Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Chuyện Quan Vũ đánh Tương Dương - Phàn Thành



Ngày xưa ở đất Kinh Châu
Có anh Quan Vũ bộ râu rất dài
Múa đao, cưỡi ngựa đều tài​[1]
Trong tay tướng khoẻ có vài chục viên

Một hôm có sứ trong Xuyên[2]
Cầm theo cờ tiết[3], cưỡi thuyền đến Kinh
Châu, sai Quan Vũ khởi binh
Tấn công Tào Nguỵ thình lình một phen[4]

Họ Quan cẩn thận vốn quen
Liền sai một đám lính quèn khéo tay
Vẽ đài phong hoả[5] rồi xây
Phòng khi giặc đến bao vây bất ngờ[6]

Xong xuôi, gióng trống mở cờ
Dẫn quân ruổi thẳng đến bờ Tương Giang[7]
Đang đi, có đứa réo vang:
“Bẩm anh! Có khói bốc đàng Kinh Châu”

Họ Quan trợn ngược cả râu:
“Chạy nhanh về cứu cho mau, chúng mày!”
Nói xong quất ngựa như bay
Chỉ trong chớp mắt về ngay thành nhà

Ngờ đâu chẳng có thằng ma
Nào bên phe giặc la cà quanh đây
Chẳng qua khói toả như mây
Bởi vì bọn lính thui cầy bằng rơm

Họ Quan tức ói cả cơm
Chỉ ngay mặt bọn đốt rơm thui cầy:
“Từ nay tao cấm chúng mày
Bày ra đánh chén thứ này trong quân

Đứa nào thượng lệnh bất tuân
Thì tao đá đít rách quần lòi ch*m!”
Bọn kia sợ quá đứng im
Họ Quan đắc ý, lim dim mơ màng

Xong xuôi mọi việc sẵn sàng
Ba quân tiến thẳng phía đàng Tương Dương
Đánh cho quân Nguỵ trọng thương
Phải quăng giáp trụ, tìm đường trốn ngay

Họ Quan được dịp ra tay
Chỉ huy quân mã bao vây Phàn Thành
Tào Nhân[8] binh pháp tuy rành
Nhưng vì sức yếu nên đành im re

Đoạn sai sứ giả chèo ghe
Về xin cứu viện của phe họ Tào
Thằng kia vâng lệnh nháo nhào
Bơi luôn một mạch thẳng vào Hứa Xương[9]

Tìm ngay đến phủ Nguỵ vương[10]
Khẩn xin điều động binh lương ra liền
Tào Man[11] hạ lệnh Lã Kiền
Đi theo Từ Hoảng ra miền Phàn - Tương[12]

Lã, Từ võ diễu oai dương
Điểm binh khai pháo lên đường đi ngay
Tào Man lại nghĩ: “Có tay
Họ Tôn trợ giúp, việc này mới xong”[13]

Đoạn y liền viết một phong
Thư, rồi sai kẻ tuỳ tòng hoạt ngôn:
“Chú sang nói với họ Tôn
Đánh cho thằng Vũ cạp *đất* mà ăn!”

Kẻ kia sửa soạn gói khăn
Chạy sang Kiến Nghiệp[14], giở văn thế này:
“Quyền ơi! Anh nghĩ chú mày
Thừa sức đánh gã mặt dày họ Quan”

Tôn Quyền nghe nói hân hoan
Liền sai quân mã mấy đoàn đi mau
Bao vây tứ phía Kinh Châu
Khua chiêng gióng trống đánh nhầu một phen

Trong thành liền nổi lửa lên
Khói bốc mù mịt ở trên hoả đài
Báo cho Quan Vũ bên ngoài
Dẫn quân về kíp đánh loài “chó Ngô”[15]

Bấy giờ đã hết mùa khô
Họ Quan đang tấn công vô Phàn Thành
Bỗng nghe lính báo thất thanh:
“Anh ơi, có khói ở thành Kinh Châu!”

Họ Quan đủng đỉnh vuốt râu:
“Bọn kia thui chó chứ đâu việc gì
Chúng bay đừng quá đa nghi
Cứ yên tâm bám thành trì ở đây!”

