Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Lợn con, cây kéo và lọ hồ




Hôm nay vào Học viện Tài chính để dự lễ trao bằng thạc sỹ cho khoá cao học 2004. Vậy là sau gần 3 năm (tạm coi là) vất vả, cuối cùng mình cũng đã bước được thêm một bước trên con đường phổ cập giáo dục. (Lãnh đạo Bộ Giáo dục nghe câu này chắc không vui đâu, nhưng thiên hạ vẫn gọi học đại học là phổ cập giáo dục cấp IV và cao học là phổ cập giáo dục cấp V; mấy ông Bộ Giáo dục có giỏi thì đi mà bịt miệng thiên hạ). Thực ra cái buổi hôm nay cũng chỉ là cái cớ để các bạn bè cũ ở lớp cao học gặp lại nhau, nói những chuyện ba lăng nhăng mà ngày đi học vẫn nói, và bày những trò bù khú mà ngày đi học vẫn làm…

Sau một loạt nghi thức linh tinh và trao bằng cho từng tân thạc sỹ, buổi lễ đi vào hồi kết bằng một bài phát biểu khá dài của Giám đốc Học viện. (Không hiểu người ta suy nghĩ thế nào mà chuyển trường Tài chính từ University thành Academy, chứ mình vẫn thích gọi là Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội hơn Học viện Tài chính, thích gọi là thầy Hiệu trưởng hơn Giám đốc Học viện).

Ông Giám đốc nói rằng cho dù có những điều tiếng thế này thế nọ về đào tạo sau đại học ở Việt Nam, nhưng công bằng mà nói thì chất lượng đào tạo cũng tương đối tốt, bởi suy cho cùng, những thành tựu kinh tế nổi bật của đất nước trong những năm qua là nhờ vào sự đóng góp của ai nếu không phải là của các nhà khoa học, các nhà quản lý kinh tế do các trường đại học trong nước đào tạo ra, trong đó có Học viện Tài chính? (Ông ý nói nghe có vẻ hợp lý nhỉ?). Đương nhiên, ở nơi này nơi kia thì vẫn có những thạc sỹ, tiến sỹ chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế, mà nói thẳng ra thì họ chỉ có cái bằng chứ không có đủ lượng kiến thức tương xứng… (Ông này cũng khá thẳng thắn đấy!)

Ông Giám đốc còn nói nhiều lắm, không thể kể hết được, nhưng chung quy lại thì bài phát biểu của ông ấy chắc cũng làm cho nhiều người phải suy nghĩ.

Công bằng mà nói, mấy năm học cao học cũng không phải là không có tác dụng gì. Nếu không kể việc nhiều hôm đến lớp chỉ để tán hươu tán vượn lung tung, hoặc xin thầy giáo cho về sớm để đi nhậu nhẹt, hát hò… thì ngoài việc từ nay được công nhận tốt nghiệp phổ thông cấp V, ít nhất mình cũng đã quen được rất nhiều người bạn mới – mà như cổ nhân vẫn thường nói là “giàu vì bạn”.

Tuy vậy, nói đi rồi cũng phải nói lại, cho dù ông Giám đốc đã “ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các anh chị em trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu ở Học viện Tài chính”, thì mình vẫn không thể không thừa nhận rằng rất nhiều (nếu không muốn nói là phần đông) những người đi học cao học chỉ là để lấy bằng, còn trong suốt 3 năm cao học, họ hầu như chẳng học hành, nghiên cứu gì; đến khi làm luận văn thì cũng chỉ là sao chép, cắt dán ở đâu đó.

Đương nhiên không thể đánh đồng tất cả các thạc sỹ (và cả tiến sỹ nữa) vào với nhau bởi cũng có người miệt mài nghiên cứu thật sự, nhưng rõ ràng cách đào tạo sau đại học của Việt Nam hiện nay làm cho nhiều người được nhận những học vị mà họ không xứng đáng với nó. Bởi vậy nên bấy lâu nay nhiều đứa ác khẩu vẫn nói rằng thạc sỹ Việt Nam “như lợn con” (ặc, nói thế thì chả khác gì nói thạc sỹ Việt Nam vừa đông, vừa ngu như lợn – mà còn là lợn con mới đau chứ, thà rằng chúng nó bảo là “như lợn nái” hay “như lợn sề” có khi còn đỡ đau hơn); người khác thì nói rằng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chủ yếu là cut và paste (ơ, vậy thì tại sao ở Việt Nam, người vẫn lấy hình ảnh cái bánh xe lưỡi cưa, cây bút và quyển sách, hay hình ảnh các điện tử quay quanh hạt nhân làm lôgô của các trường đại học, các viện nghiên cứu hay các hội khoa học nhỉ? Lấy quách cái kéo và lọ hồ làm lôgô có phải là trực quan hơn không?). Chính ông cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục (bây giờ thì về vườn rồi) cũng đã từng phát biểu trước Quốc hội rằng hiện nay (tức là cách đây mấy năm rồi) có khoảng hơn 3.000 tiến sỹ (mình cứ lấy tròn là 3.000 đi), sau khi bảo vệ luận án xong thì không tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học nữa, mà chỉ đơn thuần làm công tác quản lý (nói khác là làm “sếp”); và mấy ông tiến sỹ này được xếp vào cái loại “không biết gì”. (Đương nhiên, làm luận án tiến sỹ xong mà không tiếp tục nghiên cứu khoa học nữa thì biết cái đếch gì; nhưng khổ nỗi, cho dù có ông tiến sỹ nào đó tiếp tục nghiên cứu đi chăng nữa, thì xã hội vẫn coi mấy ông tiến sỹ không công tác trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu là loại “không biết gì”).

Những năm tiếp theo, không biết giáo dục Việt Nam có gì chuyển biến hơn không, nhưng với chương trình đào tạo 2 vạn tiến sỹ đến năm 2020 của Bộ Giáo dục thì không biết sẽ có bao nhiêu tiến sỹ thuộc loại “không biết gì” bị sản xuất ra nữa. Mà đào tạo được một tiến sỹ có phải là tốn ít tiền đâu; ngoài khoản kinh phí ngân sách nhà nước cấp (nghe Tây đồn là khoảng 120 triệu/năm/nghiên cứu sinh) thì bản thân mỗi nghiên cứu sinh cũng phải nhịn ăn nhịn mặc bao nhiêu lâu mới có thể trang trải đủ thứ chi phí – “chìm” có, “nổi” có – để bảo vệ thành công một cái luận án tiến sỹ. Cứ cho là có nghiên cứu sinh nào đó nghiên cứu một cách nghiêm túc đi (chắc là phải tự mình cut – paste chứ không nhờ người khác), mỗi tuần có vài bữa không ăn cơm và mỗi tháng có vài ngày không mặc quần áo (ấy là mình tỉ dụ về một cách “nhịn ăn nhịn mặc” cụ thể và sinh động nhất), thì sau 4 – 5 năm trời ròng rã miệt mài nghiên cứu với phương pháp chủ yếu là đánh máy và cut – paste, họ sẽ được xếp vào số hơn 3.000 tiến sỹ “không biết gì” kể trên.

5 nhận xét:

  1. túm lại là, công thức sản xuất lợn con nhÆ° sau: cây kéo + lọ hồ+ 1 con lợn to trên bục giảng = 3000 con lợn con...công nhận năng suất cao, toàn lợn siêu nạc cả

    Trả lờiXóa
  2. Hờ, không biết thì ko có tá»™i, chứ Ä‘ã biết rồi mà vẫn tình nguyện đứng vào hàng ngÅ© lợn thì cÅ©ng phải xem xét đấy...

    Trả lờiXóa
  3. 1 PhD/3 nam = xap xi 100 nghin euro (day la tu thuc te cua toi, con co the thap hon, hoac cao hon, tuy vao tung loai hoc bong Ph.D)
    Nha minh 120 trieu /nam thi qua it...

    Trả lờiXóa
  4. Ông so sánh kiểu gì, 120 triệu đồng/năm má»›i chỉ là phần mà ngân sách nhà nÆ°á»›c cấp; ngoài ra còn có bao nhiêu thứ nữa cÆ¡ mà? Ông tưởng trong 4 năm làm nghiên cứu sinh, người ta hít khí trời mà sống hay sao?

    Trả lờiXóa
  5. ui, vậy là em má»›i phổ cập đến cấp IV thôi. muốn phổ cập cấp V mà chÆ°a biết học nÆ¡i Ä‘âu, chứ ngán thịt nhợn lém rùi. :D

    Trả lờiXóa