Đó là số tiền mà người trong bài viết trên VnExpess đã chi tiêu mỗi tháng cho việc ăn uống khi còn là sinh viên. Cái tít của bài viết khiến tôi lại nhớ đến chuyện tiền học của tôi ngày xửa, khi mà loài người vừa đặt chân vào thế kỷ 21.
Thủa còn đi du học, ngân sách mà ông bà bô cấp cho tôi hằng tháng bằng đúng số tiền ăn của tác giả bài viết kia.
Toàn bộ ngân sách cấp cho tôi được ông bà bô giải ngân mỗi năm 2 lần, ngay trước khi tôi rời quê nhà để quay lại xứ Cổ Nhuế. Số tiền đó, tôi gửi cho một người thím ở nội thành giữ hộ, hằng tháng sẽ ghé qua lĩnh một lần đủ để tiêu trong tháng.
Nói chuyện đi lĩnh tiền mới nhớ, mỗi lần đưa tiền, thím sẽ yêu cầu tôi đếm ngay trước mặt. Dưng có lần, không nhớ là đã đếm hay chưa, nhưng về đến Cổ Nhuế thì tôi phát hiện ra là thím đã đưa thừa ra một tờ 50k. Tôi liền gọi điện lại, báo cho thím biết chuyện và nhắn thím trừ vào số tiền cần lĩnh lần sau.
Hồi đó, do vẫn còn nhớ 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng nên tôi mới báo cho thím biết và cũng không hề suy nghĩ có tình tiết lắt léo nào đằng sau sự nhầm lẫn kia không. Ví thử, chuyện nhầm lẫn đó là một phép thử của thím mà tôi lại quên điều dạy thứ 5 của Bác, thì có khi tôi đã được thím lót lá dắt tay ra đường ngay trong lần lĩnh tiền tiếp theo.
Với ngân sách được cấp, ngoài số phân bổ cho tiền học phí (110-120k, tuỳ kết quả học tập) và thuê nhà (100k), hằng tháng tôi còn lại để tiêu chưa đến 300k. Số tiền đó đủ để tôi ăn ngày 2 bữa cơm bụi với giá mỗi suất khoảng 4k và ăn sáng trong phạm vi 1-2k, phổ biến là xôi, bánh mì hoặc mì tôm không người lái. Còn lại tất cả những khoản chi tiêu khác, tỉ như nộp quỹ lớp hay thi thoảng đi uống nước, uống diệu ốc, chơi điện tử, hay đi dã ngoại với lớp… đều trông cả vào tiền học bổng.
Nghĩ lại, hồi ấy tuy ngân sách được cấp không nhiều, nhưng đời sống sinh viên của tôi dòm chung cũng tương đối dễ chịu vì các nhu cầu cơ bản đã được ông bà bô cấp đủ mà không phải đi làm thêm để trang trải như nhiều bạn khác.
Chứ ví thử hồi ấy mà ông bà bô áp dụng chính sách tài khoá thắt chặt hơn một tẹo, thì với ngân sách eo hẹp được cấp, nhẽ tôi cũng đã phải bán thân hay bán máu để vượt qua thời sinh viên, thời mà Mỹ Tâm thì có cây đàn ghi ta, còn tôi chả có gì ngoài ước mơ sau này ra trường được làm cha của thiên hạ. “Kẻ nào nắm tiền thiên hạ thì kẻ đó là cha thiên hạ” - một hiệu phó của trường Tài chính Cổ Nhuế đã nói như vậy khi tôi mới vào trường.
Tùy mỗi người và hoàn cảnh. Thứ ba ăn lành và nhiều niềm vui.
Trả lờiXóaĐây là cái khoản mà đa số là sinh viên đều phải trải qua .
Trả lờiXóaHN sang thăm chúc anh buổi chiều an lành thật vui nhé anh!