Kinh Châu bốn phía bị vây
Không ai cứu viện, bó tay ra hàng
Quân Ngô thừa thắng, sẽ sàng
Tấn công Quan Vũ từ đàng phía sau

Họ Quan đang mải đánh nhau
Với quân Tào Nguỵ, biết đâu việc này
Bao vây, công phá đêm ngày
Chẳng cho quân Nguỵ ngơi tay phút nào

Bỗng nghe có tiếng lao xao
Quân Ngô đang tấn công vào rất hăng
Phàn Thành bốn cửa mở phăng
Quân Tào có mấy vạn thằng xông ra

Lại trông ở phía đằng xa
Lã Kiền, Từ Hoảng hò la đánh vào
Họ Quan như chuột cùng sào
Bị vây khắp lối, trách nào chả thua

Nguỵ, Ngô hai nước thi đua
Đánh cho Quan Vũ te tua áo quần
Bấy giờ năm tám tuổi xuân[16]
Họ Quan bị chém, ba quân quy hàng

Chuyện xưa chép đã rõ ràng
Hôm nay kể lại, hầu làng cho vui
(Đúng sai là việc hên xui
Bà con cũng biết tính tui rồi mà!)

-----
[1] Quan Vũ thường được nhắc đến với thanh long đao nặng 80 cân và con ngựa xích thố ngày đi ngàn dặm không mỏi
[2] Xuyên: tên dùng để chỉ chung vùng Tây Xuyên và Đông Xuyên, hai vùng đất thuộc quyền cai quản của Lưu Bị
[3] Cờ tiết: loại cờ dùng để truyền đạt mệnh lệnh của vua
[4] Tam quốc diễn nghĩa - Hồi 73 chép rằng, Lưu Bị nghe tin Tào Tháo và Tôn Quyền liên kết với nhau định đánh Kinh Châu nên sai Quan Vũ cất quân đánh Tương Dương - Phàn Thành trước để thị uy
[5] Đài phong hoả: nơi đốt lửa để cho khói bốc lên nhằm báo tin có tình huống nguy cấp. Đài phong hoả được nhắc đến lần đầu tiên trong truyện Đông Chu liệt quốc, khi Chu U Vương sai đốt lửa ở đài phong hoả Ly Sơn lừa gọi chư hầu đem binh đến cứu thiên tử, nhằm mua vui cho Bao Tự
[6] Trước khi cất quân đi đánh Tương Dương - Phàn Thành, Quan Vũ sai xây nhiều phong hoả đài ở Kinh Châu và dặn quân giữ thành nếu bị Đông Ngô tấn công thì đốt lửa làm hiệu để Quan Vũ dẫn quân về cứu
[7] Tương Giang: con sông chảy qua gần thành Tương Dương
[8] Tào Nhân: một tướng giỏi của quân Nguỵ, được Tào Tháo sai trấn thủ Tương Dương và Phàn Thành
[9] Hứa Xương: nơi Tào Tháo đóng đô
[10] Nguỵ vương: tước vị của Tào Tháo
[11] Tào Man, hoặc Tào A Man: tên gọi khác của Tào Tháo
[12] Sau khi Quan Vũ công hạ Tương Dương và đánh bại 7 đạo quân Tào, Tào Tháo liền sai Từ Hoảng làm đại tướng, Lã Kiền làm phó tướng, dẫn 5 vạn quân ra cứu Tào Nhân
[13] Tam quốc diễn nghĩa - Hồi 75 chép rằng, Tào Tháo sai sứ sang Đông Ngô xui Tôn Quyền cất quân đánh tập hậu Quan Vũ, hứa rằng khi nào thành việc sẽ cắt đất Giang Nam phong cho Tôn Quyền
[14] Kiến Nghiệp: nơi Tôn Quyền đóng đô
[15] Chó Ngô: cách gọi miệt thị của Quan Vũ đối với người Đông Ngô. Tam quốc diễn nghĩa - Hồi 73 chép rằng, khi Tôn Quyền sai người sang Kinh Châu cầu hôn con gái của Quan Vũ cho con trai của Tôn Quyền, Quan Vũ đã nổi giận mắng rằng: "Con gái ta, ví như loài hổ, lại thèm gả cho con loài chó à!"
[16] Quan Vũ bại trận, bị quân Ngô xử tử năm 58 tuổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét