1. Ở đâu ra mà có tết?
Tết, thực ra, là do đọc trại chữ “tiết” mà thành. Nước Nam ta, cũng giống như một vài nước lân cận, vốn có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nên việc phụ thuộc vào thiên nhiên và thời tiết là điều khó lòng tránh khỏi. Một trong những sự phụ thuộc ấy, là người ta tính ra những ngày “tiết” trong năm, từ đó định ra lịch canh tác, gieo trồng, sao cho phù hợp với diễn biến của thiên nhiên, “mưa thuận, gió hoà”.
Đó chính là nguồn gốc sâu xa và sơ khởi nhất của các ngày tết, trong đó bao gồm cả ngày tết được bàn đến trong bài này, gọi là Tết Nguyên Đán. Còn những cái gọi là “tết” được sinh ra sau này theo hoàn cảnh lịch sử, tỉ như “Tết Độc lập”, thì lại là chuyện hoàn toàn khác, không liên quan gì nông nghiệp hay thời tiết.
2. Tết thì phải ăn?
Chả hiểu ai là người nghĩ ra cái câu “quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên” (nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu), dưng cái cụm “lấy ăn làm đầu” xem ra có vẻ đúng với nhiều trường hợp ở nước Nam. Chính bởi vậy mà có rất rất rất nhiều việc của người Nam được gắn với cái ăn. Xa xưa thì có ăn cưới, ăn hỏi, ăn xin, ăn mày, ăn trộm, ăn cướp… Gần hơn thì có ăn hối lộ, ăn của đút, hoặc thậm chí ăn cả hoa hồng, là cái thứ vốn thường được dùng để trang trí hoặc cùng lắm là ướp trà. Ngầu hơn nữa, người ta còn ăn cả “phần trăm” hay “chênh lệch”, là những thứ mà vốn chỉ dùng để thống kê, tính toán, chứ không phải là thứ có thể cầm hay nắm được, nói chi đến chuyện cho vào miệng mà nhai.
Trong một bối cảnh như vậy, các ngày tết trong năm cũng chẳng biết tránh sao cho khỏi chuyện bị ăn. Điều đó giải thích vì sao nhằm vào mấy ngày tết thì dân ta ăn uống cứ gọi là quần quật, còn các bà các cô thì phải cắm mặt vào bếp để nấu nướng các món ăn, xong lại chổng mông lên trời để dọn dẹp, rửa bát.
3. Ăn tết có vui không?
Thủa xa xưa, khi mà đời sống kinh tế còn kém phát triển và đi lại còn khó khăn, thì tết là lúc mà người đi xa trở về sum họp với gia đình, bởi thế nên sinh ra cái gọi là “tết đoàn viên”. Tết còn là lúc nhà nông được nghỉ ngơi, hưởng thụ sau một năm làm lụng vất vả, “già được bát canh, trẻ được manh áo mới”... Nói nôm na, ngày tết, từ xa xưa, đã mang trong mình nó rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Chính bởi thế, việc người này người kia mong đến tết, cũng là chuyện hết sức bình thường.
Dưng cùng với sự phát triển của kinh tế và khoa học kỹ thuật, thì ý nghĩa ban đầu của tết càng ngày càng tỏ ra yếu thế trước sự lấn lướt của những sinh hoạt khác trong đời sống xã hội. Lẽ tất nhiên thì trong xã hội vẫn còn những người vất vả, nghèo khó, dưng với một xã hội đã “lên đường” từ hồi cụ Huy Cận đến thăm chùa Tây Phương cách đây hơn nửa thế kỉ, thì chuyện ăn mặc hay đi lại không phải là điều gì ghê gớm hay khó khăn với phần lớn người dân. Bát canh ư, ăn cả năm đến đái cả ra đường, mỡ nhiễm vào máu và bám vào gan… còn chưa đủ hay sao mà phải chờ đến tết? Manh áo mới ư, với mật độ của Black Friday hay Flash Sale diễn ra quanh năm như hiện nay, làm gì có ai phải chờ đến tết để mặc áo mới? Còn đoàn viên ư, nháy mắt phát là đã ngồi trên máy bay của anh Quyết còi và cố hết sức thì vẫn không thể nghĩ là mình đang bay, vì phương châm của anh Quyết là phải làm cho hành khách nghĩ chuyện bay lượn với anh ấy là “hơn cả một chuyến bay”.
Ấy là chưa kể, với sự phát triển của các phương tiện liên lạc dựa trên nền tảng internet, thì dù ở cách nhau đến nửa vòng Trái đất như - Tố Hữu với Cuba, hay thậm chí một vòng Trái đất - như Minh Hằng và Tim, người ta vẫn hoàn toàn có thể thấy mặt và nghe tiếng của nhau bất kỳ lúc nào với chi phí gần như bằng không…
Nói tóm lại, những cái mà ngày xửa ngày xưa người ta chờ đến tết mới làm thì ngày nay, người ta làm quanh năm. Trong bối cảnh mà ngày nào cũng như là tết, thì tết có đến hay không, phỏng có là chuyện bận tâm cho lắm!
4. Tết quan trọng dư lào?
Tết, dư đã nói ở trên, là cái sinh ra từ sản xuất nông nghiệp. Mà ngày xửa ngày xưa, nông nghiệp là ngành tạo ra của cải chủ yếu để nuôi sống con người, và cũng là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của rất rất nhiều quốc gia, trong đó có nước Nam.
Dưng ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhiều ngành kinh tế khác như công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… thì vị thế của ngành nông nghiệp trong GDP của mỗi quốc gia có xu thế ngày càng thu hẹp. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng ít phụ thuộc hơn vào điều kiện tự nhiên. Điều này có nghĩa, các ngày “tiết” mà các cụ phải mất nhiều nghìn năm mới tính ra được, sẽ chẳng còn mấy quan trọng đối với đời sống kinh tế của con người.
Trong một bối cảnh như vầy, thì vai trò hoặc ý nghĩa của tết, dù ít hay nhiều, vô tình hay cố ý, cũng sẽ buộc phải vơi đi, bởi cái sinh ra nó là sản xuất nông nghiệp, đã không còn giữ được vị thế như thủa ban đầu khi mà mẹ Âu Cơ đi khai thiên lập địa hoặc Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển cả.
Chính bởi vậy, dù có người này, người kia, thậm chí rất nhiều người, nỗ lực để nói hay, nói tốt về tết và duy trì việc ăn tết như một nét văn hoá đặc sắc, thì vai trò và ý nghĩa của tết, trước sau cũng sẽ bị mai một theo quy luật tất yếu của tự nhiên cũng như xã hội. Đấy là điều mà bất kỳ ai đã từng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa cũng có thể nhận ra nếu vẫn còn nhớ chút ít về phép biện chứng.
5. Kết nào là đẹp cho tết?
Đã có nhiều người nêu ý kiến muốn nước Nam bỏ việc nghỉ tết hay ăn tết âm lịch để chuyển sang nghỉ tết dương lịch như người Tây phương. Về cơ sở kinh tế thì ý kiến này cũng có những điểm rất hợp lý, bởi nước Nam đang hội nhập sâu với thế giới, và việc nghỉ tết theo lịch của người Tây phương sẽ mang lại nhiều điểm thuận lợi cho đời sống kinh tế của nước Nam.
Khốn nỗi, trong một xã hội mà người thích ăn tết vẫn còn nhiều, thì những người cả gan nêu ra ý kiến nói trên, lập tức phải hứng hết tiếng bấc này đến tiếng chì khác, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, là phải nhặt cả một đống gạch đá đủ để xây nhiều chục tầng phù đồ chứ không phải chỉ là 7 hay 14.
Tất nhiên, khi mà tồn tại xã hội vẫn chưa đủ mạnh để quyết định ý thức xã hội, thì việc bị ném đá vì tội cả gan kêu gọi bỏ tết, cũng là chuyện khó lòng tránh khỏi. Nhưng nếu xét một cách thấu đáo, thì chẳng cần nhọc công kêu gọi, việc nghỉ tết hay ăn tết, trước sau, cũng sẽ tự bị điều chỉnh để phù hợp với diễn biến của đời sống xã hội mà thôi.
Còn khi mà ngày đó chưa đến và người muốn ăn tết vẫn còn nhiều, thì những người không muốn ăn mà vẫn buộc phải nghỉ tết, thiết tưởng hãy dành những ngày tết để làm cái gì mang lại sự thoải mái, thay vì chỉ cắm đầu nấu nấu nướng nướng rồi uống uống ăn ăn.
Ngủ và ăn mì tôm chẳng hạn, mà mang lại sự thoải mái trong mấy ngày tết, thì vẫn hơn là đi sắm thật nhiều đồ về để ăn tết, xong rồi lại lầu bầu than mệt hoặc kêu là tốn kém, phỏng ạ?
https://vnexpress.net/tet-vui-hay-tet-met-4558168.html
Trả lờiXóahttps://vnexpress.net/het-tet-4563484.html
Trả lờiXóa