Tức Vĩ là con gái nước Trần thời Xuân Thu bên Tầu, được gả cho vua nước Tức. Sách chép rằng Tức Vĩ mắt trong như thu thủy, má ửng như nhuỵ đào, mình mai, vóc liễu, gót sen uyển chuyển như áng mây chiều trước gió. Còn khi nàng dâng rượu thì bàn tay ngọc với ly ngà không phân biệt màu sắc.
Một lần, Tức Vĩ về thăm nước Trần, ngang qua nước Sái. Vua nước Sái là anh rể của Tức Vĩ, hay tin liền sai người rước vào thành, mở tiệc chiêu đãi.
Trong lúc ăn uống, vua Sái thấy Tức Vĩ xinh đẹp, mới buông lời trêu ghẹo. Tức Vĩ nổi giận, bỏ tiệc mà đi.
Vua nước Tức hay chuyện vợ mình bị vua Sái chọc ghẹo, liền sai sứ sang bày mưu cho vua nước Sở là Văn vương đem binh đánh nước Sái. Vua Sái thua trận, bị bắt về nước Sở.
Vua Sái căm giận vua Tức, mới tán tụng nhan sắc của Tức Vĩ trước mặt Sở Văn vương. Vua Sở động lòng, liền đem quân sang nước Tức, bắt vua Tức nhốt lại.
Tức Vĩ hay tin chồng bị bắt, bèn chạy ra vườn hoa, toan nhảy xuống giếng tự vẫn, nhưng chưa kịp nhảy thì bị quân Sở bắt được, đem nạp cho Sở Văn vương. Văn vương nói: “Nếu nàng chịu về Sở, ta sẽ tha chết cho Tức hầu!”
Tức Vĩ muốn cứu mạng chồng, đành theo Văn vương về nước Sở làm phu nhân. Vua sở thấy đôi má Tức Vĩ tựa hoa đào, mới gọi nàng là Đào Hoa phu nhân.
Ảnh: Tức VĩỞ nước Sở, Tức Vĩ sinh được hai người con trai, nhưng suốt ba năm không nói chuyện với Sở Văn vương câu nào. Văn vương lấy làm lạ, cố hỏi duyên cớ thì Tức Vĩ tấm tức thưa: “Thần thiếp phải thờ hai chồng, đã không biết giữ tiết thì còn mặt mũi nào mà chuyện trò với ai”. Văn vương muốn lấy lòng Tức Vĩ bèn đem quân đánh nước Sái.
Mấy năm sau, Sở Văn vương qua đời, con của Tức Vĩ lên làm vua. Em của Văn vương là Vương tử Nguyên, đang làm tể tướng nước Sở, mê sắc đẹp của chị dâu, bèn cho xây một ngôi nhà cạnh cung của Tức Vĩ, ngày đêm bắt vũ nhạc múa hát, cốt làm cho Tức Vĩ say lòng.
Tức Vĩ thấy thế, thở dài nói: “Tiên quân ta (chỉ Sở Văn vương) ngày xưa chăm lo luyện tập binh sĩ, làm cho chư hầu đều thần phục. Bây giờ quân Sở ta đã mười năm nay, chưa tiến được nửa bước vào Trung Nguyên, thế mà quan tể tướng không nghĩ những điều xấu hổ ấy lại bày việc đờn ca, hát xướng bên cung gái góa này, thật lạ lùng làm sao!”
Vương tử Nguyên nghe được lời ấy thì xấu hổ, nghĩ thầm: “Một người đàn bà còn có chí như vậy, lẽ nào ta đây là một đấng trượng phu lại chẳng nghĩ đến sao”. Bèn điểm quân kéo sang nước Trịnh nhưng không đánh mà lại rút về, sai người đến báo cho Tức Vĩ hay tin quân Sở đắc thắng khải hoàn.
Tức Vĩ nghe nói mới bảo: “Nếu quan tể tướng đắc thắng thì cáo tế với nhà thái miếu, rồi truyền bá cho dân chúng biết, chứ nói với gái góa nầy làm chi?”
Vương tử Nguyên nghe vậy thì vừa thẹn vừa buồn, nhưng vẫn không muốn từ bỏ. Gặp lúc Tức Vĩ bị bệnh, Vương tử Nguyên giả cách vào thăm, rồi ở mãi trong cung, không chịu về.
Tức Vĩ thấy hành động của Vương tử Nguyên quá lăng loàn, mới sai đại thần tìm mưu trừ bỏ đi.
Câu chuyện nói trên được chép trong sách “Đông Chu liệt quốc”. Tuy nhiên, sách “Liệt nữ truyện” thì lại chép rằng sau khi diệt nước Tức, Sở Văn vương lấy Tức Vĩ, rồi bắt vua Tức làm quan giữ thành.
Nhân khi Sở Văn vương du hành khỏi kinh đô, Tức Vĩ lén gặp vua Tức, nói: “Cả đời chỉ có một lần chết, hà cớ tự đày đọa mình! Thiếp không cầu an bình mà phải quên đi ngài, càng không muốn cái tiếng một đời thờ hai chồng. Khi sinh ra là tách khỏi đất trời, há chẳng phải chết đi sẽ toại ý quay về sao?”
Vua Tức cản lại nhưng Tức Vĩ không nghe mà tự sát, rồi vua Tức cũng tự sát theo. Dân gian lưu truyền rằng khi Tức Vĩ qua đời là khoảng tháng ba, cũng là lúc hoa đào nở rộ, vì vậy dân gian còn suy tôn nàng là Tam nguyệt Đào Hoa thần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét