Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Bác cắt tóc



Bác mở một hiệu cắt tóc ở gần nhà tôi. Hồi còn ở nhà, tôi thường ra chỗ bác cắt tóc. Tôi thích cái sự cẩn thận của bác trong từng đường kéo. Hơn nữa, trong lúc cắt tóc cho khách, bao giờ bác cũng kể đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện ngày xửa ngày xưa Hàn Tín luồn trôn ở chợ Hoài Âm mà được làm vương làm tướng, cho đến chuyện hôm qua các nghị sĩ nước gì bất đồng quan điểm mà túm cổ áo uýnh nhau ngay giữa phòng họp quốc hội…

Nói chung là những câu chuyện bác kể cũng không hẳn là mới mẻ lạ lẫm gì với tôi, nhưng tôi thích cái cách mà bác kể chuyện. Bác kể say sưa, sinh động, như thể chính bác là người tận mắt chứng kiến hay tham gia vào những chuyện đó vậy.

Hôm vừa rồi về thăm nhà, tôi lại ghé ra hiệu của bác để cắt tóc. Thực ra thì tóc của tôi cũng chưa đến lúc phải thò dao thò kéo vào, nhưng tôi vẫn thích ra đó để nghe những câu chuyện của bác.

Trong lúc cắt tóc, bác kể cho tôi nghe về những kỉ niệm thời trai trẻ bác nhập ngũ phục vụ trên tàu Hải quân ở Hải Phòng. Đó là những năm đầu 1960s, khi bác mới ngoài hai mươi một tẹo. Bác kể, hồi ấy bác yêu một cô gái người Hải Phòng, nhà ở đâu đó phía bên trái Nhà hát lớn Thành phố. Nhưng lúc bác tỏ tình thì cô kia chối luôn vì một nhẽ vô cùng chính đáng, là Quảng Bình quê bác nghèo bỏ mẹ. Thế là cuộc tình của anh lính Hải quân đi luôn vào ngõ cụt, và cũng từ đó bác tự nhủ sẽ không bao giờ yêu một cô gái nào người Bắc mà sẽ yêu một người cùng quê.

Sau mối tình tréo ngoe và hờn tủi đó, cũng có một vài cô gái người Bắc đến với bác nhưng bác đã lờ đi. “Em rất đẹp, nhưng anh cũng yêu quê anh như yêu những cô gái đẹp vậy” - đó là câu mà bác bảo là đã nói với những cô gái ấy.

Câu nói của bác làm cho tôi thiếu đường chắp tay mà vái bác một phát vì văn của bác quá cao. Bác bảo, thời trai trẻ bác rất thích đọc sách, nên có sách nào mới in, bác đều tìm mua cho bằng được, từ “Chiến tranh và hoà bình” cho đến “Những người khốn khổ” hay “Thép đã tôi thế đấy”… Chả bù cho tôi, thời trai trẻ chỉ cắm đầu vào đọc toàn những “Đô rê mon”, “Siêu quậy Tép pi” hay “7 viên ngọc rồng”, hoặc bất quá là “Cô giáo Thảo”…

Sau khi hoà bình lập lại, bác về quê và cưới một cô gái người cùng làng. Lúc ấy bác đã 35 tuổi, còn vợ bác thì ít hơn bác 10 tuổi. Bác kể, hồi ấy vợ của bác đẹp nhất làng, nhưng vì cô ấy chỉ có nghề làm ruộng nên không thể theo bác vào Huế - nơi đơn vị bác đóng quân. Thế là bác xin xuất ngũ về quê ở với vợ, làm nghề cắt tóc từ bấy đến nay đã 40 năm.

Bác bảo, hồi ấy mà bác vẫn cứ tiếp tục phục vụ trong quân ngũ thì khéo đến lúc về hưu cũng có thể lên đến đại tá hoặc thậm chí lên tướng. Nhưng bác không hề hối tiếc với lựa chọn của mình, vì theo như lời bác kể thì tuy chẳng làm nên ông này ông nọ, nhưng bác đã đỡ đần được bác gái rất nhiều trong công cuộc mưu sinh và nuôi dạy con cái nên người. Bác bảo, hai con của bác đều được học hành tử tế và có công ăn việc làm ổn định. Chỉ tiếc là, vợ bác sau đó mắc phải bạo bệnh và không thể đi cùng với bác ấy cho đến khi đầu bạc răng long. “Bà ấy mất đến nay đã mười lăm năm” - giọng bác trầm hẳn xuống.

Bác còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện lắm, nhưng điều làm tôi nhớ và nghĩ ngợi nhất chính là cách bác lựa chọn con đường gia thất. Cũng giống như một số nhân vật trong những câu chuyện mà tôi đã từng đọc, bác cắt tóc đã chọn việc được ở bên cạnh vợ con thay vì theo đuổi sự nghiệp riêng. Tất nhiên, giả sử bác chọn con đường ngược lại thì tôi cũng không có ý kiến gì, bởi chỉ bác mới có thể biết được lựa chọn nào là tốt cho bác và gia đình của bác. May mắn thay, con đường mà bác ấy chọn đã đưa đến cho bác những tháng ngày hạnh phúc bên mái ấm của mình. Và cho đến tận lúc ở vào tuổi “cổ lai hi”, bác vẫn không hề có chút nuối tiếc nào về những gì mình đã chọn. Đó là điều mà nhiều người làm lên đến “ông này ông nọ” - như cách bác nói - chưa chắc đã có được.

Còn nói về người vợ đẹp nhất làng của bác cắt tóc, tuy quanh năm vất vả với việc đồng áng và không thể đi cùng với chồng đến ngày đầu bạc răng long, nhưng qua câu chuyện của bác, thì tôi tin là vợ bác cũng đã sống những ngày tháng thật hạnh phúc. Có được một tấm chồng như bác cắt tóc kia, thì tôi nghĩ, cuộc sống ngắn ngủi của bà ấy cũng đã khiến cho nhiều người ăn trắng mặc trơn phải ao ước vậy!

2 nhận xét:

  1. Hơ, "Cô giáo Thảo" có phải là cuốn sách dạy cách làm người không Sô? Nếu ta nhớ không lầm thì nó đã từng là "best seller" nhể?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đấy! Đọc Cô giáo Thảo xong sẽ biết cách làm ra người!

      Xóa