Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Sách tham khảo


​​​​

Hôm nay tình cờ đọc bài viết của TS Giáp Văn Dương về chuyện đạo văn, tôi lại nhớ chuyện những quyển sách tham khảo.

Thời đi học, tôi cũng giống anh Dương, chẳng mấy khi có sách tham khảo để đọc. Mà nói thẳng ra, nếu có thì tôi cũng chẳng thèm đọc, bởi ở cái thời chốc lở ấy, tôi nghĩ ai cũng ham chơi và ngủ, chứ chẳng ngu gì mà ham đọc sách.

Năm tôi học lớp 1 hay 2 gì đó, dì tôi, là một giáo viên dạy toán ở Huế, có gửi cho tôi quyển sách toán nâng cao. Bây giờ tôi chẳng nhớ quyển sách ấy tên là gì, chỉ nhớ tác giả là Trương Công Thành, được ghi ở trên đầu trang bìa. Nhưng chẳng hiểu thời ấy kỹ năng đánh vần của tôi phát triển dư lào, mà tôi lại đọc thành Trường Công Thành, và tôi cứ đinh ninh đó chắc là tên của ngôi trường mà dì tôi đang dạy.

Lên cấp 2 thì tôi chẳng có quyển sách tham khảo nào. Mà tôi cũng chẳng có nhu cầu đọc sách tham khảo, dù cho đã bớt ham chơi hơn thời tiểu học.

Cấp 3 thì khá hơn, vì có được vài quyển sách luyện thi học sinh giỏi và luyện thi đại học. Hồi ấy tôi hay le ve tiếp cận mấy bạn gái xinh xinh lớp chuyên văn để mượn mấy quyển sách văn mẫu về học thuộc, đặng lúc nào làm bài thi hay bài kiểm tra thì có cái mà chép.

Tôi nhớ có lần đi mượn sách, cũng gặp một cậu bạn trong lớp đang làm cái việc le ve giống tôi. Cô bạn xinh xinh lớp văn hỏi, “có mượn thơ Nguyễn Tuân không?”. Cậu bạn lớp tôi cũng thật thà, “nếu có thì cho mượn luôn”.

Tôi không biết sau đó thì câu chuyện diễn tiến như thế nào, nhưng tôi nghĩ, mấy cái đứa xinh xinh, chính ra bụng dạ cũng thật khó lường. Chẳng thế mà tự cổ chí kim, hễ cứ ông vua nào bập vào gái xinh thì y như rằng là mất nước.

Lên đại học, tuy đã hết chốc lở và hết ham chơi ham ngủ, nhưng tôi cũng chẳng vì thế mà có nhiều sách tham khảo hơn. Quyển sách tham khảo duy nhất có được là quyển “Chủ nghĩa tư bản - những bất ổn tiềm tàng”, tôi mua lúc đang học năm 3 hay năm 4 gì đó. Hôm ấy đi hiệu sách về, tôi ghé vào nhà ông chú chơi. Cô con gái của chú, đang học lớp 8 hay 9 hay 10 gì đó ra mở cửa. Tôi bảo, “anh có quà cho em đây”. Cô bé hớn hở, “thật á, quà gì đấy?”. Tôi lấy quyển sách mới mua đưa cho nó. Cô bé nhìn vào tựa sách rồi bảo, “em thèm vào quà đấy!”

Ừ, không thèm thì thôi, chứ có thèm thì tôi cũng chẳng cho. Tôi chỉ học theo cái kiểu đùa ác ôn của mấy đứa con gái xinh xinh lớp văn, để coi cái cảm giác của người được quyền đùa giỡn với kẻ khác nó dư lào, chứ nghiến răng nghiến lợi mãi mới mua được quyển sách mà lại đem cho đi mất thì lấy gì mà đọc!

Bây giờ thì tôi có quá nhiều sách tham khảo. Cơ mà, nói thật là chẳng có sức mà đọc cho hết. Có nhiều quyển sách tôi biết là quan trọng và hay, nhưng mua về thì cứ để mãi trên giá chứ chẳng đủ can đảm để mở ra hoặc không đủ kiên nhẫn để đọc hết. Không còn chốc lở nữa, nhưng hình như tôi lại bị mắc cái tật giống như thủa còn thơ: ham chơi và ham ngủ!

10 nhận xét:

  1. Cứ xét theo đúng hiện nay thì đến Nam Cao sống lại mà bình luận về Chí Phèo chắc cũng chỉ đc tầm 5 điểm vì "không hiểu đúng ý tác giả"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện đó có liên quan như thế nào đến sách tham khảo hay nạn đạo văn, tiên sinh?

      Xóa
    2. thì chính vì phải làm đúng ý người khác, không đúng ý người khác thì không được thông qua nên dần dà nó sinh ra tật đạo văn đấy tiên sinh. Dĩ nhiên đấy chỉ là một cách lý giải thôi

      Xóa
    3. Kẻ hèn hiểu ý của tiên sinh!

      Xóa
    4. Tiên sinh có định khóa blog sau khi Tháo ra lệnh khóa mồm văn nhân không

      Xóa
    5. Kẻ hèn đâu có làm gì có lỗi với Tháo đâu? Kẻ hèn cũng không định đàm tiếu về Tháo!

      Xóa
    6. Tiên sinh chả làm gì người ta cũng bảo tiên sinh ngấm ngầm đấy. Tiên sinh làm gì thì người ta bảo tiên sinh công khai. Tiên sinh đạp con chó người ta bảo tiên sinh đạp con mèo. Tiên sinh làm gì được người ta?

      Xóa
    7. Theo ý tiên sinh thì kẻ hèn nên làm gì thì mới nên mới phải?

      Xóa
  2. Tiên sinh cứ viết không trích dẫn nguồn là được. Kiểu gì độc giả kiên trung như tôi chẳng đoán ra :D

    Trả lờiXóa