên. Nhờ có Khổng Minh mà Lưu Bị từ một tay đóng dép đã trở thành hoàng đế một cõi, lập nên đế chế Thục Hán kéo dài gần 50 năm. Tuy cuối cùng tam quốc quy Tấn, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận tài năng và công lao của Khổng Minh được. Tuy nhiên, "công lao" ở đây chỉ nên hiểu là công lao đối với cha con họ Lưu, còn đối với thiên hạ thì cái tài của Khổng Minh chỉ tổ làm kéo dài thời gian thống nhất thiên hạ, có nghĩa là kéo dài thời gian cát cứ của Nguỵ, Thục, Ngô, mà kéo dài chiến tranh thì cũng coi như là đắc tội với thiên hạ vậy. Còn tài năng của Khổng Minh thì chúng ta buộc phải thừa nhận thôi, dù rằng sự nghiệp Bắc phạt của ông ta vẫn đang còn dang dở, và rằng ông ta cũng có những sai lầm trong việc dùng người hoặc trong việc đánh trận.

      Xóa
  8. Nếu còn Ngụy Diên thì chắc gì nhà Thục mất nước. Xem phân tích chiến lược trong tam quốc chí của Trần Thọ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc là vẫn phải mất thôi. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn.

      Xóa