Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Tiếng Phù Tang




Người ta nói rằng, biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời. Câu này tôi đã từng nhắc đến một lần khi nói chuyện học tiếng Pháp Lan Tây thời còn du học bên xứ Cổ Nhuế.

Và vì muốn sống thêm một cuộc đời, nên hồi ở xứ Cổ Nhuế, ngoài việc buổi tối lọ mọ đến trung tâm ngoại ngữ để học tiếng Pháp Lan Tây, các buổi chiều, tôi còn mày mò học tiếng Phù Tang qua chương trình dạy ngoại ngữ trên đài phát thanh. Trước khi làm quen với việc học qua sóng phát thanh, tôi cũng đã từng biết một vài từ của Phù Tang thông qua báo đài hay phim ảnh, tỷ như ninja là ninja, sumo là sumo, oshin là tên một nhân vật trong phim truyền hình, chứ không phải là nghề nghiệp. Vân vân và mây mây.

Nhưng lượng từ vựng học được qua phim ảnh đó chưa thấm vào đâu so với lượng từ vựng mà tôi dung nạp được qua chương trình học tiếng Phù Tang trên sóng phát thanh. Nhờ chương trình này mà tôi biết được thêm nhiều từ, tỷ như chào buổi sáng, cám ơn, tạm biệt. Vân vân và lại mây mây.

Tôi nhớ hồi ở bên xứ Cổ Nhuế, mỗi sáng mở mắt bước ra giếng để oánh răng, rửa mặt hoặc làm các công việc quan trọng có tính sống còn khác, tôi thường chào các chị cùng khu trọ đang chổng mông rửa mặt hoặc giặt quần áo ở đó: “ô hai yô gô zai mạt”. Lâu dần, các chị mỗi khi trông thấy tôi cũng thường nói “ô hai yô”, không kể sáng trưa chiều tối.

Mặc dù cũng vui vẻ đáp lại các chị, “ô hai yô”, nhưng tôi tin là một chị, hai chị, hoặc thậm chí tất cả các chị, cũng như sen. Tức là, chẳng chị nào biết “ô hai yô” có nghĩa là “chào buổi sáng”.

Hôm rồi tôi có dịp sang xứ Phù Tang…

Ngoài tiếng Anh Cát Lợi dùng cho họp hành và giao tiếp với đối tác ra, thi thoảng tôi cũng dùng một vài từ tiếng Phù Tang cho ra vẻ “ngân hàng toàn cầu am hiểu địa phương”. Thế nên mỗi sáng bước lên xe để rời khách sạn, tôi thường vui vẻ chào bác lái xe, “ô hai yô gô zai mạt”, và đến khi rời xe, tôi lại nói với bác, “xay ô na ra”.

Những lúc như vậy, bác lái xe cũng vui vẻ đáp lại tôi bằng chính những từ mà tôi vừa nói hoặc những từ gì đó mà tôi không hiểu rõ, nhưng nhìn nét mặt của bác thì tôi hiểu là những từ mà bác nói ra, chắc chắn là mang ý nghĩa tốt đẹp.

Cho đến một bữa tôi vào quán ăn...

Sau khi chào tất cả những nhân viên phục vụ bằng những câu chào mà tôi còn nhớ, tôi ngồi vào bàn để bắt đầu dùng bữa. Và khi anh bồi bàn đặt các món lên bàn, tôi cũng cúi đầu và nói với anh, “xay ô na ra”. Nhưng khác với thái độ của bác lái xe, anh bồi bàn chẳng nói năng gì, chỉ lẳng lặng bưng cái khay trống lên và lui ra ngoài.

Ngạc nhiên với cách cư xử của anh bồi bàn, nhưng tôi cũng tự thuyết phục mình, rằng người Phù Tang vốn dĩ ít nói, nên việc một anh bồi bàn Phù Tang không đáp lại lời cám ơn của khách, âu cũng có thể hiểu và thông cảm được. Hoặc giả, anh ấy không nghe rõ lời tôi, hoặc anh ấy là người kiệm lời…, tất cả những lý do ấy, tôi đều có thể chấp nhận được hết.

Chỉ có một điều, sau khi đi ăn về, tôi lục lại vốn từ vựng mà tôi đã tích luỹ được qua chương trình dạy tiếng Phù Tang trên đài phát thanh, thì suýt ngã từ trên giường xuống đất, bởi “xay ô na ra”, hoá ra, là câu chào tạm biệt chứ không phải câu cám ơn.

Ấy thế mà suốt mấy ngày liền, mỗi lần bước xuống xe, tôi đã cám ơn bác tài bằng câu chào tạm biệt. Thế có khổ tôi không? Thế có phí rượu không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét