Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Lưu Huyền Đức cứu Từ Châu


Bình định được Duyện Châu, Tào Tháo sai người đi đón cha là Tào Tung đang lánh nạn ở quận Lương Gia về đoàn tụ.

Lúc đoàn người đi ngang đất Từ Châu, quan thái thú ở đấy là Đào Khiêm muốn nhân dịp này để kết giao với Tào Tháo, nên sai bộ hạ đi theo hộ tống. Rủi cho Tào Tung là do đem theo quá nhiều của cải nên đã khiến đám bộ hạ của Đào Khiêm nổi lòng tham. Thế là đám loạn binh này ra tay lấy mạng cha của Tháo, cướp hết của cải rồi bỏ trốn.

​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​
​​Ảnh: Tào Tháo cho quân tàn hại bá tánh Từ Châu
Tào Tháo nghe tin cha mình bị hại thì đùng đùng nổi giận, xua đại quân ồ ạt tiến đánh Từ Châu. “Hễ đánh được thành trì nào, bao nhiêu dân trong thành phải đem giết nhẵn để báo thù cho cha ta” - Tháo hạ lệnh.

Đào Khiêm không may mắc phải nạn oan nhưng binh ít tướng yếu không đủ chọi nhau với Tào Tháo, đành phải viết thư đi cầu cứu khắp nơi. Chư hầu các xứ tuy đều biết Đào Khiêm là người ngay thẳng, nhưng không ai lại muốn gặp chuyện lôi thôi với họ Tào. Thành ra, chẳng ai dám phát binh cứu Từ Châu.

Bấy giờ, Lưu Huyền Đức đang làm huyện lệnh ở Bình Nguyên, thuộc đất của Công Tôn Toản. Nghe tin Từ Châu gặp nạn, Huyền Đức vội vã đến từ biệt Công Tôn Toản, rồi tự mình dẫn quân mã bản bộ vỏn vẹn chưa đến 3 nghìn người cùng với Quan Vũ, Trương Phi và Triệu Tử Long đi giúp Đào Khiêm.

Công Tôn Toản không muốn Huyền Đức gây thù chuốc oán với Tào Tháo nên ra sức khuyên nhủ, nhưng Huyền Đức không nghe. “Thiên hạ rộng lớn chỉ có thái thú Từ Châu là khoan dung đức độ nhất, thương dân như con. Ngay cả đến một vị thái thú đức độ như vậy mà còn không tồn tại được thì quốc gia này còn có hi vọng gì nữa” - Huyền Đức nói.

​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​
​​Ảnh: Huyền Đức cùng các tướng từ biệt Công Tôn Toản
Nhưng Huyền Đức mới chỉ giao tranh với quân Tào một trận nhỏ thì Tào Tháo đã vội lui binh, bởi bấy giờ cứ địa Duyện Châu của Tháo đang bị Lữ Bố tập kích. Vậy là bá tánh Từ Châu thoát khỏi nạn binh đao.

Thực ra thì việc Tào Tháo rút lui khỏi Từ Châu không hẳn là do sợ đội quân chưa đến 3 nghìn người của Huyền Đức, mà chủ yếu là do phải tập trung binh lực để chống nhau với Lữ Bố. Ví thử vào thời điểm ấy mà Lữ Bố không đánh úp Duyện Châu, thì chưa ai nói trước được là anh em Lưu Quan Trương có được thoả chí vẫy vùng không hay phải lên nóc tủ ngồi. Tuy nhiên, dù kết cục có là gì đi chăng nữa thì có một điều mà ai cũng phải ghi nhận, là Huyền Đức đã rất trượng nghĩa khi cất quân đi giúp Đào Khiêm.

Lẽ tất nhiên, Huyền Đức không phải là kẻ hồ đồ để không nhìn ra dã tâm của Tào Tháo muốn cướp bằng được đất Từ Châu để bành trướng thế lực. Huyền Đức cũng không phải là kẻ ngu để đến nỗi không nhận ra một điều rằng, nhiều chư hầu có thừa binh lực để cứu Từ Châu nhưng không ai muốn cứu. Và cố nhiên, Huyền Đức cũng thừa hiểu là đem đội quân chưa đầy 3 nghìn người của mình để chống nhau với quân Tào có đến hàng vạn thì cũng không khác gì đem trứng chọi với đá.

Nhưng Huyền Đức vẫn quyết tâm bênh vực Đào Khiêm. Lý sự của Huyền Đức nằm ở cái lẽ rất hiển nhiên mà thiên hạ ai cũng có thể nhìn ra - ấy là, phải cứu bá tánh Từ Châu vì họ không làm gì đắc tội với họ Tào. Nhưng lý sự của Huyền Đức còn nằm ở một cái lẽ khác mà chư hầu các trấn hoặc đã không nhìn ra, hoặc đã nhìn ra nhưng không ai thèm đếm xỉa - ấy là, phải giúp Đào Khiêm vì ông ta là người khoan dung đức độ, yêu dân như con.

Bởi tất cả những lẽ ấy nên bất chấp sự khuyên nhủ của Công Tôn Toản, bất chấp sự chênh lệch rõ rệt về binh lực giữa hai bên, Huyền Đức vẫn dẫn quân đến Từ Châu. “Ta khởi binh kháng Tào là lấy nhân chống bất nhân, lấy nghĩa chống bất nghĩa. Cho dù trận này thất bại, thì người đời vẫn thấy được: chính đạo bất vong, đại nghĩa vĩnh tồn” - tất cả lý sự của Huyền Đức chỉ gói gọn trong mấy lời mà ông nói với Triệu Tử Long trước khi xuất trận.

Câu chuyện kể trên được La Quán Trung chép khá kĩ trong “Tam quốc diễn nghĩa” và được các nhà làm phim tái hiện một cách sống động trong “Tân Tam quốc 2010”.

Trải qua mấy ngàn năm, hậu thế khi nhắc đến Lưu Huyền Đức, không ai là không biết câu chuyện này. Và thiên hạ có thể phê phán Huyền Đức ở điểm này điểm khác, nhưng không thể không khâm phục tinh thần xả thân vì nghĩa của ông.

Chỉ có điều, sau tất cả những sự xoay vần của thế cuộc, thiên hạ dù rất khâm phục Lưu Huyền Đức nhưng lại chẳng mấy ai học theo và làm được như ông, mà biểu hiện rõ ràng nhất là ngày càng có ít người dám lên tiếng để bênh vực lẽ phải, nhất là khi lẽ phải đó bị chà đạp bởi những kẻ quyền thế. Bởi thế nên, mỗi ngày ra đường, thiên hạ có thể bắt gặp rất nhiều chuyện bất bằng hoặc chướng tai gai mắt nhưng hầu như ai nấy đều khoanh tay giống như chư hầu các trấn đã làm khi được tin Tào Tháo đem binh cướp đất Từ Châu.

Nếu xét trên điểm này, thì thiên hạ dù có thể chê bai Lưu Huyền Đức nhiều điều nhưng chắc chắn sẽ không khỏi hổ thẹn khi nhớ đến cảnh ông dẫn 3 nghìn binh mã xông vào đám quân Tào đông hàng vạn để làm cái việc mà ông gọi bằng mấy từ không thể đúng hơn: “Ta ứng cứu Từ Châu chính là cứu lương tâm ở đời”.

Xem thêm:
- Lữ Bố và Điêu Thuyền - một thiên tình sử
- Thần thiêng cần quái gì bộ hạ!
- Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét