Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Khốn nạn cho nước Anh!



Số là ở nước Anh giãy chết, người ta có một cái thói quen rất sai trái là tổ chức chất vấn Thủ tướng vào thứ Tư hàng tuần. Ở trong phiên chất vấn đó, Thủ tướng Anh sẽ phải chổng mông chổng tĩ lên mà giải thích và bảo vệ các chính sách của mình, trong đó có chính sách kinh tế.

Và thứ Tư tuần này, người phải lên thớt cho chính giới đè ra chất vấn là bà Theresa May - người vừa được bầu vào chức Thủ tướng để thay thế người tiền nhiệm dại dột David Cameron mới từ chức cách đây chưa lâu.

Là người của Đảng Bảo thủ, bà May có trách nhiệm tiếp tục theo đuổi các chính sách về kinh tế của đảng này đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ - tức là lúc Đảng Bảo thủ giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử 2015 để đứng ra thành lập nội các. Và tất nhiên, bà May cũng chính là người lãnh nhiệm vụ lèo lái con thuyền kinh tế nước Anh sau khi rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.

Tuy chỉ mới lên nắm quyền điều hành Chính phủ được mấy hôm, nhưng bà May cũng đã bắt đầu gây ra những điều bại hoại cho nước Anh, thể hiện qua những số liệu mới tích cực về tăng trưởng kinh tế. Và hành trang để bà May đem theo khi bước vào phiên chất vấn đầu tiên trên cương vị Thủ tướng chính là những số liệu vớ vẩn đó.

Mở đầu phiên chất vấn, bà Theresa May, với nhận thức ngớ ngẩn của một người vừa lên nắm quyền được vài hôm, buông ngay ra một tràng những lời ngô nghê. “Tôi đã nói rõ rằng, Brexit nghĩa là Brexit. Và chúng ta sẽ thành công với điều này. Và điều cần làm trong đàm phán là tìm ra những điều khoản tốt nhất về trao đổi hàng hoá và dịch vụ có lợi cho người dân Anh” - bà May nói.

Ngay lập tức, bà May phải hứng luôn một rổ gạch đá từ các đảng chính trị đối lập. “6 năm thắt lưng buộc bụng của Chính phủ đã thất bại, mục tiêu kinh tế dài hạn đã không thành. Phải chăng đã đến lúc nên có một chính sách mới?” - thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đay nghiến.

Nhưng có vẻ những tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại không làm Theresa May trở nên khôn ngoan hơn. Với tố chất ngờ nghệch không khác gì người tiền nhiệm David Cameron, bà May lại buông ra những lời mà những người có lương tri thoạt nghe cũng đã không chịu nổi. “Chúng tôi sẽ không từ bỏ mục tiêu chấm dứt thâm hụt ngân sách, dù chưa thể hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Ông ấy (tức Jeremy Corbyn) gọi đây là “thắt lưng buộc bụng”, còn với tôi, đó là sống bằng những gì đang có, để con cháu chúng ta sẽ không còn chịu gánh nặng nợ nần” - bà May lu loa.

Và sau những lời ngớ ngẩn đó của bà May, cử toạ tham dự phiên chất vấn đã ngay lập tức bày tỏ sự phẫn nộ của mình bằng cách đứng dậy vỗ tay rầm rầm và không ngớt lời la ó “Yeah! Yeah!”. Có lẽ với các nhà hoạt động chính trị này, người ta không thể ngờ rằng Liên hiệp Vương quốc Anh lại có ngày sinh ra một Thủ tướng ngô nghê như bà May.

Ai đời, làm Thủ tướng một quốc gia có lịch sử giãy chết lâu đời như nước Anh mà lại tìm cách đàm phán để tìm ra những điều khoản trao đổi hàng hoá có lợi cho người dân? Ai đời, được bầu lên để thay thế một người tự ý từ chức Thủ tướng như David Cameron nhưng không chuyên tâm tìm cách tránh những sai lầm ngờ nghệch của người tiền nhiệm, mà lại bàn cách giảm gánh nặng nờ nần cho con cháu? Thế này thì có khác nào bắt bà cô của thị Nở nhận thằng Chí Phèo không cha không mẹ làm cháu rể, trời ơi là trời!

Và thế là phiên chất vất đầu tiên trên cương vị Thủ tướng đã kết thúc trong sự bẽ bàng của bà Theresa May. Bà ta lủi thủi cắp cặp rời nghị trường với những câu chào và nụ cười mãn nguyện của một người bị hạn chế về nhận thức. Đáp lại bà, chỉ có những thay đổi tích cực trên thị trường tài chính nước Anh với chỉ số footsie (FTSE 100) chốt phiên tăng thêm 0,47% và đồng Bảng Anh liên tục lên giá so với Đô la Mẽo…


Xem thêm:
- Good bye, David Cameron!
- Một thoáng Ốt-cha-lia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét