Thứ Năm, 3 tháng 7, 2025

Trời mưa


Sáng ra trời đổ cơn mưa
Tự dưng cảm thấy thèm dưa xào lòng
Nhưng đang ngồi ở văn phòng
Làm sao có thể chén lòng xào dưa?
Chờ cho đến bữa cơm trưa
Nhìn khắp cũng chả thấy dưa xào lòng
Ăn xong rồi lại về phòng
Chỉ mong có mấy mét lòng xào dưa!

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2025

Thi đại học là phải khó!


Nói gì thì nói, người tốt nghiệp đại học vẫn là người đảm nhiệm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn ở bậc cao. Vì vậy, đề thi tuyển đại học phải đảm nhiệm vai trò sàng lọc đầu vào cho các trường đại học, để đảm bảo mỗi sinh viên trúng tuyển phải thực sự đáp ứng được ngưỡng yêu cầu về kiến thức mà một người học đại học phải có. Điều đó có nghĩa đề thi đại học là phải khó!

Nếu đề thi đại học cứ dễ dãi quá, thì tuy đáp ứng được nhu cầu phổ cập đại học của cần lao cũng như duy trì được doanh thu và lợi nhuận cho nhiều trường đại học, nhưng sẽ tạo ra cho đất nước nhiều kỹ sư và cử nhân ngơ ngơ ngẩn ngẩn như trên trời rơi xuống, rốt cục vẫn phải chạy Grab hoặc đi học nghề sau khi đã nướng 4-5 trời của tuổi thanh xuân và vài trăm triệu đồng để được mang cái mác đại học. Những đề thi đại học khó sẽ giúp hạn chế tình trạng này.

Thêm vào đó, đề thi đại học khó cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc sàng lọc trước một bước cho các bậc đào tạo cao hơn như thạc sỹ, tiến sỹ, bởi dù sao thì để được thi tuyển/xét tuyển vào các bậc học này, các ứng viên cũng đã phải vượt qua kỳ thi đại học đầy chông gai trước đó và hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu về trình độ nhận thức và năng lực chuyên môn của người tốt nghiệp đại học.

Chứ thả lỏng đề thi đại học thật dễ ý mà, ngoài việc tạo ra các kỹ sư và cử nhân mang đặc điểm của Thiên Lôi (chỉ đâu đánh đó), thì với việc tuyển sinh cao học và nghiên cứu sinh cởi mở như ĐBQH Nguyễn Anh Trí phản ánh, nền dáo giục nước nhà lại sẽ tạo ra không ít thạc sĩ và tiến sĩ mà năng lực chuyên môn và khả năng xử lý công việc còn thua cả những người chỉ học hết bậc đại học ở những trường thi tuyển/xét tuyển đầu vào một cách nghiêm ngặt.

Bởi vậy nên, vì một tương lai tươi sáng hơn cho sự nghiệp đào tạo nhân lực trình độ cao của nước nhà cũng như để hạn chế lãng phí nguồn lực của xã hội, thì cần lao An Nam cũng nên vui vẻ làm quen dần với việc tỷ lệ tốt nghiệp đại học trong lực lượng chạy Grab sẽ bị sụt giảm đáng kể trong vài năm tới.

Chứ để gia đình và họ hàng vui vẻ và tự hào được ít chốc nhưng rồi con em của cần lao vẫn phải chạy Grab sau khi đã phải chi hàng trăm triệu để học đại học í mà, thì khéo lúc đó cần lao và con em họ chửi còn khỏe hơn khi bốc phải bộ đề thi đại học khó nhằn năm nay!

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2025

Học chuyên Hóa...


Nhân chuyện một ông cháu vừa thi đỗ chuyên Hóa, tôi lại nhớ chuyện một ông em chọn thi chuyên Hóa hồi xửa hồi xưa, khi tôi mới bước vào nghề bóp cổ người ta mà lấy lãi, hay nói hoa mỹ hơn, là làm ngân hàng.

Số là ông em không biết học chuyên Hóa thì hay dở thế nào, nên mới đè tôi ra để tham vấn.

Tôi liền hỏi, sau này em định theo nghề nào. Ông em đáp, muốn theo nghề của anh.

Tôi mới bảo, là nếu theo nghề ngân hàng thì học chuyên Hóa chỉ tổ phí công. Tôi giải thích thêm, học 3 năm chuyên Hóa cũng giống như yêu say đắm một cô gái trong 3 năm liền, xong đến khi lên đại học lại học ngành chẳng liên quan gì môn Hóa nữa, thì có khác gì đá đít cô gái mà mình đã yêu 3 năm đâu?

Mặc cho tôi đã nói đến vậy, nhưng chắc ông em chưa đá đít cô gái nào, hoặc chưa bị cô nào đá đít, nên chưa hình dung ra việc từ bỏ môn chuyên sau 3 năm theo đuổi sẽ làm ra sự hụt hẫng hay tiếc nuối dư lào. Rốt cục, ông vẫn chọn học chuyên Hóa và theo ngành ngân hàng của tôi.

Đến hôm rồi, một ông cháu chọn học chuyên Hóa. Tôi mới bảo, học chuyên gì mà sau này còn dùng được nhiều thì hẵng học, chứ học chuyên Hóa thì lại chẳng dùng được bao nhiêu.

Nếu học Văn, người ta sẽ biết viết đơn xin nghỉ phép, viết bản kiểm điểm cuối năm, viết biên bản cuộc họp, viết báo cáo các loại, biết tên của ông tiên Điền không phải là Điền mà là Nguyễn Thị Tố Như, biết khi muốn chế giễu ai thì chỉ cần nói với anh ta: U!…

Nếu học Toán, người ta sẽ biết đo diện tích nhà, đo chu vi 3 vòng, cộng trừ nhân chia các khoản tiền phải trả, tính tiền nhậu, biết tính toán quy mô quỹ đen, ước số tiền phải ăn cắp của vợ…

Nếu học Lý, người ta sẽ biết sửa bóng đèn, đấu phích cắm, chọn ổ cắm phù hợp công suất thiết bị, lắp pin đúng chiều vào bộ điều khiển từ xa…

Nếu học Sử, người ta sẽ biết 2 bà Trưng tên gì, Lý Thường Kiệt họ gì, biết Quang Trung và Nguyễn Huệ là 1 người chứ không phải 2 người, biết quân Mông khác với đồng bào Mông, biết ngày Quốc khánh, ngày giải phóng miền Nam để lên lịch nghỉ làm đi chơi…

Nếu học Địa, người ta sẽ biết Hà Đông ở cạnh hay ở trong Hà Tây, biết Hà Bắc và Hà Nam có ở cạnh nhau không, biết Mỹ khác Châu Mỹ và Nga khác Liên Xô dư lào, biết muốn xem trym cánh cụt thì phải đến Bắc Cực hay Nam Cực, biết Thái Bình Dương có phải là một vùng biển của tỉnh Thái Bình hay không…

Nếu học Sinh, người ta sẽ biết không phải hễ mọi người Kinh đều có mông thì mọi người Mông đều có kinh, biết em bé được sinh ra ở gần rốn chứ không phải ở nách, biết cầm tay hoặc hôn nhau thì không có em bé, biết muốn có em bé thì phải làm gì nếu không kiếm được nước trong sọ dừa hoặc vết chân lạ…

Nếu học Tin, người ta sẽ biết oánh máy 10 ngón như một, biết cài các phần mềm trên máy tính, biết cách tải các clip của Ngô Thanh Vân hoặc Phương Mỹ Chi, biết cách vượt tường lửa để vào Facebook…

Trong khi đó, suốt bao nhiêu năm học Hóa, mặc dù đến giờ này vẫn có thể đọc ông ổng “Bài ca hóa trị”, nhưng tôi cũng chưa có dịp nào sử dụng đến những kiến thức lớn lao và to tát đó vào trong đời sống hàng ngày, ngoài việc thi thoảng pha nước xà phòng cho con thổi bong bóng.

Lẽ tất nhiên, nếu cần pha axit để oánh ghen, thì tôi cũng biết là nên đổ axit vào nước chứ không phải đổ nước vào axit. Nhưng nói như cụ Thi hay cụ Cận, thì “mùa thu nay khác rồi” và “hôm nay xã hội đã lên đường”, nên khi gặp tình địch thì tôi cũng chỉ cần oánh son hoặc oánh phấn, chứ hơi đâu mà oánh ghen, phỏng ạ?

Thế thì, nếu không có ý định hoặc khả năng thi vào các lớp chuyên khác, thà các cháu cứ học luôn các lớp đại trà cho nó nhàn cái thân. Chứ mất công ôn luyện bao nhiêu lâu mới đỗ vào chuyên Hóa, rồi mất công yêu môn Hóa đắm đuối những 3 năm, mà ra trường lại không thi vào khoa Hóa của Đại học Văn hóa hoặc không làm ở cửa hàng bách hóa hay tạp hóa, thì học chuyên Hóa cũng có tác dụng gì ngoài việc pha nước xà phòng để thổi bong bóng đâu. Phỏng ạ?

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2025

Bữa nay thứ Sáu mười ba



Bữa nay thứ Sáu mười ba
Bỗng dưng thời tiết rất là dở hơi
Làm dân nhiều tỉnh phải bơi
Chỉ vì lượng nước ông giời ban cho
Đang khi nhiều thứ phải lo
Không dưng ông lại giở trò làm mưa
Dân kêu, ông thấy sướng chưa?
Sướng rồi thì bớt làm mưa tôi nhờ!

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2025

Nga La Tư...



Về Nga La Tư thì có rất nhiều thứ để nói.

Đầu tiên phải kể đến, là Nga La Tư có diện tích rộng vô đối, trải từ châu Á sang châu Âu. Đất nước lớn nhất thế giới này đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học lỗi lạc như Lô Mô Nô Xốp, Men Đê Lê Ép, Kô Va Lép Xì Kai A, nhiều thi hào và văn hào như Pút Sờ Kin, Mác Xim Góc Ky, Lép Tôn Xì Tôi, nhiều danh tướng như Cu Tu Dốp, Du Kốp… Đặc biệt, Nga La Tư đã sinh ra một người nổi tiếng đến nỗi mà ảnh chân dung và tượng đài của ông được treo hoặc đặt ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như Việt Nam, đó là Vờ La Đi Mia I Lích U Li A Nốp, hay thường gọi là Lê Nin…

Nga La Tư là một dân tộc kiên cường và anh dũng. Điều này có thể nhận thấy khi nhìn lại sự kiện quân và dân Nga La Tư đã nhất thì bét chơi sát ván với quân đội thiện chiến bậc nhất châu Âu của Nã Phá Luân (hay còn gọi là Na Pô Lê Ông Bôn Na Pát), khiến đội quân lừng lẫy này phải thua nhục rút chạy. Đặc biệt, trong Thế chiến thứ 2, Nga La Tư gần như đã cân cả Phe Đồng Minh để choảng nhau với Phe Trục, và đã có đến hơn 20 triệu quân và dân của Liên Xô (mà thành phần chủ yếu là Nga La Tư) đã ngã xuống để cứu châu Âu và thế giới thoát khỏi nạn phát xít.

Sau chiến thắng đầy bi thương nhưng cũng rất oai hùng đó, người Nga La Tư đã xây dựng đất nước của họ thành xứ sở được hàng tỷ người trên thế giới ngưỡng mộ và ao ước. Xứ sở Bạch Dương - cách gọi khác của Nga La Tư - trong những năm tháng huy hoàng và thịnh vượng nhất, đã được coi như một “thiên đường trên mặt đất”, một nơi tưởng như người dân đã có thể làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu - tức là đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Và với lượng của cải làm ra dồi dào, cùng với bản tính tốt bụng vốn có, người Nga La Tư đã phóng tay giúp đỡ nhiều quốc gia khác phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân hoặc tăng cường tiềm lực quân sự… Sự rộng rãi của Nga La Tư thời huy hoàng ấy có thể được nhận ra qua việc người ta dịch 4 chữ CCCP (tên viết tắt của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết - theo tiếng Nga La Tư) thành “Các Con/Cháu/Cô/Chú/Cụ Cứ Phá” hay “Càng Cho Càng Phá” hoặc qua câu nói cửa miệng, “có gì Liên Xô chịu”.

Bởi Nga La Tư có ưu thế về kinh tế, chính trị, quân sự cũng như khoa học - kỹ thuật và giáo dục - đào tạo, nên tiếng Nga La Tư cũng theo đó mà được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia. Hẳn những người Việt từng học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhớ 2 quyển sách dày cộp được in bằng giấy rất đẹp với những hình minh họa ngộ nghĩnh và đáng yêu có tựa là “Tiếng Nga - Quyển 1” và “Tiếng Nga - Quyển 2”. Và nếu đã từng học những quyển sách Nga La Tư ấy thì ít nhiều các học sinh cũng còn nhớ một vài từ hay câu đại để như “dờ ra xờ vui chè” (xin chào), “đa xờ vui đa nhè” (tạm biệt), “xờ ba xi bờ” (cám ơn), hoặc “Cờ tô ê tơ? Ê tơ Vô Va” (Đây là ai? Đây là Vô Va) hay “Sờ tô ê tơ? Ê tơ da vốt” (Đây là cái gì? Đây là nhà máy)...

Giống như nhiều ngôn ngữ khác thuộc hệ Xì La Vơ, tiếng Nga La Tư có rất nhiều từ - nhất là danh từ chỉ tên riêng - chứa những vần U, Ốp, Ép, Ét, Ích… Cấu trúc này của các danh từ tiếng Nga phổ biến đến nỗi nhiều người Việt cũng bị nhầm là người Nga La Tư chỉ vì được gán cho những cái tên đại loại như Cu Nhét Xốp (Kuznetsov) hoặc Cu To Như Phích (Kutonufik)…

Không chỉ vậy, sự phổ biến của cấu trúc ngữ âm kể trên thậm chí còn làm cho nhiều người, mặc dù chỉ nói hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhưng lại bị hiểu nhầm là giao tiếp bằng tiếng Nga. Căn nguyên, cũng chỉ bởi câu nói của họ chứa những từ có cấu trúc ngữ âm kiểu Nga La Tư, đại để như “Y móc cu ra đốp” (Yamokuradov) hay “Cô banh ra tôi nhét” (Kobanratoynet)…

---
(*) Các tên riêng được sử dụng trong bài:
- Nga La Tư: Russia
- Lô Mô Nô Xốp: Mikhail Vasilyevich Lomonosov
- Men Đê Lê Ép: Dmitri Ivanovich Mendeleev
- Kô Va Lép Xì Kai A: Sofia Vasilyevna Kovalevskaya
- Pút Sờ Kin: Aleksandr Sergeyevich Pushkin
- Mác Xim Góc Ky: Maksim Gorky
- Lép Tôn Xì Tôi: Lev Tolstoy
- Cu Tu Dốp: Mikhail Illarionovich Kutuzov
- Du Kốp: Georgy Konstantinovich Zhukov
- Vờ La Đi Mia I Lích U Li A Nốp (Lê Nin): Vladimir Ilyich Ulyanov (Lenin)
- Na Pô Lê Ông Bôn Na Pát (Nã Phá Luân): Napoléon Bonaparte

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2025

Điểm báo 27/4/2025


1. Con trai của tướng McNa-
mara tìm hiểu người cha của mình
Vì sao ngày trước bại binh
Mới hay Việt Cộng tài tình lắm đa.

2. Vài lần sử dụng con tim
Một anh sẽ được ở tù 9 năm
Lý do là trót ăn nằm
Với người cách tuổi trăng rằm khá xa.

3. Muốn cho cảm hứng lên cao
Thì nên nói chuyện dư lào khi “yêu”?
Chuyên gia chia sẻ đôi điều
Tin chắc các cụ ít nhiều muốn nghe.

4. Một anh táo tợn cặp bồ
Bằng cách tâm sự với đồ… ây ai (AI)
Khiến cho cô vợ khóc dài
Trách than duyên phận bởi ai có bồ!!!???

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2025

Điểm báo 23/4/2025


1. Người dân không muốn gửi tiền
Làm ngân hàng thấy muộn phiền, âu lo
Vậy đâu là những lý do?
Bài đây, các cụ xem cho tỏ tường.

2. Báo đưa nghi phạm Vũ Văn
Lịch do quá muốn được ăn cơm tù
Đã làm một việc rất ngu:
Vào ngân hàng cướp, cho dù nhát gan.

3. Liền ông cùng với liền bà
“Ấy nhau” trực tiếp chắc là rất phê
Nhưng mà giới trẻ lại mê
Phịch qua hình ảnh - vấn đề hiện nay.

4. Mới đây, ở huyện Long Hồ
Một ông chắc muốn cho bồ phê hơn
Nên quất vỉ thuốc sạch trơn
Rồi lên nóc tủ sau cơn máu nhồi…

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2025

Nội soi


Bữa nay đi khám nội soi
Kiểm tra các thứ để coi như nào
Người ta dùng kỹ thuật cao
Vạch mông chọc phát, ngoáy vào bên trong
Chừng đâu hơn tiếng là xong
Kéo quần đứng dậy, thong dong đi về…

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

Giỗ tổ Hùng Vương


Ngày xưa y học nước nhà
Hình như phát triển rất là khẩn trương
Thế nên mười tám Hùng Vương
Mỗi vua thọ đến dễ thường vài trăm
Trải qua hơn bốn nghìn năm
Ngày nay y tế không nhằm thủa xưa
Người ta thọ cũng vừa vừa
Chỉ vài chục tuổi, gió đưa về trời
Nhưng khi còn sống trên đời
Người Nam ai cũng thuộc lời ca dao
Dù đi xuôi ngược thế nào
Đều luôn ghi nhớ nhằm vào tháng ba
Ngày mười theo đúng lịch ta
Giỗ mười tám vị gọi là Hùng Vương
Hai từ “Quốc tổ” thân thương
Bốn nghìn năm đã chỉ đường dân ta
Yêu thương, đoàn kết một nhà
Bởi chung dòng giống, ấy là rồng tiên
Bài thơ mới được em biên
Kính mời các cụ xem liền cho vui
Đúng sai âu cũng hên xui
Không ưng thì hãy ngậm ngùi cho qua!

