Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Đi đái phát!




Đó là vấn đề mà cô bé cùng xóm trọ thời sinh viên đã chất vấn khi nghe tiếng học bài vọng ra từ phòng trọ của tôi. Nguyên văn, cô bé đã hỏi tôi rằng, anh học môn gì mà có cả “đi đái phát?”

Nghe câu hỏi phát ra từ cái miệng của cô bé mà tôi suýt ngã bổ chửng, vì từ thủa được Thủ tướng Chính phủ thành lập ra cho đến giờ, trường Tài chính Cổ Nhuế chả có môn nào dạy về nghiệp vụ đi đái cả. Có chăng, trường chỉ dạy con người ta những thứ xoay quanh tiền và việc quản lý tiền mà thôi.

Hiềm nỗi, không hiểu nghe ai xui dại, mà trường Tài chính Cổ Nhuế sau mỗi khi dạy môn này môn nọ xong thì thường bắt con người ta thi hết môn bằng hình thức vấn đáp. Đến khoá của tôi thì nhiều môn, như toán hay thống kê… đã được chuyển sang thi viết, nhưng nói chung, thi vấn đáp vẫn là hình thức chiếm ưu thế.

Bởi phải thi vấn đáp, nên bổn phận của tôi, là phải chuẩn bị cho những bài thi của mình phù hợp với hình thức đó. Và cách mà tôi chọn, là tóm lược các bài học trên lớp thành một vài gạch đầu dòng vào một tờ giấy A4, rồi dán nó lên tường và nhìn vào đó mà nói một mình, như thể vừa bắt được luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa…

Mặc dù trường Tài chính Cổ Nhuế luôn yêu cầu sinh viên phải học hành và thi cử nghiêm túc nhưng trường không hề cấm sinh viên đi toè trong lúc ôn thi. Thế nên, mỗi lúc “trả bài thi” với tờ A4 dán trên tường mà tôi buồn toè thì thể nào tờ A4 cũng được nghe câu “đi đái phát” trước khi nhìn thấy tôi mở cửa phòng và chạy ra ngoài. Điều đó giải thích vì sao cô bé cùng xóm trọ băn khoăn tại sao trường Tài chính Cổ Nhuế, ngoài kiến thức tài chính - kế toán ra, còn dạy cho sinh viên cả chuyện bài tiết.

Và hôm nay, sau hơn 20 năm bị cô bé cùng xóm trọ chất vấn về vấn đề tế nhị kia, tôi lại suýt nữa ngã bổ chửng khi nghe cu em đồng nghiệp cùng phòng đứng dậy nói: “Đi đái phát! Buồn đái quá!”

6 nhận xét: