Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Chị Tâm, một dáng rồng bay


Chị dạy văn tôi thời trung học. Tiếng là học với chị mấy năm, nhưng thực ra bây giờ tôi cũng chẳng nhớ chị dạy tôi những gì, chỉ nhớ thi thoảng được chị chấm cho một vài điểm 6 hoặc 7, thay cho những điểm 5 mà tôi thường xuyên phải nhận khi học văn với ai kia.

Tối qua đi uống cà phê với chị. Chị kể chuyện có cô trò yêu nào đó của chị có nhu cầu kết bạn với một tiến sĩ già hói. Và chị bảo, chị đã đề cử tôi vào vị trí ấy.

Chả biết em học trò kia nói lại với chị dư lào, nhưng nghe nói mình được đề cử vào vị trí tiến sĩ già hói, tôi cay lắm. Làm gì mà tôi đã già. Đến như cô Mỵ trong tác phẩm gì mà có lần chị nhắc tới, mấy chục năm nay vẫn nhất mực quả quyết “Mỵ trẻ. Mỵ vẫn còn trẻ”, huống chi tôi còn ít tuổi hơn Mỵ rất nhiều. Và cố nhiên, tôi càng không bao giờ thèm hói.

Tôi cay chị lắm, nhưng không làm gì được, bởi nói như cô gì tên Nở trong tác phẩm gì mà chị cũng có lần nhắc tới, “con người ấy có quyền nói thế”. Tôi đành mang nỗi ấm ức đấy về nhà, leo lên giường đi ngủ.

Nửa đêm tôi tỉnh dậy, vớ điện thoại lướt một vòng Facebook thì thấy một xì ta tút vừa đăng của chị. Mon men vào coi thử, tôi thấy chị lại viết về một cô học trò yêu. Gớm ạ, không hiểu sao mà con người ấy lắm học trò yêu thế không biết!

Đọc một thôi một hồi, thấy chị nói về cái gì đó không rõ nhưng có hai chữ “hoan ca”. Thực ra, với một đứa có trình độ văn chương ở mức thường xuyên bị nhận điểm 5 như tôi, thì “hoan ca” là một cái gì đó vô cùng to tát, lớn lao, mơ hồ và rối rắm. Nôm na là tôi chẳng hiểu từ đó có nghĩa quái gì. Nhưng tôi nhớ là tôi đã từng gặp từ này ở đâu đó cách đây lâu lắm. (Hồi đó tôi mới đâu hăm bẩy hay hăm tám...)

​​Tôi tắt điện thoại để ngủ tiếp, vừa nằm vừa cố nhớ xem mình đã gặp anh Hoan (tức Hoan ca) ở đâu. Vật lộn mãi, tôi lờ mờ nhớ ra, trong một bài hát nào đó có cái câu, hình như là, “khúc hoan ca ngợp tâm hồn”, không chắc lắm.

Vui như đọc được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tôi vớ ngay điện thoại và vào Google gõ cái câu tôi vừa mới nhớ ra. Kết quả tìm kiếm của Google cho thấy tôi nhớ chả đúng đếch.

Tôi thay “ngợp” bằng “rợp”, nhưng tìm vẫn không ra. Xong tôi lại thay “tâm hồn” bằng “tấm lòng”, kết quả cũng không có gì thay đổi. Học văn dốt cũng có lúc phải cực khổ thế này đây!

Tôi ức lắm, ức còn hơn cả việc bị chị kêu là già hói. Đến như một người như anh Hoan mà tôi không thể nhớ ra đã gặp ở đâu, thì mong gì sau này được làm nên ông nọ bà kia. Bởi nói gì thì nói, thù dai là phẩm chất cao đẹp hàng đầu của các ông bà ấy. Mà muốn thù dai thì trước hết phải nhớ lâu.

Tôi lại tắt điện thoại đi và ngủ tiếp, vừa ngủ vừa cố lục trí nhớ để khẳng định mình có tố chất thù dai. Rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng ra tôi đi tắm, vừa gội đầu vừa nghĩ đến cái câu hát có từ “hoan ca” oan nghiệt kia. Và rồi không hiểu có phải vì nước lạnh và dầu gội đã làm tôi nhẹ đầu và tỉnh táo hơn không, nhưng tôi chợt nhớ ra, câu đó nằm trong bài “Việt Nam một dáng rồng bay” mà tôi có lần nghe Mỹ Linh hát đâu đó từ thời sinh viên.

Để không lặp lại sai lầm của Archimedes, tôi mặc quần áo xong mới chạy vào phòng lấy điện thoại để tra. Kết quả tìm kiếm của Google cho thấy, nguyên văn của câu đấy là “khúc hoan ca ngập tâm hồn”. “Ngập”, chứ không phải là “ngợp” hay “rợp” như chỗ bã đậu trong đầu tôi còn lưu lại.

Tuy hơi thẹn vì trình độ văn chương của mình, nhưng tôi cũng lờ mờ nhận ra rằng, việc thường xuyên bị xơi điểm 5 môn văn thời đi học, có nhẽ cũng chẳng phải là oan. Dẫu vậy, tôi vẫn không hết cay việc chị gọi tôi là già hói.

Nhưng tôi không đến nỗi quá thất vọng, bởi với một đứa có phẩm chất thù dai cao đẹp như tôi, biết đâu một ngày nào đó gặp được người có tài như Trạng Quỳnh giúp sức, tôi lại chẳng làm nên “ông nọ bà kia” thì sao.

Lúc đó thì việc đầu tiên tôi làm là tước ngay cái quyền đứng lớp của chị, chuyển chị sang làm lãnh đạo. Xem con người ấy lấy đâu ra học trò nữa mà bảo với chúng nó là tôi già hói!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét