Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Phỏng vấn một nhà sử học


A Solitaire: - Xin chào Giáo sư! Con đường nào đã đưa Giáo sư đến với lịch sử?

Nhà sử học: - Nếu tôi nhớ không nhầm thì là Nguyễn Trãi

A Solitaire: - Thật sao, thưa Giáo sư? Chính Nguyễn Trãi là người đưa Giáo sư đến với lịch sử???

Nhà sử học: - Không, ngày xưa tôi học ở trường Tổng hợp. Mỗi ngày đến lớp đều phải đi qua đường Nguyễn Trãi[1].

A Solitaire: - Ồ, Giáo sư là một người rất vui tính. Ý tôi là bằng cách nào mà Giáo sư lại trở thành một người nghiên cứu lịch sử?

Nhà sử học: - Bằng cách thi trượt đại học, anh ạ.

A Solitaire: - ???

Nhà sử học: - Người ta đã chuyển tôi sang khoa Sử do tôi không đủ điểm đỗ vào khoa Toán trường Tổng hợp.

A Solitaire: - À ra thế! Giáo sư nghiên cứu lịch sử nước nào?

Nhà sử học: - Việt Nam, tất nhiên.

A Solitaire: - Tôi hiểu. Giáo sư là một người yêu lịch sử dân tộc...

Nhà sử học: - Chứ yêu lịch sử nước ngoài thì lại phải học ngoại ngữ, mệt lắm anh ạ.

A Solitaire: - Lĩnh vực nghiên cứu chính của Giáo sư là gì?

Nhà sử học: - Cái gì cũng nghiên cứu. Nhưng tôi thường nghiên cứu nhiều về lịch sử kinh tế.

A Solitaire: - Điều gì làm Giáo sư quan tâm đến lịch sử kinh tế?

Nhà sử học: - Cho nó hợp thời anh ạ.

A Solitaire: - ???

Nhà sử học: - Giống như nhà báo thích viết phóng sự kinh tế hay cảnh sát thích phá án kinh tế, nhà sử học cũng thích nghiên cứu lịch sử kinh tế.

A Solitaire: - À, ra thế. Và Giáo sư đã có những công trình nghiên cứu lớn nào về lịch sử kinh tế Việt Nam?

Nhà sử học: - Lớn thì người ta nghiên cứu hết rồi. Tôi chỉ thực hiện những công trình nho nhỏ.

A Solitaire: - Và nhà kinh tế nào của Việt Nam được Giáo sư nghiên cứu nhiều nhất?

Nhà sử học: - Chúa Chổm!

A Solitaire: - ???

Nhà sử học: - Anh biết Chúa Chổm chứ? Ngài là một nhà kinh tế tài ba trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

A Solitaire: - Tôi chưa hiểu. Giáo sư có thể giải thích rõ hơn?

Nhà sử học: - Không cần phương án sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng, không có tài sản thế chấp hay vốn đối ứng, ngài vẫn có thể vay được một số tiền khổng lồ. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử bất kỳ một nước nào.

A Solitaire: - Bất kỳ một nước nào ư, thưa Giáo sư?

Nhà sử học: - Đúng thế, bất kỳ một nước nào!

A Solitaire: - Làm sao Giáo sư có thể khẳng định điều đó khi Giáo sư chỉ nghiên cứu lịch sử Việt Nam mà không hề nghiên cứu lịch sử các nước khác?

Nhà sử học: - À, cái này thì chỉ cần làm một phép suy luận rất đơn giản. Nếu đã từng có một ai đó được cấp hạn mức tín dụng cao hơn thì hẳn người ta đã không nói “nợ như Chúa Chổm”.

A Solitaire: - Ồ, quả là một phát hiện vô cùng thú vị! Nhưng kết quả nghiên cứu về Chúa Chổm có giá trị lý luận và thực tiễn như thế nào, thưa Giáo sư?

Nhà sử học: - Rất ý nghĩa đấy, anh thấy không? Chưa cần đề cập vấn đề lý luận, chỉ cần xét đến việc tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị khống chế ở mức 20% và các doanh nghiệp không tài nào tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng như hiện nay, thì những kinh nghiệm của Chúa Chổm có thể được coi là lối thoát để các doanh nghiệp không bị đẩy đến bên bờ vực phá sản do thiếu vốn. Đấy không phải là những giá trị thực tiễn vô cùng to lớn ư?

A Solitaire: - Ồ, đúng thế! Rất cám ơn Giáo sư về buổi trò chuyện hữu ích và thú vị này. Và xin chúc ông sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn với những công trình nghiên cứu của mình!

-----
[1] ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) nằm trên đường Nguyễn Trãi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét