Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Em và Trịnh: “Nhạc sỹ cách mạng”


Trong phim “Em và Trịnh” có cảnh Trịnh Công Sơn đến dự một buổi biểu diễn văn nghệ. Sau khi kết thúc tiết mục “Em ở nông trường, em ra biên giới”, người dẫn chương trình đã giới thiệu Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ cách mạng, và mời ông lên sân khấu.

Xem đến cảnh đó, trong đầu tôi lập tức xuất hiện ý nghĩ, chắc là Trịnh Công Sơn sẽ thấy ngượng nghịu với 4 chữ to tát kia, hoặc sẽ có một lời phát biểu nào đó cải chính, hoặc giải thích hay biện hộ gì đó về việc cách dùng từ của người giới thiệu chương trình.

Nhưng không! Trịnh Công Sơn đã nói về những người phụ nữ mà ông yêu và người phụ nữ mà ông yêu nhất (là mẹ), rồi sau đó hát một bài hát về mẹ - là “Huyền thoại mẹ”.

Tôi không hiểu từ “cách mạng” mà người dẫn chương trình đã dùng để nói về Trịnh Công Sơn trong phim có hàm ý gì. Không hiểu, có phải anh ta muốn nói rằng âm nhạc của Trịnh, có thể là ca từ, hoặc giai điệu, hoặc cả hai, có tính cách mạng (tức là mới mẻ, hay ho, mọi nhẽ)? Hay là, anh ta muốn nói rằng, Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ đi theo Cách mạng - theo cái nghĩa mà người ta vẫn dùng để chỉ nhiều nhạc sỹ khác mà tên tuổi gắn liền với dòng “nhạc đỏ”, như thể Huy Thục, Doãn Nho, Huy Du, Hoàng Vân, Hoàng Hiệp,…

Nếu nói là âm nhạc của Trịnh Công Sơn có tính cách mạng, thì với vốn kiến thức ít ỏi của mình về âm nhạc, tôi dè dặt mà cho rằng, nhận định như vậy chắc chẳng được mấy người đồng tình. Bởi với rất nhiều bài hát của Trịnh mà tôi đã được nghe, ngoài một số lượng kha khá ca từ hơi triết lý và khó hiểu một tẹo, còn lại thì lời ca của Trịnh, tuy sâu lắng, nhưng cũng không phải là cái gì quá xa lạ với người bình thường, nhất là những người đã từng một lần yêu. Còn về giai điệu, thì những bài hát của Trịnh thường cũng khá đơn giản và nhẹ nhàng, với mô típ thường được lặp đi lặp lại giống nhau ở đa phần các bài hát.

Nhưng nếu nói Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ cách mạng theo cái nghĩa mà người ta vẫn hay dùng để gọi những nhạc sỹ của dòng “nhạc đỏ”, thì tôi chắc là nhiều người sẽ không đồng tình, hoặc nếu có đồng tình thì cũng sẽ không mạnh mẽ lắm. Bởi với những bài hát của Trịnh mà tôi đã từng được nghe, ngoài “Em ở nông trường, em ra biên giới” viết cho phong trào thanh niên xung phong cuối 1970s và “Huyền thoại mẹ” viết từ cảm hứng về Mẹ Suốt anh hùng, thì tôi gần như chưa nghe bài hát nào về những chủ đề mà các “nhạc sỹ cách mạng” thường khai thác, tỉ như cổ vũ phong trào “đấu tranh giải phóng dân tộc ở Miền Nam” hay công cuộc “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc”, hay ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ…

Giống như nhiều người trước đây đã phân tích, khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn, người ta sẽ không cảm nhận được ông đứng về phe nào trong hai phe tham gia vào cuộc chiến. Mặc dù, cũng có lúc ông đã sử dụng từ “cách mạng” trong ca khúc của ông, nhưng điều đó không thể hiện việc ông đứng về phe Cách mạng. Thay vào đó, người ta chỉ thấy ông kêu gọi chung chung, “triệu chân em, triệu chân anh, hỡi ba miền vùng lên cách mạng” - như trong bài “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, hay “Xin anh chị hãy vùng lên/ Đời sống này đầy bóng tối/ Triệu anh em chia sớt nguy nan/ Xây cách mạng dựng đời người mới” - như trong bài “Đừng mong ai, đừng nghi ngại”...

Thế thì, nên gọi Trịnh Công Sơn là nhạc sỹ gì mới là phù hợp?

Có dịp nghe nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn có nội dung phản chiến (thường được biết đến với tên gọi chung là “Ca khúc Da Vàng”), người nghe sẽ cảm nhận được rất rõ tình yêu của ông đối với quê hương, đất nước cũng như sự xót xa của ông trước nỗi thống khổ hay mất mát của đồng bào do chiến tranh gây ra, “Ôi quê hương đã lầm than, sao còn còn chiến tranh?” (bài “Du mục”). Ông lên án chiến tranh, coi chiến tranh là “ngục tù” (bài “Ca dao mẹ”), là “tham vọng của một lũ điên” (bài “Hãy sống giùm tôi”). Ông đau lòng vì đất nước bị tàn phá, người dân bị đạn bom giết hại, hoặc đồng bào phải cầm súng bắn nhau, “Bao nhiêu năm còn nô lệ/ Anh em ta nhận vũ khí/ Quê ta bãi hoang chiến trường diệt nhau như thú /…/ Ai khoe khoang dân mình đã chết oan...” (bài “Quê hương đau nặng”). Ông nhiều lần nhắc đến hoà bình, “Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Cờ bay trăm ngọn cờ bay/ Rừng núi loan tin đến mọi miền/ Gió hoà bình bay về muôn hướng…” (bài “Ta đã thấy gì đêm nay”), hay “Ta phải thấy một ngày, ngày dân ta đi lên giành lấy hoà bình, kêu nhau từ khắp mọi miền đòi sống!” (bài “Ta phải thấy Mặt trời”), “Ai có nghe tiếng nói người Việt Nam, chỉ mong hòa bình sau đêm tăm tối…” (bài “Hãy sống giùm tôi”), thậm chí, ông dùng cả hai chữ đó để đặt tên cho ca khúc, chẳng hạn như “Cánh đồng hoà bình”, “Đồng dao hoà bình”… Ông mơ đến ngày kết thúc chiến tranh, ngày non sông thu về một mối, “Khi đất nước tôi thanh bình/ Tôi sẽ đi không ngừng/ Sài Gòn ra Trung/ Hà Nội vô Nam/ Tôi đi chung cuộc mừng…” (bài “Tôi sẽ đi thăm”), “Vì quê hương sẽ có ngàу gặp lại/ Máu xương hai miền rung lòng thế giới/ Dù hôm naу tôi chưa về Hà Nội/ Dù hôm naу em chưa đến Ѕài Gòn/ Nhưng trong lòng nhau thấp thoáng bóng cờ chung...” (bài “Chưa mất niềm tin”).

Tuy vậy, trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, tôi chưa gặp bài nào mà ông kêu gọi “đánh cho Mỹ cút” hay “đánh cho Nguỵ nhào”. Ở trong bài “Gia tài của mẹ”, ông gọi cuộc chiến tranh ở miền Nam là một cuộc nội chiến, chứ không coi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như các sách lịch sử ngày nay vẫn dạy (“Hai mươi năm nội chiến từng ngày/ Gia tài của mẹ để lại cho con/ Gia tài của mẹ là nước Việt buồn…”). Thậm chí, ông còn viết hẳn một bài hát để tiễn đưa một phi công của Không lực Việt Nam Cộng hoà đã tử trận (bài “Cho một người nằm xuống”), chỉ có điều, trong bài hát đó, ông cho rằng cái chết của người phi công ấy, cũng là để xoá bỏ hận thù, “Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên”…

Với tất cả những gì đã kể ở trên, tôi cho rằng, nếu nói Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ chống chiến tranh, hay một nhạc sỹ yêu hoà bình, hay một cụm từ gì có ý nghĩa tương tự, thì có vẻ hợp lý. Còn nếu gọi Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ cách mạng thì tôi thấy không ưng. Cơ rưng mà, Trịnh Công Sơn có ưng hay không, thì tôi không biết! Mà kể cả, nếu gọi Trịnh Công Sơn bằng những cụm từ mà tôi nghĩ ra, thì tôi cũng không chắc là ông ấy đã ưng.

Khéo ở chốn “xa xăm cuối trời í a í à á”, biết được tôi ngồi viết cả một bài dài loằng ngoằng để chọn danh xưng cho ông như này, nhạc sỹ họ Trịnh lại chẳng ném luôn điếu thuốc đang cháy dở xuống đất mà kêu: “Rắch ruộc!”

Hoặc ví thử, Trịnh Công Sơn muốn chứng tỏ Huế - Sài Gòn - Hà Nội bây giờ không còn xa như trong bài hát cùng tên mà ông đã viết ngày trước, thì chắc ông cũng sẽ kêu lên: “Dách duột!”

4 nhận xét:

  1. có lẽ nhờ những bài hát cổ động kiểu "Em ở nông trường, em ra biên giới", "Huyền thoại mẹ"... mà TCS về sau được các bác í dựng lên như 1 tượng đài nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, cũng chẳng biết là nhờ cái gì nữa. Cũng có thể đó chỉ là một tình huống trong phim thôi.
      Dạo này cô Biển khoẻ không? Vẫn ở Gòn à?

      Xóa
  2. Phim này nhiều điiều cần bàn và người đăng CMT đã từng gặp ca sĩ khánh ly bên ngoài, từng nói chuyện và gặp gỡ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) tại nhà riêng nhạc sĩ và không cần xem phim, thì qua lời kể, hình ảnh thì đó là phim hay nhất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là meocon đáng được bao nhiêu người ghen tị rồi!

      Xóa