Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Tân Thủ tướng Thái lại muốn cứu dân


Cứu dân thì cũng tốt thôi, dưng…

Thái Lan, theo oánh giá của tôi, vốn là nước có nền chính trị dựa trên cơ sở lấy đảo chính quân sự làm căn bản. Lần đầu tiên tôi nghe đến đảo chính ở Thái Lan là từ chương trình thời sự trên đài phát thanh lúc đâu đó mới 6 - 7 tuổi, với việc đưa một viên tướng lên làm Thủ tướng. Không nhớ ông tướng này tên gì, hình như là tiền nhiệm ngay trước một ông thủ tướng khác của Thái Lan hay được nhắc đến khi Việt Nam bắt đầu gia nhập ASEAN là Chun Lạch Pay (tạm phiên âm như vầy, chứ hồi đó tôi bé quá nên chưa biết tên ổng viết sao).

Kể từ lúc tôi biết đến vụ đảo chính nói trên đến giờ, ở Thái Lan đã xảy ra không biết bao nhiêu lần Quân đội Hoàng gia lật đổ Chính phủ. Vụ đảo chính gần đây nhất là do tướng Prayut Chan-o-cha cầm đầu cách đây khoảng chục năm.

Và sau mỗi vụ đảo chính, thì thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan, nếu không phải ở tù ắt cũng phải chạy tị nạn hoặc sống lưu vong, điển hình như anh em nhà Thaksin, bao gồm cả ông anh Thaksin Shinawatra và cô em gái Yingluck Shinawatra. Mà thậm chí có thủ tướng chạy tị nạn được thì rồi cũng phải về nước để đi ở tù, giống như trường hợp Thaksin Shinawatra mà truyền thông quốc tế đưa tin rùm beng cách đây chưa đầy một con giăng…

Nói sơ sơ một vài sự kiện như vầy để thấy, thủ tướng của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan là một chức vụ vô cùng và hết sức cũng như cực kỳ tạm bợ. Cũng là con người đó, hôm trước là người đứng đầu nội các nhưng hôm sau phải đi tù, hoặc hôm trước được tung hô vì đưa ra một chính sách nào đó nhưng hôm sau lại lâm vào cảnh khốn nạn cũng bởi chính sách vừa được tung hô.

Điển hình cho sự tạm bợ của cái gọi là “Thủ tướng Thái Lan” nói trên, người ta không thể không nhắc đến nữ thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra. Đắc cử thủ tướng năm 2011, bà Yingluck thực hiện chương trình trợ giá gạo cho nông dân với việc Chính phủ mua gạo của nông dân theo giá cao hơn 50% so với giá trị trường, và bà đã nhận được không ít lời khen ngợi.

Tuy nhiên, sau khi bà Yingluck bị lật đổ năm 2014, thì phe đảo chính của Prayut Chan-o-cha đã lôi chương trình trợ giá nói trên của Chính phủ Yingluck ra để “xét lại”. Kết quả là chương trình này bị cáo buộc làm thất thoát ngân sách đâu đó hơn 1 tỷ ông Tơn, còn nữ thủ tướng bị lật đổ Yingluck bị kết án vắng mặt 5 năm tù…

Thế cho nên, khi thấy báo đưa tin tân Thủ tướng Srettha Thavisin thông báo phát 16 tỷ ông Tơn cho người dân Thái Lan, người ta không thể không lập tức liên tưởng ngay đến chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck và những vụ đảo chính như cơm bữa ở đất nước Chùa Vàng.

Không biết chính sách của Srettha Thavisin có nhằm phục vụ lợi ích của đa số cần lao Xiêm La không, hay chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một phe nhóm nào đó. Cũng không biết tương lai chính trị của Srettha Thavisin có sáng sủa hơn mấy chục thủ tướng tiền nhiệm đã từng bị Quân đội Hoàng gia lật đổ không. Nhưng với một nền chính trị lấy lật đổ quân sự làm căn bản, thì không có gì đảm bảo chính sách phát tiền mặt làm nức lòng cần lao Xiêm La hôm nay lại không trở thành căn nguyên đưa Srettha Thavisin vào tù hay đi lang bạt hết nước này sang nước khác trong vài năm tới.

Chúc may mắn và thành công nhé, ngài Srettha!

2 nhận xét:

  1. Ồ, ĐV thấy rằng thì là ba hoa một chút cho vui nhà nói chung người Thái Lan cũng đã quá quen rồi, nên tiền sự và hậu sự cứ thế là thế, miễn ứ!
    :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiền bối dạy chí phải! Có khi dân Xiêm cũng quen với đảo chính rồi!

      Xóa