Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại


1. Thành Từ Châu bị vỡ, ba anh em Lưu Quan Trương thất tán. Lưu Bị chạy sang Kí Châu, sớm tối xui Viên Thiệu cất quân đánh Hứa Đô. Thiệu muốn khởi binh, Điền Phong can: “Trước Tào Tháo đánh Từ Châu, Hứa Đô bỏ trống chẳng nhân lúc ấy tiến quân. Nay Từ Châu bị phá, thế Tào đang mạnh, không nên khinh địch. Không bằng thong thả, đợi lúc nào có dịp tốt hãy hay!”.

Thiệu chần chừ không quyết, hỏi Lưu Bị. Họ Lưu nói: “Tào Tháo là giặc dối vua, nếu không đánh, sợ mất nghĩa lớn với thiên hạ”. Thiệu khen phải, rồi muốn khởi binh ngay, Điền Phong lại can. Thiệu giận nói: “Các ngươi hợm văn khinh võ, để làm tao mất nghĩa lớn hay sao?”

Điền Phong dập đầu xuống đất, nói: “Nếu không nghe lời nói phải của tôi, phen này xuất quân tất bất lợi”. Thiệu nổi giận toan chém Điền Phong, Lưu Bị cố can mới thôi, nhưng bắt Phong bỏ ngục[1].

Họ Viên mang quân ra đóng ở Quan Độ. Khi Viên Thiệu sắp cất quân đi, Điền Phong ở trong ngục dâng thư can: “Nay nên giữ vững để đợi thời. Không nên khinh thường cất đại binh đi, e có việc bất lợi”.

Phùng Kỷ, tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi, bơm đểu: “Chúa công dấy quân nhân nghĩa, sao Điền Phong lại nói lời chẳng lành?”. Thiệu giận lắm, muốn chém Điền Phong. Các quan cố can, Thiệu nói: “Để ta phá xong Tào Tháo đã, rồi sẽ trị tội nó!”.

2. Quân Thiệu và quân Tào đánh nhau to ở Quan Độ ròng rã cả năm trời chưa biết được thua. Sau họ Tào dùng mưu của Hứa Du, đem quân đến Ô Sào đốt hết lương thảo của Thiệu, quân Thiệu thua to. Tào Tháo thừa cơ đem quân mã đuổi theo họ Viên cùng đường. Thiệu đội khăn xéo, mặc áo đơn, dẫn tàn quân mà chạy.

Đêm ngủ lại dọc đường, Viên Thiệu nằm trong trướng, nghe tiếng bọn lính than khóc những nỗi mất anh, chết em, xa họ hàng, lìa bạn hữu. Người nào người ấy vỗ bụng than thở: “Nếu chúa công nghe lời Điền Phong, chúng ta đâu đến nỗi này!”. Thiệu nghe thấy, rất hối hận, nói: “Ta không nghe lời Điền Phong, binh thua tướng mất. Nay trở về, còn mặt mũi nào trông thấy hắn nữa”.

Hôm sau, Phùng Kỷ dẫn quân lại đón, Thiệu bảo: “Ta không nghe lời Điền Phong đến nỗi thua, bây giờ trở về, trông thấy hắn thật xấu hổ”. Phùng Kỷ nhân thể lại phát huy chuyên môn được đào tạo ở trường Thuỷ lợi: “Điền Phong ngồi trong ngục, nghe tin chúa công thua, vỗ tay cười to: Ta nói có sai đâu!”. Viên Thiệu cả giận, mắng: “Thằng hủ nho ấy lại dám nhạo báng ta, ta phải giết đi”. Nói rồi sai sứ cầm bảo kiếm đi trước về Ký Châu vào ngục giết Điền Phong[2].

Điền Phong đang ở trong ngục, một hôm cai ngục vào thăm nói: “Tôi xin vào mừng ông!”[3]. Phong hỏi: “Có việc gì đáng mừng?”. Cai ngục nói: “Viên tướng quân thua to mới về. Phen này ông sẽ được trọng dụng”. Phong cười: “Ta sắp chết thì có!”[4]. Cai ngục hỏi: “Ai cũng mừng cho ông, ông lại bảo ông sắp chết là nghĩa thế nào?”. Phong nói: “Viên tướng quân trông ngoài mặt thì khoan hoà nhưng trong bụng hay ghen ghét, không nghĩ đến người trung thành; nếu được mà mừng, may ra còn tha ta; nay thua tất hổ thẹn, ta còn mong sống sao được?”.

Cai ngục còn chưa tin, đã thấy sứ giả cầm gươm vào truyền lệnh Viên Thiệu đem Điền Phong ra chém[5]. Cai ngục giật mình. Phong nói: “Ta đã biết thế nào cũng chết mà!”. Bọn cai ngục ai nấy đều khóc thương. Điền Phong nói: “Làm thân đại trượng phu sống trong trời đất không biết kén chúa mà thờ, thật là ngu dốt, ngày nay chịu chết, còn thương tiếc làm chi!”.

Nói rồi tự vẫn ở trong ngục[6], ai nghe tin cũng than tiếc.

3. Nhắc lại câu chuyện trên, mọi người sẽ thấy, ở đời nào thì trên sân khấu chính trị cũng xuất hiện hai tuyến nhân vật là trung thần và gian thần (hoặc nịnh thần) - mà diễn viên trong vở kịch Quan Độ này là Điền Phong và Phùng Kỷ. Lịch sử chính trị đã chứng kiến trung thần và gian thần luôn xuất hiện cùng nhau và đấu tranh với nhau, lúc thì bên này được, lúc thì bên kia được. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc kẻ làm chủ là người sáng suốt hay u mê. Nếu kẻ làm chủ là minh quân thì thường phe gian thần sẽ yếu thế và rụt đầu như con rùa trong xó cửa, nhưng nếu kẻ làm chủ là hôn quân thì băng đảng gian thần sẽ lớn mạnh rất nhanh và sớm tối toa rập với nhau, tàn hại trung lương.

Có một vở kịch tương tự rất điển hình mà hầu hết các mọi người đều đã xem là vở kịch do Hoà Thân, Lưu Dung và Càn Long thủ vai, mà trong đó Lưu Dung cũng giống như Điền Phong, còn Hoà Thân thì giống như Phùng Kỷ. Chỉ có điều, trong vở kịch đó, Càn Long lại là người sáng suốt, nên dù Hoà Thân có dùng trăm phương ngàn kế dèm pha vẫn không thể hãm hại được Lưu Dung. Còn trong vở kịch mang tên Quan Độ, tiếc là Viên Thiệu lại không được như Càn Long, nên một đời trung trinh tiết liệt của Điền Phong cuối cùng lại kết thúc nơi tù ngục ẩm thấp, tối tăm cùng với chuột và gián.

Phùng Kỷ là đứa tiểu nhân, không thèm nhắc đến làm chi. Viên Thiệu nhu nhược và ngu muội nên chết không yên thân cũng đáng. Chỉ thương Điền Phong tài cao, học rộng nhưng trót làm thầy thằng dại nên cuối cùng cũng gánh lấy kết cục bi thảm.



Ảnh [1]: Viên Thiệu sai bắt Điền Phong bỏ ngục



Ảnh [2]: Viên Thiệu sai sứ giả cầm kiếm vào ngục giết Điền Phong




Ảnh [3]: “Tôi xin vào mừng ông!”




Ảnh [4]: “Ta sắp chết thì có!”




Ảnh [5]: Sứ giả cầm gươm vào truyền lệnh Viên Thiệu đem Điền Phong ra chém




Ảnh [6]: Điền Phong tự vẫn ở trong ngục

10 nhận xét:

  1. Có gì mà phải tiếc. Đã biết chú Thiệu toàn ngu muội, lại đang lúc anh hùng dụng võ, sao chẳng sơm sớm liệu đi? Cái này chỉ trách Điền Phong chết vì ngu chứ chẳng vì cái gì được cả

    Trả lờiXóa
  2. Ôi anh nói y như Điền Phong luôn! :)) Mà bây giờ anh chơi cả WP nữa à?

    Trả lờiXóa
  3. Cuộc đời nhiều ng thích chọn làm Hòa Thân hơn Lưu Gù A Solitaire

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai chẳng biết thế, nhưng tưởng làm được Hoà Thân mà dễ à? Biết nịnh cũng khó phết đấy chứ phải đơn giản đâu, vớ vẩn mà nịnh thô còn mang vạ vào thân ấy chứ! Hoà Thân kể cũng có tài đấy!

      Xóa
    2. Không phải chỉ có tài mà còn là thiên tài,anh ấy đã phát huy tối đa cái biệt tài nịnh nọt của mình để làm nên một việc phi thường(Giàu hơn cả vua !!!)

      Xóa
  4. Ông ah, ở bài này thì tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến bác FX Man. Chim khôn chọn chủ mà thờ, câu đó cổ nhân dạy từ xưa. Nên có trách là trách Điền Phong trước ấy, đã biết nó ngu mà cứ đâm đầu vào. Mà ở đây, anh Thiệu lại nghe lời xúi bẩy của anh Bị đóng dép - suy đến cùng anh Bị cũng chỉ vì quyền lợi của anh ấy thôi, chỉ tiếc là vì thế mà tàn hại một bậc trung lương. Còn kẻ tiểu nhân như Phùng Kỷ, Hòa Thân thì nhan nhản ở đâu cũng có, thời xưa cũng có mà thời nay lại càng nhiều. Điều quan trọng là cần tỉnh táo nhận ra đâu là bạn, đâu là thù để mà có cách xử trí thấu đáo. Ông hẳn đã đọc Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne chứ, thuyền trưởng Nemo đã có một châm ngôn rất ý nghĩa thực tiễn: Mobilis in mobile (Linh động trong một môi trường linh động). Tôi thích thế hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì tôi có bảo tôi ko tán đồng với FXMan đâu. Nhưng chẳng phải Điền Phong cũng đã tự nói như vậy rồi đó sao. Nói vậy chứ, chọn được chủ mà thờ cũng vất vả phết ông ạ, tôi tỉ dụ nhé, bây giờ tổ chức điều một tay bất tài nào đó về ngồi trên đầu ông, thì ông làm thế nào, bỏ việc à, hay xin sang bộ phận khác?

      Xóa
    2. Câu trả lời của tôi là: 1 - Nhảy việc; 2- Bất khả kháng: Làm đúng nhiệm vụ mình được phân công, ngoài ra ko bon chen nói thêm câu nào (Nói nó cũng đek hiểu kia mà). Quan hệ dừng mức xã giao. Hết.

      Xóa
    3. Đâu dễ vậy ông. Người ta là sếp của ông cơ mà, làm sao ông tránh được. Giống như Tào Tháo sai Quan Vân Trường đánh Viên Thiệu thì Quan Vân Trường dù muốn hay không vẫn phải đánh cơ mà! Ông cẩn thận không dẫm phải bãi phân mà Quan Vân Trường đã dẫm đó! :))

      Xóa
  5. Đọc xong cám cảnh chuyện Điền Phong
    Luận về tài trí ai bằng ông?
    Chỉ mỗi tâm cơ còn quá kém
    Nên nghề khanh tướng mới đi tong :(

    Trả lờiXóa