Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Em và Trịnh: Cuối cùng cho một tình yêu




Đó là một bản tình ca của Trịnh và cũng là bài hát được sử dụng để làm nền cho một câu chuyện trong phim “Em và Trịnh”.

Trong tâm tưởng của mình, chưa bao giờ tôi nghĩ “Cuối cùng cho một tình yêu” là bài hát được phổ nhạc từ thơ của một người khác. Bởi tôi nghĩ, một người xuất khẩu thành chương như Trịnh Công Sơn, mỗi bài hát viết ra đều không khác gì một bài thơ, thì hà cớ phải mượn thơ của người khác để nói hộ lòng mình. Nhưng hoá ra tôi nhầm, phần lời của bài hát lại được lấy từ bài thơ do một người bạn của Trịnh sáng tác.

Tên là “cuối cùng”, nhưng bài hát lại xuất hiện ngay ở khoảng dăm bảy phút đầu của bộ phim dài đến 136 phút. Đó là điều tuy có vẻ hơi vô lý, nhưng tôi nghĩ, dù muốn hay không, thì đạo diễn cũng bắt nó phải xảy ra, bởi bài hát được dùng như một lời cáo chung cho tình yêu vô vọng của Trịnh với Bích Diễm - vốn chỉ được đưa vào phim như một tiền đề để mở ra cuộc tình giữa Trịnh và Dao Ánh như là câu chuyện chính của phim.

Ví thử, muốn tránh đi hai chữ “cuối cùng” ấy, thì tôi nghĩ, sẽ là một lựa chọn tốt hơn nếu “Như một lời chia tay” được đạo diễn cậy tới. Nhưng có thể, do bài hát đó ra đời quá muộn sau những cuộc tình của Trịnh với Bích Diễm cũng như với Dao Ánh, và cũng có thể, đạo diễn muốn đề cao ảnh hưởng của người bạn nhà thơ trong chuyện tình của Trịnh, nên “Cuối cùng cho một tình yêu” buộc phải xuất hiện trong bối cảnh kia để thực hiện đúng sứ mệnh của nó.

Nội dung của “Cuối cùng cho một tình yêu”, giống như cái tên của nó đã lột tả, là nói về sự kết thúc của một chuyện tình. Nhưng khác với những cuộc chia tay hay đổ vỡ mà thế gian vẫn thường thấy trong chuyện yêu đương của các đôi trai gái, sự chia tay trong bài hát được tác giả, dù là nhạc sĩ họ Trịnh hay người bạn nhà thơ của ông, chấp nhận một cách rất nhẹ nhàng, không bi luỵ: “Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới. Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói…”. Và sự chấp nhận đó chính là một cái kết phù hợp cho chuyện tình chóng vánh của Trịnh với cô chị Bích Diễm để chuyển sang cuộc tình đằng đẵng với cô em Dao Ánh, cả ngoài đời lẫn trong phim.

Tôi không tìm hiểu kỹ nên không biết trong thực tế, khi chia tay Bích Diễm, thì Trịnh đã viết ra những ca khúc nào. Nhưng tôi nghĩ, ngay cả với một người bình thường, khi chia tay một cuộc tình dù ngắn dù dài, thì thể nào tâm trí, dù ít dù nhiều, cũng phải nghĩ ngợi về nó. Bản thân lời bài hát “Cuối cùng cho một tình yêu” cũng có đoạn viết rằng: “Một lần yêu thương, một đời bão nổi...”. Còn với một người tài hoa và đa cảm như Trịnh, thì việc làm một điều gì đó, tỉ như viết một hay một vài hoặc thậm chí nhiều bài hát để nói về cuộc tình ấy, cũng là điều dễ hiểu. (Chẳng thế, mà ở trên bìa các quyển tuyển tập bài hát của Trịnh, người ta thường đọc thấy mấy dòng chữ viết tay kèm theo chữ ký của ông: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”).

Không viết nhạc được như Trịnh, và cũng không có cảm hứng để hát một bản tình ca như những người khác, nhưng tôi cũng hay nghĩ ngợi và muốn làm gì đó cho tình yêu của mình. Thế nên khi “Em và Trịnh” ra rạp, tôi đã hẹn người ấy đi xem từ sớm, một phần là vì tình yêu với nhạc Trịnh, phần khác là bởi tình yêu với người ấy - một người thích hẹn hò và thích xem phim đến nỗi đặt tên cho mùi bắp rang bơ ở rạp chiếu phim là “mùi hẹn hò”.

Đối với một người khó tính như tôi, thì “Em và Trịnh” cũng có một vài điểm không ưng ý, tỉ như việc đưa tiếng fake nước Huệ vào trong phim, hoặc việc Trịnh chuyển mục tiêu tấn công từ Bích Diễm sang Dao Ánh một cách ráo hoảnh, hay việc Trịnh đã định cưới Michiko nhưng vẫn còn tơ tưởng lòng thòng tới Ánh… Nhưng ví thử những điểm không ưng ý trong phim có nhiều hơn thế một tẹo, thì tôi nghĩ, việc bỏ ra gần 3 tiếng đồng hồ để xem hết bộ phim, cũng là điều đáng làm. Nói cho cùng thì khi bước ra khỏi rạp, cả tôi và người ấy đều thấy vui, dù cho cả hai đều không rành lắm về điện ảnh cũng như âm nhạc.

Chính bởi thế, nếu anh chị nào đó còn băn khoăn về việc có nên đến rạp để xem “Em và Trịnh” hay không, thì tôi mạnh dạn xúi dại là nên. Nếu không phải là vì tình yêu đối với điện ảnh hay nhạc Trịnh, thì chí ít đó cũng là vì tình yêu mà anh chị dành cho người ấy.

Chỉ có điều, ví như mà người ấy không phải là kẻ có tên trong sổ hộ khẩu của anh chị, thì tôi cũng mạnh dạn xui khôn các anh chị, là nhớ cầm theo các vật dụng cần thiết để phòng thân hoặc thoát thân, đồng thời cũng nên chuẩn bị phương án nào đó mà giả nhời cho nó oách nếu chẳng may được chườm mặt lên báo!

2 nhận xét:

  1. TCS là một ngạc sĩ một thời mà giới trẻ sinh viên học sinh hâm mộ bởi những ca khúc mạnh mẽ nhưng dạt dào tình cảm của ông.Họ chỉ ái mộ vì trong bản nhạc rất hay với ca từ mộc mạc cho Quê Hương cho tình người và cuộc sống đi vào lòng người chứ có ai nghĩ ông là nhạc sĩ cách mạng giới trẻ luôn xem ông là thần tượng và nhạc của ông rất thịnh hành nổi tiếng trong miền Nam
    HN sang thăm chúc anh ngày mới tốt lành thật vui nhé anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn HN đã ghé thăm! Chúc HN tuần mới vui vẻ nhé!

      Xóa