Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Người cầm súng ra đi, người thức cùng sao trời


“Một ngày tiếng súng ngưng
Một người lính trở về
Tìm người em gái trong mùa chim én bay…”

Đó là một câu trong bài hát “Tạm biệt chim én” của nhạc sĩ Trần Tiến mà chắc là rất nhiều người thuộc. Và hình ảnh trong bài hát ấy chắc cũng giống với hoàn cảnh của rất nhiều người lính mà đất nước này đã sản sinh ra trong những cuộc chiến tranh.

Nhưng hình ảnh đó lại không hề giống với trường hợp của người lính mà tôi muốn nhắc tới sau đây, đó là bác Lê Duy Ứng.

Nói đến Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng thì chắc không ít người biết. Ông nổi tiếng với bức tranh vẽ chân dung Hồ Chủ tịch khi đang cùng đơn vị tiến đánh Biên Hòa, ngày 28/4/1975. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, bức tranh ấy được ông vẽ bằng máu chảy ra từ đôi mắt bị trúng đạn của ông. Lúc bức vẽ hoàn thành thì ông cũng ngất đi và được đồng đội chuyển về tuyến sau, rồi được đưa ra Hà Nội để điều trị và an dưỡng.

Mặc dù bom đạn quân thù không lấy đi mạng sống của Lê Duy Ứng, nhưng đã cướp đi ánh sáng và ước mơ nghệ thuật của đời ông, một người lính họa sĩ. Và cũng vì chán nản với tình cảnh của bản thân mà khi được chuyển ra Hà Nội, ông đã không hề nhắn lấy một dòng tin nào cho bạn gái của mình, một cô gái Hà Nội mà ông đã quen ở Quảng Trị năm 1973.

Thật may, một người đồng đội của Lê Duy Ứng đã giấu ông và báo cho người bạn gái biết nơi ông đang điều trị. Vậy là bác Ứng và bạn gái của mình đã gặp lại nhau, trong một hoàn cảnh mà có thể là họ đã ngờ tới nhưng chắc là không hề mong đợi xảy ra.

Trong khi cô bạn gái vui mừng vì được gặp lại Lê Duy Ứng, thì ông lại không hề có ý định nối lại chuyện tình cảm với cô. “Anh bây giờ như thế này rồi, lấy em thì chỉ làm em khổ cả đời”, người họa sĩ thương binh đã nói vậy với bạn gái trong ngày gặp lại.

Nhưng viễn cảnh đó không làm bạn gái của Lê Duy Ứng nản lòng. “Nếu mình không lấy nhau, thì anh rồi cũng có vợ, em cũng sẽ có chồng, nhưng khi con anh sinh ra thì anh sẽ không biết mặt mũi nó trông như thế nào. Còn nếu mình lấy nhau, chỉ cần em nói là con giống em thì anh sẽ biết con trông ra làm sao”, cô gái nói.

Và thế là anh thương binh Lê Duy Ứng đồng ý làm đám cưới với bạn gái của mình. Với sự hỗ trợ và đồng hành của cô gái ấy, Lê Duy Ứng lại tiếp tục sáng tác cho đến tận hôm nay. Năm 2013, ông đã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tôi có dịp được gặp gỡ và nói chuyện với bác Lê Duy Ứng trong một cuộc họp đồng hương của những người Quảng Bình ở Hà Nội. Quảng Bình quê tôi vốn được coi là nơi “địa linh, nhân kiệt”, và trong buổi họp đồng hương đó, tôi cũng đã được gặp nhiều người mà câu chuyện của họ đã làm cho tôi không khỏi thấy khâm phục. Nhưng khâm phục và xúc động nhất, vẫn là câu chuyện về người bạn gái của anh thương binh Lê Duy Ứng.

Đất nước mình, giống như lời một bài hát của nhạc sĩ Thái Văn Hóa mà tôi vẫn hay được nghe, “Khi còn trong nôi, nghe mẹ ru, cha đánh giặc cuối trời. Khi ta cầm súng ra đi, người thân ta thức cùng sao trời…”. Lê Duy Ứng chỉ là một trong số hàng triệu người đã ra đi vì sự bình yên của đất nước này, và cũng chỉ là một trong số hàng vạn hay hàng chục vạn người đã trở về không lành lặn sau chiến tranh. Nhưng so với rất nhiều người đã ra đi mà không trở về, hoặc thậm chí so với nhiều người trở về khác, ông vẫn là người may mắn vì trong hoàn cảnh tưởng như đã tuyệt vọng vì bế tắc, thì một người con gái, người vì ông mà “thức cùng sao trời” trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, đã tìm đến làm người đồng hành với ông trong phần đời còn lại.

Những người như bác Lê Duy Ứng, vì “cầm súng ra đi” mà đã làm nên những chiến công chói lọi và được vinh danh là Anh hùng. Còn những người như bạn gái của ông, tuy không có một ngày nào cầm súng và thường cũng chẳng có chiến công nào được nhắc đến, nhưng chỉ cần bằng ấy tháng năm “thức cùng sao trời”, thì tôi nghĩ, họ cũng xứng đáng được ngợi ca như những Anh hùng vậy!

8 nhận xét:

  1. Chị HQ thăm em ....đọc bài viết của em ...chúc em luôn vui và hạnh phúc em nhé .

    Trả lờiXóa
  2. MT sang thăm anh. Tuần mới an vui anh nhé

    Trả lờiXóa
  3. Em A solitare em cho chị xin code
    Miệng lưỡi thế gian đi .
    Email của chị ( huongbinhduong454@gmail.com )
    Chúc em buổi chiều mát mẻ em nhé .
    hihihi.....

    Trả lờiXóa
  4. Chị đã đọc nhiều về người lính-họa sĩ Lê Duy Ứng, đã nhiều lần kể cho hs nghe về bức chân dung Bác Hồ được ông vẽ bằng máu từ đôi mắt của mình, nhưng đọc bài viết của em, vẫn thấy thật sự xúc động, và cảm nhận được nhiều điều bình dị mà thật đáng ngưỡng mộ trong cuộc sống quanh ta! Cảm ơn em nhiều nhé!

    Trả lờiXóa