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

Vận dụng Tam quốc vào việc kiểm kê hàng tồn kho


Hồi bé tôi có đọc được ở đâu đó câu chuyện về việc thi tài giữa Quan Vũ và Trương Phi khi kết nghĩa vườn đào.

Số là khi ba anh em Lưu Quan Trương kết nghĩa, Lưu Bị lớn hơn cả nên được tôn làm đại ca. Còn Quan Vũ và Trương Phi thì bằng tuổi nhau nhưng chẳng ai chịu làm em cả, nên buộc phải thi tài để chọn ra người làm anh. Mỗi người được Lưu Bị phát cho một con lợn, một cái cân, một sợi dây, một bìa đậu phụ và một bó rơm.

Bài thi đầu tiên, là thi ném rơm xa. Trương Phi cầm một sợi rơm ném phát về trước mặt, nhưng sợi rơm không những chẳng bay được tẹo nào mà còn gió tạt ngược lại, còn Quan Vũ thì túm cả bó rơm quăng phát, xa cả trượng. Trương đành thua bài thứ nhất.

Bài thứ hai, là cân bìa đậu phụ. Trương Phi lấy dây buộc bìa đậu phụ để cân, nhưng buộc kiểu gì cũng không được mà lại còn làm bìa đậu phụ nát bét. Đến lượt mình, Quan Vũ buộc con lợn lên cân trước, sau đó cho con lợn ăn bìa đậu phụ rồi buộc lên cân lại. Kết quả hai lần cân lợn giúp Quan tính được trọng lượng bìa đậu phụ.

Bài thứ ba, là đếm lông con lợn. Trương Phi xắn tay, vạch lông con lợn ra đếm cả buổi, nhưng rốt cục cũng không đếm xuể trên mình con lợn có mấy sợi lông. Đến lượt Quan Vũ, thay vì hì hục đếm, ông đọc ra luôn số lông trên mình con lợn, đại để đâu đó 3 vạn 9 nghìn sợi. Khi Trương Phi tỏ ý nghi ngờ về con số mà Quan Vũ đưa ra, thì Vũ nói Phi có thể tự kiểm tra bằng cách đếm lại lông con lợn.

Trương Phi thua cả 3 keo, đành chịu làm em út.

Sau này đi làm, tôi có dịp đứng lớp ở một khóa tập huấn nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu cho cán bộ tín dụng của các chi nhánh ngân hàng…

Cán bộ tín dụng các chi nhánh tỏ ra trăn trở về việc kiểm kê lượng hàng tồn kho mà các doanh nghiệp vay vốn dùng làm tài sản bảo đảm tiền vay. Theo quy định thì phải thường xuyên kiểm tra tài sản bảo đảm, nhưng cán bộ tín dụng tự đi đếm hàng trong kho thì tất nhiên không đếm xuể, mà nếu thuê các đơn vị chuyên nghiệp kiểm đếm, thì không kinh phí nào có thể chịu nổi…

Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi được đưa ra, tôi kể cho các anh chị học viên nghe chuyện Lưu Quan Trương kết nghĩa vườn đào. Đoạn xui các anh chị thay vì hì hục đếm từng kiện hàng trong kho, hãy ước lượng số hàng dựa trên dung tích kho chứa, và sau đó kiểm tra lại giá trị dựa trên số phát sinh và số dư các tài khoản chi phí (621, 622, 627…) và các tài khoản hàng tồn kho (154, 155, 156…).

Với bản lãnh của một người đọc Tam quốc thì nhớ rõ lâu, mà đọc sổ tay nghiệp vụ thì chẳng nhớ có chỗ nào dạy kiểm kê hàng tồn kho, tôi cũng chỉ biết xui các anh chị đến mức như vậy.

Chứ bảo tôi hay bất kỳ cán bộ tín dụng nào của ngân hàng xắn tay lên mà đếm từng kiện hàng trong kho của doanh nghiệp vay vốn, thì có khác gì bảo Quan Vũ và Trương Phi đè con lợn ra mà thi đếm lông, phỏng ạ?