1. Sách Xuân Thu kể rằng đời Chu Trang vương bên Tầu, công tử nước Vệ[1] tên là Sóc lập mưu hại chết hai người anh của mình là Thọ và Cấp Tử để chiếm ngôi thế tử. Vua nước Vệ là Tuyên công vì quá đau buồn sau cái chết của Thọ và Cấp Tử nên sớm qua đời, để lại ngôi vua cho công tử Sóc. Người nước Vệ không phục, thừa lúc Sóc đem quân đi đánh nước Trịnh liền đảo chính, lập một người con khác của Vệ Tuyên công tên là Kiềm Mâu lên làm vua và cho sứ sang triều Chu báo tin việc phế lập ấy. Kiềm Mâu vốn là phò mã của thiên tử nhà Chu nên dễ dàng được được Chu Trang vương chấp thuận cho làm vua nước Vệ.
2. Công tử Sóc trốn sang nước Tề cầu cứu vua Tề hợp binh cùng bốn nước Lỗ, Tống, Trần và Sái đánh Kiềm Mâu để đưa Sóc về nước phục nghiệp. Kiềm Mâu không chống lại được liên quân năm nước, liền sai sứ sang nhà Chu cầu viện binh. Chu Trang vương được tin, hỏi các quan xem ai dám cầm quân đi cứu nước Vệ. Hai đại thần là Chu công Hắc Kiên và Quách công Kỵ Phủ tâu rằng việc năm nước chư hầu lấy cớ lập lại Sóc là danh chính ngôn thuận, mà đã danh chính ngôn thuận thì binh ắt mạnh, khó thắng nổi. Một đại thần khác tên là Tử Đột lập tức phản đối. Thế là giữa ba người xảy ra cãi nhau to.
Tử Đột nói: “Nếu nói rằng binh các chư hầu mạnh hơn binh của triều thì có lý. Nhưng nếu cho việc lập Sóc là danh chính ngôn thuận thì thật quả đã lầm”.
Hắc Kiên quắc mắt hỏi: “Một nước chư hầu bị tiếm ngôi, các nước khác đem binh tới cứu, thế mà không danh chính ngôn thuận ư?”
Tử Đột nói: “Việc lập Kiềm Mâu lên ngôi vua Vệ đã có Vương mạng[2] thì sao gọi là tiếm vị? Vương mạng mà không kể, lại lấy việc chư hầu này lập chư hầu kia mà cho là thuận sao?”
Kỵ Phủ nói: “Đừng nói đến thuận nghịch gì cả, việc binh gia phải căn cứ vào sức mạnh. Cái mạnh bao giờ cũng có lý, mà hễ có lý tức là lẽ phải”.
Tử Đột nói: “Lý lẽ và sức mạnh là hai việc khác nhau. Mạnh yếu là tại sức, còn hơn thua là tại lý. Nếu bỏ lý mà vẫn nên việc ắt thiên hạ phải đảo điên không còn một ai theo lẽ phải nữa”.
Hắc Kiên đỏ mặt nói: “Ấy vậy nếu đem binh cứu Vệ, ngươi có dám gánh vác việc ấy chăng?”
Tử Đột nói: “Cứ lấy lý mà nói thì tôi sẽ thắng vì tôi sẽ đem lý lẽ mà khuyến dụ các chư hầu. Một khi các chư hầu đã nhìn nhận lẽ phải thì gươm giáo không còn là vật đáng sợ nữa”.
Các quan nghe Tử Đột lý lẽ như vậy nên tâu vua Chu cho phép Tử Đột đem binh cứu Vệ. Chu Trang vương nhậm lời, truyền phát cho Tử Đột ba muôn binh ròng, sai đi cứu Kiềm Mâu. Hắc Kiên ghét Tử Đột nên chỉ phát hai trăm cỗ binh xa mà thôi.
Tử Đột ngạc nhiên hỏi: “Sao ngài lại phát quân cho tôi ít như vậy?”
Hắc Kiên nói: “Nếu ngươi dùng sức mạnh mà thắng giặc thì ta sẽ phát binh nhiều, nhưng nay ngươi chỉ dùng lý lẽ để thắng giặc thì cần chi đến quân sĩ cho đông?”
3. Tử Đột kéo binh sang nước Vệ. Lúc ấy binh của năm nước chư hầu đã đến vây đánh nước Vệ đông nghẹt, còn Tử Đột chỉ có một toán binh lao mã liệt, xe cộ ngửa nghiêng như một nhóm tàn quân vừa thất trận. Tử Đột mới tới, chưa kịp đóng trại, binh của năm nước đã áp lại đánh nhầu một trận, quân sĩ chạy tán loạn, không kịp thốt ra nửa lời.
Tử Đột ngước mặt lên trời than: “Ta vâng mạng Thiên tử đến đây, dầu có thác cũng được làm con ma trung nghĩa”.
Nói rồi, liều chết vung đao giết đặng hơn mười người rồi mới tự vẫn. Chư hầu bắt Kiềm Mâu bỏ vào tù xa, rồi lại lập Sóc làm vua nước Vệ như cũ.
4. Cứ theo sách mà nói thì lý lẽ và sức mạnh rõ ràng là hai việc hoàn toàn khác nhau, có nghĩa rằng Tử Đột phán không hề sai một li. Tuy nhiên, Tử Đột đã quá ngây thơ, đến đỗi quên mất rằng trong thời buổi đảo điên thì lý lẽ của kẻ mạnh, không cần nhiều lời, vẫn là chân, còn lý lẽ của kẻ yếu, dù lắm lời đến đâu, cũng chỉ là nguỵ. Khác với trường hợp của những thuyết khách lừng danh đời sau như Tô Tần, Trương Nghi hay Phạm Thư, Thái Trạch... có thể khua ba tấc lưỡi chuyển bại thành thắng, hoặc Gia Cát Lượng một mình đấu khẩu với quần hùng Giang Đông hay dùng lời mắng chết Vương Lãng, trong câu chuyện kể trên, Tử Đột thậm chí còn chẳng được các nước chư hầu tạo cho một cơ hội để mở lời. Bởi thế nên đứng trước liên quân năm nước, tác dụng của Tử Đột chẳng hơn gì một thằng câm.
Ở thái cực ngược lại, lời của Kỵ Phủ, “cái mạnh bao giờ cũng có lý, mà hễ có lý tức là lẽ phải”, thoạt nghe có vẻ như nhổ nước bọt vào sách thánh hiền, nhưng khi đi vào thực tiễn thì lại tỏ ra vô cùng chí lý. Cái chí lý của Kỵ Phủ có thể được chứng minh bằng rất nhiều chuyện khác nhau. Tỉ như Triệu Cao thời Tần Nhị Thế vì thao túng được triều chính nên muốn bảo hươu là ngựa thì các quan cũng phải tin rằng hươu không phải là hươu. Hoặc như Lã Bố thời Tam quốc nắm binh lực hùng hậu trong tay nên khi yêu cầu Lưu Bị và Viên Thuật hoà giải với nhau thì họ Lưu và họ Viên không dám không bãi binh, bởi nếu bên nào không nghe thì sẽ bị Bố gồm sức với bên kia để đánh.
Ảnh: “Con ngựa” của Triệu CaoCó thể nói hoàn toàn không ngoa rằng, giá như Hắc Kiên phát cho Tử Đột nhiều nhiều quân một chút thì tình thế của Tử Đột sẽ khác, lúc đó dù cho ông ta chẳng cần lý lẽ nhiều thì chư hầu năm nước cũng phải cúi đầu mà nghe, giống như các quan nhà Tần phải tin lời Triệu Cao hay Lưu Bị và Viên Thuật phải nghe lời Lã Bố vậy.
Hậu thế có thể sẽ trách Kỵ Phủ và Hắc Kiên về sự ích kỷ của họ nhưng không thể không công nhận hai người đã rất thức thời. Ngược lại, dù cho ai đó có đồng tình với quan điểm “nếu bỏ lý mà vẫn nên việc ắt thiên hạ phải đảo điên”, hoặc thương cảm cho kẻ “dầu có thác cũng được làm con ma trung nghĩa” thì cũng không thể không thừa nhận rằng, người như Tử Đột chắc chắn sẽ không tồn tại được nếu bước ra khỏi trang sách.
“Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”, Tử Đột không hiểu điều đó nên đành phải làm con ma, cho dù đó là con ma trung nghĩa.[3]
-----
[1] Thời Xuân Thu, con của vua nhà Chu được gọi là vương tử, còn con của vua các nước chư hầu chỉ được gọi là công tử
[2] Ý nói Kiềm Mâu đã được thiên tử chấp thuận cho làm vua nước Vệ
[3] Anh không có ý khuyên ai học theo Hắc Kiên hay Kỵ Phủ, cũng chẳng cổ vũ cho ai làm như Tử Đột. Ai muốn làm như thế nào thì làm, anh kệ quách!
[1] Thời Xuân Thu, con của vua nhà Chu được gọi là vương tử, còn con của vua các nước chư hầu chỉ được gọi là công tử
[2] Ý nói Kiềm Mâu đã được thiên tử chấp thuận cho làm vua nước Vệ
[3] Anh không có ý khuyên ai học theo Hắc Kiên hay Kỵ Phủ, cũng chẳng cổ vũ cho ai làm như Tử Đột. Ai muốn làm như thế nào thì làm, anh kệ quách!
Nhuần nhuyễn,trí tuệ.Hay !
Trả lờiXóa(Mô phật ! Ta thấy bây giờ thời bình cũng vậy ông ạ,nắm tay thằng nào cứng thì thằng ấy có lý.Hiện giờ lưỡi Tàu Khựa lè ra liếm gần hết Biển Đông,qđ Hoàng Sa(và một vài đảo ở Trường Sa)mà mấy ông èo uột như Philippines,VN chỉ biết kêu gào chứ làm đếch gì đc nó.Đệch mợ tay nó to như cái phích,nếu manh động thì nó bóp phát chết tươi ! Trên biển nó kiêu ngạo cực kỳ,phần lớn dân tàu các nước đều ghét,gọi nó là "monkey".Nó cuồng,bất quá nó có vốn để cuồng !!!)
Ông nói giống Quách công Kỵ Phủ, "nắm tay thằng nào cứng thì thằng ấy có lý". Những người lao động chân tay bao giờ nắm tay cũng cứng hơn những người suốt ngày ngồi trong văn phòng, nên cứ hễ ra ngoài đường mà có va chạm hay xô xát gì thì những kẻ lao động chân tay bao giờ cũng có lí hơn mấy thằng thư sinh bạch diện! :))
XóaChí phải !!!
XóaCái lý của kẻ mạnh ở đây có cái hay là ở chỗ kẻ yếu ko đoàn kết ông à. Lời Tử Đột nói rõ là có lý nhưng lại ko thu hút được người khác (lại đặt ra vấn đề lợi ích nhóm). Chúng ta ko luận về quá khứ nữa (vì dù thế nào người chết cũng chết rồi), nhưng từ đó mà suy ra hiện tại thì thấy rằng: Ở đời ko sống bằng lý luận suông được mà phải kết hợp với sức mạnh: Yếu + yếu + yếu + ... = mạnh. