Tuần rồi, nhà chức trách của ngành dáo giục tỉnh nọ đã đè các cháu học sinh lớp 9 ra, bắt phát biểu cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương”.
Liên quan đến đòi hỏi này của ngành dáo giục tỉnh kia, nhà em thấy có mấy nhời cần trao đổi, dù nhà em học văn chỉ được rặt điểm 5, thi vào khoa Văn trường Tài chính cũng chỉ được 6 điểm.
1. Bắt học sinh phát biểu cảm nhận về vẻ đẹp của một người, nên chăng?
Nên hay không thì cũng tuỳ vào quan điểm của từng người, không ai được lấy quan điểm của mình để đè quan điểm của người khác. Dưng có một điều hiển nhiên, là cảm nhận về vẻ đẹp của một người nào đó, hiển nhiên, là không giống nhau giữa những con mắt khác nhau. Một ông Tây nào đó chẳng phải đã từng phát biểu, “vẻ đẹp không nằm ở đôi má của giai nhân, mà nằm ở đôi mắt của kẻ si tình”.
Điều đó có nghĩa, là có thể người ra đề và ra đáp án thấy Vũ Nương đẹp, nhưng chưa chắc các cháu lớp 9 thấy Vũ Nương đẹp, vì mắt của người ra đề và mắt các cháu không giống nhau. Thế nên, đem đáp án của người ra đề để chấm bài thi của các cháu lớp 9, là không hợp lý vì không cùng thang giá trị!
2. Vũ Nương thì có đẹp không?
Như đã nói ở trên, đẹp hay không thì cũng tùy cảm nhận từng người. Dưng với cảm nhận của nhà em, thì Vũ Nương cũng có thể coi là đẹp, trên một số khía cạnh:
Một là, nàng có hình thức. Nguyễn Dữ không tả kỹ về dung nhan của nàng, dưng qua 4 chữ ngắn gọn “tư dung tốt đẹp” mà ông dùng trong truyện, người đọc cũng có thể hiểu Vũ Nương là một người có nhan sắc.
Hai là, nàng đức hạnh. Điều này thì ai cũng phải công nhận thông qua chuyện nàng lấy cái bóng của mình trên tường để dỗ con, thay vì dùng một người đàn ông bằng da bằng thịt.
Bà là, nàng hiếu thuận. Điều này được thể hiện rõ qua chuyện nàng chăm sóc bà mẹ của Trương Sinh trong khi họ Trương xông pha vì việc nước.
Bốn là, nàng trọng danh dự. Đây có lẽ cũng là điểm dễ nhìn thấy nhất ở con người Vũ Nương, khi nàng bị Trương Sinh nghi ngờ tiết hạnh. Bày tỏ mãi mà họ Trương chẳng hiểu cho cỗ lòng, nàng bèn tắm gội sạch sẽ, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt thề thốt xong trầm cmn mình xuống sông, để cho họ Trương biết là đã ngờ oan cho người vô tội.
3. Vũ Nương có điểm nào không đẹp không?
Cũng như đã nói ở trên, điều này cũng lại phụ thuộc vào mắt nhìn của mỗi người. Dưng với con mắt của nhà em, thì điểm không đẹp của Vũ Nương chính là cách nàng bảo vệ danh dự của mình.
Đành là nếu nàng không trầm mình xuống bến Hoàng Giang, thì cũng chưa có gì khẳng định là nàng có thể làm Trương Sinh mở mắt, bởi họ Trương vốn dĩ được miêu tả là con nhà có điều kiện dưng lại là kẻ thất học. Thêm vào đó, Trương lại là một kẻ ghen tuông mù quáng. Thất học kết hợp với cả hay ghen, thì tất nhiên sẽ suy xét việc đời không đến nơi đến chốn.
Dưng nếu chỉ vì thấy không thể làm Trương Sinh sáng mắt, mà Vũ Nương lại chọn cách quyên sinh, thì lại là điều chẳng lấy gì làm hay, bởi cứ cho là nàng không tha thiết gì với một kẻ vừa thất học vừa ghen tuông bệnh hoạn như Trương Sinh, thì ít nhất là nàng cũng đã có với họ Trương một đứa con. Hệ quả từ việc nàng chọn cách quyên sinh, là để lại cho xã hội một đứa trẻ mồ côi đang vào tuổi tập nói.
Chưa biết là đứa trẻ thiếu sự nuôi dạy của mẹ có làm ra điều gì xấu cho xã hội không, nhưng chẳng phải, việc người mẹ phải trầm mình vì bị nghi ngờ tiết hạnh, sẽ để lại trong lòng đứa con một vết thương không thể nào chữa được hay sao? Thế thì khi gieo mình xuống bến Hoàng Giang, Vũ Nương có nghĩ đến điều này hay không? Nếu nghĩ rồi mà nàng vẫn quyết định trầm mình, thì nàng có phải là ích kỷ lắm không?
Ấy là chưa kể, việc công nhận một người có hành động như Vũ Nương là đẹp, trên góc độ nào đó, không phù hợp với tư tưởng của một người mà ngành dáo giục tỉnh nọ không thể không từng nghe nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”.
4. Kết nào cho những đề thi văn?
Kết nào thì hượm rồi sẽ tính, mà chắc người ta cũng đã tính chán đi rồi. Dưng với quan điểm của một người học văn chỉ được rặt điểm 5, điểm 6, thì nhà em cho rằng, muốn các cháu sau này lớn lên có chính kiến và biết sáng tạo, thì hôm nay các cháu cần được đánh giá dựa vào những bài thi văn có đề mở.
Chứ cứ ép các cháu công nhận cái này đẹp, cái kia hay rồi tông tổng phát biểu cảm nhận như những bài văn mẫu trong sách, thì tivi của nước nhà sau này, muốn hay không, cũng rặt những ông cắm đầu vào giấy mà đọc không ngẩng mặt lên, phỏng ạ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét