Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Ai đẹp, người ấy có quyền


Gia Cát Lượng (hiệu Ngoạ Long) và Bàng Thống (hiệu Phượng Sồ) là đôi bạn học chung một trường. So sánh tài năng giữa hai người này, một bậc danh sĩ cùng thời là Thuỷ Kính tiên sinh đã từng nói rằng, “Ngoạ Long, Phượng Sồ, chỉ cần một trong hai người ấy cũng đủ bình định thiên hạ”. Qua đó để thấy tài học của Gia Cát Lượng và Bàng Thống không kém gì nhau.

Mặc dù đều học giỏi như nhau nhưng vì dung nhan chênh lệch nên con đường mưu sinh của hai người có tài không khác gì nhau ấy lại khác nhau cả trời cả vực.

Bàng Thống, sau khi ra trường, phải bôn ba khắp nơi để kiếm việc.

Đầu tiên, Bàng Thống tính xin việc ở chỗ Tôn Quyền. Nhưng khi vừa trông thấy Bàng Thống, Tôn Quyền đã muốn phát lợm. Éo gì có cái người đi xin việc mà trông lại thế kia, “lông mày rậm, mũi lõ, mặt đen, râu ngắn, hình dung cổ quái”. Sau hỏi đến chuyên môn nghiệp vụ, Quyền thấy Thống bảo là mình học giỏi, lại càng không ưng. Thế là Quyền chối phắt, “ông hãy về, khi nào cần đến, sẽ cho người mời”.

Bàng Thống thấy hồ sơ của mình bị trả lại, thở dài một tiếng rồi trở ra, cám cảnh cho người nhan sắc kém thắm.

Xong rồi Bàng Thống định sang xin việc chỗ Tào Tháo. Thống nghĩ, người có tài như mình thể nào cũng được Tào Tháo trọng dụng. Chả gì thì lúc trước có lần nói chuyện với nhau, Thống cũng đã lý lẽ hùng biện, ứng đối trôi chảy khiến Tháo kính phục sát đất. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Bàng Thống thấy Tào Tháo là thằng bặm trợn chuyên làm ăn kiểu chụp giựt ác ôn nên lại thôi. Thống mang hồ sơ xin việc qua nộp ở chỗ Lưu Bị.

Lưu Bị thì được tiếng là người nhân nghĩa, kính trọng kẻ có tài. Nhưng trông Thống nhan sắc chẳng bằng ai, Lưu Bị cũng chẳng muốn dùng. Sợ mang tiếng hắt hủi người xấu xí, Lưu Bị cực chẳng đã đành bố trí cho Bàng Thống làm một chức quèn quèn ở cái huyện Lỗi Dương xa tít mù khơi theo diện thu hút nhân tài. Rốt cục, Bàng Thống được Lưu Bị giao dẫn một cánh quân đi đánh Lạc Thành và bị Trương Nhiệm bắn cho chết mất xác ở gò Lạc Phượng. Thương thay cho người học giỏi nhưng kém may mắn về nhan sắc.

Trong khi đó, con đường đong xèng của Gia Cát Lượng thì khác hẳn. Gia Cát Lượng biết mình học giỏi lại đẹp, nên chẳng hề xoắn chuyện đi xin việc. Ra trường, Lượng chỉ việc nhờ các bạn của mình là Thôi Châu Bình, Thạch Quảng Nguyên, Mạnh Công Uy và Từ Nguyên Trực pi-a hộ, còn Lượng thì nằm khểnh ở nhà, rồi dăm bữa nửa tháng lại đi phượt chỗ này chỗ nọ cho thoả mãn cái thói đú đởn bần cố nông.

Quả nhiên, Gia Cát Lượng tính toán không hề sai. Lưu Bị nghe tiếng Gia Cát Lượng vừa giỏi vừa đẹp, lập tức đội mưa đạp tuyết mò tới để mời về làm việc. Cái hơn người của Gia Cát Lượng nằm ở chỗ là Lưu Bị phải tìm đến nhà của Lượng những ba lần thì Lượng mới chịu gặp, hơn thế lại rất ngúng nga ngúng nguẩy, ngủ cho đã đời mới dậy nói chuyện. Điều đó cũng không có gì là lạ, bởi như cổ nhân đã từng dạy, ai đẹp thì người ấy có quyền.

Lúc Gia Cát Lượng từ trong khuê phòng bước ra, Lưu Bị như muốn phát điên khi nhìn thấy nhan sắc lộng lẫy của Lượng, “mình cao tám thước, mặt đẹp như ngọc, đầu đội khăn lượt, mình mặc áo cánh hạc, hình dáng thanh thoát như tiên”.

Thế rồi chẳng ai khiến mà Lưu Bị cũng thụp lạy Gia Cát Lượng như tế sao, háo sắc mà. Chưa hết, Bị lại còn gọi hai em là Quan Vũ và Trương Phi vào lạy và dâng lễ vật, vàng, lụa nữa. Thế là Gia Cát Lượng ung dung về làm việc cho Lưu Bị.

Nhưng ở đời, cái gì cũng có giá của nó. Tuy được Lưu Bị trọng dụng cho làm chức to, nhưng để được ở dưới một người trên tất cả những người còn lại như thế, Gia Cát Lượng cũng phải suốt ngày ăn nằm với Lưu Bị chứ chẳng phải vẻ vang gì.

Khi chép về việc này, La Quán Trung muốn tránh đi điều tiếng thị phi, nên viết chệch ra thành “Huyền Đức đãi Gia Cát Lượng vào bậc thầy, ăn cùng một bàn, ngủ cùng một chiếu, hàng ngày chỉ bàn việc thiên hạ”. Nhưng thiên hạ ngày nay thừa khôn để biết chẳng ai lại bàn chuyện của họ trong lúc ăn nằm với nhau.

Về sau, do có chuyên môn nghiệp vụ nên Gia Cát Lượng cũng đã làm nên được những chuyện tày đình: giúp Lưu Bị đoạt đất Kinh Châu, xui Lưu Bị đánh úp Tây Xuyên và chiếm Hán Trung, rồi cất quân đánh Mạnh Hoạch - “bảy lần bắt bảy lần thả” để làm nên thương hiệu Gà Mạnh Hoạch nổi tiếng, sáu lần cất quân ra Kỳ Sơn đánh Nguỵ…

Nhưng dù có làm nên đến những chuyện to tát kiểu gì thì khi nói về những công trạng hiển hách của Gia Cát Lượng, người ta cũng khó lòng tránh khỏi việc liên tưởng đến hai bài học lớn lao mà Ngoạ Long tiên sinh đã để lại cho hậu thế: muốn làm giời làm đất gì thì trước tiên cũng phải đẹp và phải, hỡi ôi, ăn nằm với sếp.


3 nhận xét:

  1. Hôm nay ngẫm lại tôi thấy, xét ở vụ bị ghét vì xấu quá, hậu nhân cứ bỏ qua họ Trương, Trương biệt giá, Trương Vĩnh Niên. Ấy vậy mà lúc sang với Tháo, Tháo nó ghét ko ưa vì nhìn xấu quá (trán vồ, đầu nhọn, mũi tẹt, răng vổ, thân lùn 5 thước) còn sang với Lưu Huyền Đức thì Đc đón tiếp trọng vọng. Vậy là làm sao?
    Xin thưa, hồi ấy Lưu Huyền Đức bất quá cũng chỉ hơn tên đình trưởng chút xíu, đến cái nhà còn phải đi mượn ở nhờ thì khinh ai sao đc. Rồi sau có đc đất Xuyên rồi cũng giở trò vênh váo với đời. Than ôi, Bị anh hùng là thế rồi cũng ko thoát khỏi tư duy của bậc phàm phu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Họ Lưu sau này lại phạm vào cái tội là coi việc báo thù cho em út hơn sự an nguy của bá tánh, thế nên mới xua mấy mươi vạn con em hai Xuyên sang làm món chả nướng cho Đông Ngô. Thiệt là không giấy bút nào kể cho hết tội của họ Lưu!

      Xóa
    2. Nói thế e cũng chưa đủ. Tiên chủ yêu 2 em lắm. Dù mới kết nghĩa vườn đào, có chút công lao, ấy khi em ba ngứa mắt Trác ko muốn ở lại, Tiên chủ cũng ưng cho.

      Xóa