Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Dương Hựu


Cuối thời Tam quốc bên Tầu, sau khi nước Thục bị diệt, nước Ngô sai một viên tướng giỏi là Lục Kháng sắp sẵn thuyền bè, chực đánh lấy đất Tương Dương của nước Tấn.

Vua Tấn là Tư Mã Viêm liền sai đô đốc Dương Hựu ra trấn thủ Tương Dương, chỉnh đốn quân mã để chuẩn bị đánh nước Ngô.

Chẳng bao lâu, vua Ngô có chiếu sai Lục Kháng tiến quân đánh nước Tấn, nhưng Lục Kháng không nghe. Vua Ngô liền tước binh quyền của Lục Kháng rồi cử người khác lên thay.


​​Ảnh: Vua Tấn thân đến tận nhà thăm Dương Hựu
Dương Hựu nghe tin Lục Kháng bị bãi chức, mà vua Ngô thì lại thất đức lắm, mới dâng biểu xin đánh Ngô. Vua Tấn xem biểu của Dương Hựu liền bàn việc cất quân, nhưng có mấy đại thần can không nên đánh vội, nên vua Tấn lại thôi.

Dương Hựu thấy vua không nghe lời mình thì than thở mãi, rồi vào chầu vua, xin từ chức về quê dưỡng bệnh.

Lúc Dương Hựu mệt nặng gần mất, vua Tấn thân đến tận nhà thăm, hỏi Dương Hựu xem có thể cử ai cầm quân đánh Ngô được.

Dương Hựu thưa rằng: “Thần chết đến nơi rồi đấy, còn chút lòng thành nào, xin bày tỏ hết: Có hữu tướng quân là Đỗ Dự đương nổi việc đánh Ngô, bệ hạ nên dùng ngay đi!”

Vua Tấn lại hỏi: “Cử kẻ thiện, tiến người hiền, cũng là một việc rất hay. Trẫm thấy ngươi tiến người trong triều, xong thì đốt ngay bản tấu đi, không để cho họ biết, là cớ làm sao?”


​​Ảnh: Vua Tấn xuống chiếu phong Đỗ Dự làm đô đốc
Dương Hựu thưa rằng: “Cử người trong triều, mà để cho họ đến tận nhà riêng của mình tạ ơn, tôi thiết nghĩ không muốn như thế”.

Nói xong thì mất.

Vua Tấn khóc ầm lên, trở về cung, xuống chiếu truy phong cho Dương Hựu làm Thái phó, rồi cất Đỗ Dự lên làm đô đốc, lo việc đánh Ngô.

Chẳng bao lâu thì nước Ngô bị diệt. Quần thần thấy đã bình định nước Ngô rồi, cùng mừng dâng rượu thọ. Vua Tấn cầm chén rượu, rỏ nước mắt khóc rằng: “Đây là công của Dương Thái phó; tiếc thay, ông ấy không được trông thấy!”

Câu chuyện nói trên về Dương Hựu được chép trong hồi cuối cùng của “Tam quốc diễn nghĩa”. Tuy không phải là một nhân vật xuất hiện nhiều và được khắc hoạ đậm nét, song chỉ qua một vài suy nghĩ và hành động được nhắc đến, Dương Hựu đã nổi lên như một người cầm quân có tài thao lược. Hơn thế nữa, người đọc Tam quốc khi xem chuyện về Dương Hựu không thể không cảm phục vì sự trung quân ái quốc và liêm khiết chính trực của ông.

Qua câu chuyện về Dương Hựu, người đọc Tam quốc có thể dễ dàng nhận ra một điều rằng, mỗi quốc gia có trở nên hùng mạnh được hay không, không chỉ phụ thuộc vào người đứng đầu mà còn phụ thuộc rất nhiều vào những người phụng sự quốc gia ấy. Nước Tấn có một vị vua anh minh như Tư Mã Viêm, lại có những bề tôi tài giỏi và tận tuỵ như Dương Hựu, thì việc họ thống nhất được Trung Hoa, kể cũng không có gì là lạ!

Thơ rằng:
Dương Hựu ngày xưa tiến người tài
Đốt liền bản tấu chẳng công khai
Thiên hạ ngày nay nhìn mà ngẫm
Có thấy gì không, ai hỡi ai?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét