Chẳng biết những người chơi ghi ta chuyên nghiệp nghĩ thế nào, nhưng với tôi, “Hạ trắng” có lẽ là bản độc tấu dành cho ghi ta dễ chơi nhất trong những bản mà tôi được học, với điệu slow rock chậm rãi và hợp âm chỉ có 3 gam duy nhất là Am, Dm và E7. Được Trịnh Công Sơn viết ra từ năm 1961 nhưng mãi đến hơn 30 năm sau, “Hạ trắng” mới bị tôi biết đến sau khi thầy dạy ghi ta đã thất bại ê chề trong nỗ lực nhét vào đầu tôi cách đánh điệu rhumba nên đành chuyển sang dạy tôi đánh điệu slow rock.
Tôi chẳng hiểu vì lẽ gì mà hồi ấy các cụ nhà tôi lại cứ nhất quyết bắt tôi phải học đàn, trong khi cho đến tận bây giờ tôi vẫn tin là tôi chẳng có một tí năng khiếu trơn trọi nào về âm nhạc. Nhiều khi tôi tự hỏi, phải chăng là do các cụ muốn rèn tôi trở thành người quân tử theo đúng triết lý của nhà Nho, nghĩa là phải giỏi Cầm - Kỳ - Thi - Hoạ? Lạy Chúa, nếu quả thật ý tưởng của các cụ đúng là như thế thì có lẽ cả đời này tôi chỉ có thể là tiểu nhân chứ không có cách nào trở thành quân tử. Nhưng thôi, việc đó hãy để lịch sử phán xét, còn bây giờ tôi còn phải kể nốt cái vụ “Hạ trắng” của tôi...
Chẳng biết Trịnh Công Sơn lấy cảm hứng từ đâu để viết “Hạ trắng”, nhưng dựa vào phần lời của bài hát thì có vẻ như là từ một tà áo nữ sinh trong cái nắng đầu hè. Sở dĩ tôi đoán nhân vật chính của bài hát là một nữ sinh mà không phải là một nữ nông dân, hàng rong, đồng nát, bia ôm... nào đó vì chắc chỉ có áo của nữ sinh (áo dài) thì mới “bay”, còn áo của mấy cái “nữ” kia, có muốn cũng chẳng bay được. Còn vì sao mà lại là nắng đầu hè ư, đơn giản là vì giữa hè và cuối hè thì nữ sinh có đi học đâu mà có “đường xa áo bay” và “lối em đi về” cho Trịnh Công Sơn viết nhạc?
Giống như tác giả của “Hạ trắng”, tôi cũng đã từng một thời mê mẩn với tà áo nữ sinh, đơn giản vì tôi cũng đã từng là học sinh, và đơn giản hơn nữa, tôi lại là một thằng nam nhi chi chí, có dở người mới không thích phụ nữ. Nhưng xét về khía cạnh gọi là âm nhạc mà nói thì tôi chẳng đáng để so với bất kỳ một cái gì của Trịnh Công Sơn bởi nếu như nhạc sỹ họ Trịnh có thể viết ra cả nghìn ca khúc (chủ yếu) để tán gái, thì cái thằng tôi đây, thân mang họ Nguyễn nhưng đến cái bài dễ đàn nhất của Trịnh Công Sơn, cũng chỉ có thể đánh được những tiếng huỳnh huỵch như Lý Đức tập tạ. Nói đến đây tôi lại bất giác cảm thấy hổ thẹn với quá khứ oai hùng của tổ tiên bởi các cụ chúa Nguyễn nhà tôi ngày xưa đã oánh cho tập đoàn phong kiến họ Trịnh thua chạy như vịt... (Mà chả nói thì ai cũng biết mấy cái ông họ Trịnh đó là tổ tiên của ai trong cái bài viết này ).
Bây giờ thì Hà Nội cũng đã bắt đầu vào hạ. Mùa hạ Hà Nội cũng trắng nhưng không phải vì trên đường Hà Nội có bóng áo dài của các nữ sinh mà vì người Hà Nội đang đè các con đường ra đào lấy đào để nên khắp cả thành phố chỗ nào cũng bụi ơi là bụi. Thực ra, so với đường xa áo bay của Trịnh Công Sơn thì đường xa bụi bay của Hà Nội cũng không kém phần duyên dáng. Chỉ có điều, Trịnh Công Sơn, vì có tài nên đã viết lên được bản “Hạ trắng” bất hủ, còn tôi, do không có được cái tài ấy nên ngày ngày vẫn phải âm thầm đi về trên những con đường Hà Nội đầy bụi với một niềm tin mãnh liệt rằng, dù không thể đóng góp gì cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam đương đại thì chí ít tôi cũng sẽ góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho các bác sỹ, y tá ở Viện Lao phổi trung ương, hoặc là cũng giúp cho việc làm ăn của mấy tiệm rửa xe máy ngày càng trở nên phát đạt. Mà đã như thế thì việc gì tôi phải tập đánh bài “Hạ trắng” cho mất công, bởi suy cho cùng, nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than...
Bấm vào đây để nghe Phạm Lợi độc tấu “Hạ trắng”
"Hôm qua người ta đến đào đường,đào xong rồi họ lại lấp luôn.Hôm nay người ta đến đào đường,đào xong rồi họ bỏ đi luôn..."
Trả lờiXóa"...Ngày mai người ta chẳng cần đến đào thì đường cũng như đã bị đào" :))
XóaHuỳnh huỵch như Lý Đức tập tạ cũng được A Solitaire,ông đệm đàn đi rồi ta cho ông thưởng thức cái giọng hát doạ người của ta(bởi do đi tàu ăn toàn sắt nên khi hát toàn văng ra mạt gỉ,dầu mỡ...) !
Trả lờiXóaGiọng của Sư tuy không giống giọng Khánh Ly nhưng nhẽ cũng giết được người đấy nhỉ? Ám khí văng lung tung thế cơ mà! :))
XóaHà, cái bản Hạ Trắng này ta lại không thích, vì nó cứ buồn buồn, gặp phải giọng của bà Khánh Lý nữa thì sao nó cứ ma mị và da diết. Nhưng thôi, kệ nó. Nhưng mà có khi nào đằng ấy nghĩ rằng: Tại sao Hà Nội giờ lại nhiều bụi bay thế không? Có khi nào đằng ấy nghĩ rằng chính cái nỗ lực trở thành công dân ưu tú của thủ đô của đằng ấy và của rất rất nhiều người khác là nguyên nhân dẫn đến bụi ở Hn ngày càng gia tăng không? Về quê chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải đi ấy ạ.
Trả lờiXóaHaizz, hình như có một thời anh đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, bọn anh lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Hồi ấy anh mới đâu hăm bảy hay hăm tám...
XóaĐược lắm, " Gừng càng già càng cay "độc"", viết rất sắc bén, và dễ lừa người đọc đi "chệch" đường lắm.
Trả lờiXóaSao mà chệch, hở Diễm?
XóaCái khoản "cay" với "độc" thì hẳn rồi.Bây giờ chưa già mà đã thế rùi,không biết sau này già thật thì còn dư lào nữa.
XóaMô phật ! Ta cảm thấy thương cho những người trót bị A Solitaire đưa vào tầm ngắm.
Ta với Sư, kẻ thì cưỡi tàu đạp sóng, kẻ thì bóp cổ người khác lấy lãi, đâu có ân oán gì với nhau, hà cớ chi Sư lại xỉa ta tàn độc làm vậy? :))
XóaMô phật ! Chỉ mới "bóp cổ người khác lấy lãi" thôi,chưa đủ tàn độc sao ?
XóaPhật dạy : "Cần phải ngủ !" ,bên này giờ là 1h kém 20 rùi,ta đi ngủ đây(mặc dù đu còn chưa đã) để mai còn đi cày.Hẹn ông ngày mai nhá !