Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

Lại một việc phi thường khác


Chuyện kể rằng, Viên Thiệu trước khi cất quân đi đánh Tào Tháo, có sai chủ bạ là Trần Lâm thảo một bài hịch kể tội họ Tào. Bài hịch của Trần Lâm được mở đầu dư lày:

“Thường nghe rằng: Minh chúa nhân nguy để chế biến; trung thần lo nạn để lập công. Bởi thế, phải có người phi thường, mới lập được việc phi thường; có việc phi thường, mới có công phi thường. Cái công phi thường ấy, vốn không phải người thường có thể làm nổi”...

Ấy là chuyện xảy ra từ cách đây gần 2 nghìn năm, được chép trong sách Tam quốc diễn nghĩa. Xem chuyện đó lại nghĩ đến chuyện một người phi thường tên là Phan Văn Cương sinh năm 1992 ở Vĩnh Phúc.

Thẳng thớm ra, thì Cương vốn cũng chỉ là một người bình thường, có tuổi thơ nhiều kỷ niệm với bài hát của nhạc sĩ Đức Anh: “Anh phi công ơi, anh bay trên trời… Em thích bầu trời anh đang bay đó… Mai đây em lớn, em làm phi công… Bay cao hơn nữa, anh ơi biết không…”

Dưng khác với bao người thường có một tuổi thơ hát ông ổng về ước mơ làm phi công mà không thể thực hiện được, Cương có cái hơn người là khi đi uống bia về ngang qua một cửa hàng quần áo, thấy một chiếc máy bay hiệu là Đ.T.H series 1986 đang thử đồ, liền nảy sinh ý muốn chinh phục bầu trời.

Từ ý nghĩ phi thường đó, Cương đã làm một việc hết sức phi thường, là lấy con dao dài 32cm xông vào trong cửa hàng và đe dọa chiếc máy bay hiệu Đ.T.H series 1986 phải cho Cương lái thử.

Và đúng như lời hịch của danh sĩ Trần Lâm, từ việc phi thường kia, Cương đã có công phi thường. Tuy không thoả mãn được ước mơ chinh phục bầu trời, nhưng Công lại được Nhà nước bao ăn bao ở, ít thì 2 năm, nhiều thì có thể đến 7 năm - theo quy định của Hình luật 2015, Điều 141.

Thử tính nhẩm sơ sơ mà coi, với mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân theo quy định về thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng (tức 132 triệu đồng/năm), chẳng phải, chỉ từ một ý nghĩ phi thường mà Cương đã tiết kiệm được 264 - 924 triệu đồng đó ru?

Kiếm được chừng đó tiền trong bối cảnh kinh tế khó khăn dư lày mà không phải là công phi thường, thì cái gì mới được coi là công phi thường, phỏng ạ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét