Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

Em họ


Khi tớ bắt đầu vào trung học và nhà dì tớ chuyển từ quê lên thành phố thì tớ mới biết đến đứa em họ của mình. Tuy dì và dượng tớ đều là trí thức nhưng vì sống ở nông thôn lâu ngày nên dì dượng đã gửi gắm tình yêu ruộng đồng, cỏ cây vào đứa em họ tớ bằng cách lấy tên một loại phân bón để đặt cho nó - Lân, nghe vừa giản dị, lại vừa gần gũi.

Ấn tượng đầu tiên của tớ về Lân là vẻ bề ngoài của nó. Em họ tớ có đôi mắt rất sáng, mái tóc đen và nước da trắng trẻo chứ không đen nhem nhẻm như mấy đứa chăn trâu ở nhà quê mà tớ từng gặp. Còn đôi bàn tay của nó thì nõn nà với những ngón tay dài mà cho đến bây giờ tớ vẫn tin là nhiều thằng con trai mới lớn ước ao được cầm...

Em họ tớ rất hiền và ít nói; ngoài những lúc buộc phải chứng minh mình không bị câm, cả ngày hầu như nó chẳng nói năng gì. Tuy nhiên, ngoài cái vẻ bề ngoài ưa nhìn và tính tình hiền lành, em họ tớ là một đứa vô tích sự. Trong khi những đứa con gái khác bằng tuổi nó đã biết giúp bố mẹ lo toan, gánh vác việc nhà thì em họ tớ chẳng biết làm gì để đỡ đần bố mẹ: không biết đi chợ; không biết nấu cơm; không biết giặt áo quần; thêu thùa, may vá thì lại càng không...

Cũng may, vì dì dượng tớ quan niệm rằng con trai thì không nên nhúng tay vào công việc nội trợ nên thằng Lân vẫn có thể sống yên ổn trong nhà mà không bị càu nhàu gì, trong lúc chị và em gái nó phải làm hết mọi việc nhà, suốt ngày quần quật như con Mỵ trong “Vợ chồng A Phủ”. Nhiệm vụ duy nhất của thằng Lân là ngày ăn 3 bữa và đến trường 2 lần, ngoài ra chẳng phải làm gì cả.

Thằng Lân và tớ bằng tuổi nhau, hai anh em học chung một lớp. Khác với các bạn cùng lớp chuyên toán học hành ngày càng tấn tới (hoặc chí ít cũng không bị giật lùi), thằng em họ tớ càng học lại càng ngu thêm, bằng chứng là năm học lớp 9, nó đạt giải Nhất môn Toán lớp 9 toàn tỉnh thì lên lớp 10, nó chỉ đạt giải Nhì môn Toán lớp 11; năm lớp 11 nó đạt giải Nhì môn Toán lớp 12 toàn quốc thì lên đến lớp 12, nó chỉ đạt giải Ba...

Kết cục của việc học hành sút kém đó là hết lớp 12, em họ tớ phải ngồi ở nhà mà hưởng cái nắng chang chang và những trận gió Lào như táp lửa vào người trong lúc bọn tớ te tởn ra Hà Nội thi đại học. May cho thằng Lân là Bộ Giáo dục chiếu cố tuyển thẳng nó vào đại học nên nó cũng được làm sinh viên như bọn tớ, mặc dù cái sự đỗ đại học của nó cũng chẳng hay hớm gì - vì ở cái nước Việt Nam này, học hành mà không gắn với thi cử là... đồ lởm.

Và thực tiễn đã chứng minh đồ lởm thì chẳng bao giờ bền. Vừa mới chân ướt chân ráo vào đại học, thằng Lân đã phải đánh vật với một trong những môn khoai nhất mọi thời đại: Triết học Mác - Lênin. Trong khi mấy thằng sinh viên khác chỉ cần học tủ một vài câu trong bộ đề thi 72 câu cũng đủ để “qua” thì em họ tớ học thuộc đến 71 câu mà vẫn lệch tủ - vì đề thi của nó rơi vào câu 72. Bài thi Triết học của thằng Lân làm người ta nhớ đến những trận bóng đá ở V-League mà mỗi khi có cầu thủ nào đó sút bóng thì bình luận viên lại lải nhải: Trong một tình huống mà sút ra ngoài còn khó hơn đưa bóng vào khung thành thì anh lại làm được điều khó khăn hơn, thật đáng kính nể!

Phải trầm trầy trầm trật mãi tận 5 năm trời, thằng em họ tớ mới lấy được cái bằng kỹ sư của trường Bưu chính - viễn thông với chuyên môn chính được đào tạo là leo lên cột điện và gào vào ống nghe những tiếng alô, alô như một thằng dở hơi. Giá mà nó thông minh, giỏi giang được như ai kia thì có phải chỉ cần học 4 năm ở trường Tài chính là đã có thể ngồi một chỗ, ôm cả mớ tiền của thiên hạ mà đếm mệt nghỉ rồi không? “Kẻ nào cầm tiền thiên hạ, kẻ đó mới là cha của thiên hạ” - đơn giản thế mà thằng em họ tớ cũng không biết, đúng là ếch ộp. Mà cái sự ếch ộp của thằng Lân càng ngày càng không thể biện minh được khi nó tiếp tục chúi đầu vào mà học cao học ở trường Bách khoa. Và rồi dường như cảm thấy như thế là chưa đủ để chứng tỏ mình giống con ếch, thằng Lân lại còn chẽo sang tận bên kia thế giới để làm nghiên cứu sinh - cũng với đúng một chuyên ngành duy nhất: leo cột điện và gào alô, alô.

Lúc tớ và mọi người đang ngồi rung đùi lướt web này đây thì thằng em họ tớ đang khăn gói quả mướp chuẩn bị sang bển. Bỏ qua mọi lời can ngăn khuyên nhủ của bạn bè và người thân, thằng Lân quyết tâm mang cái sự hâm dở của nó sang tận Mỹ để trưng ra với cả thế giới. Để rồi xem, 5 năm ở Mỹ, suốt ngày xài đồ hộp, không có cơm bụi mà ăn, không có bia hơi mà uống, thằng em họ tớ có chịu nổi không? Mà nếu như có chịu được thì sau 5 năm học ở Mỹ về với tấm bằng tiến sỹ viễn thông trong tay, cùng lắm nó cũng chỉ làm đến Bộ trưởng Bộ alô, chứ còn lâu mới làm được Bộ trưởng Bộ ngân khố. Thử hỏi, cuộc đời mà không có ngân, không có khố, “lúc đấy dẫu các ngươi có muốn vui chơi, phỏng có được không?”.

Ảnh: Thằng Lân và thầy giáo dạy toán tại Lễ kỷ niệm 10 năm ra trường

2 nhận xét:

  1. Một bài viết đỉnh cấp !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đa tạ Sư đã ban khen. Tôi chỉ thẹn tài hèn, không lột tả hết tầm vóc của Lân choác mà thôi. Lúc nào có thời gian, sẽ quay lại với con người kì tài này.

      Xóa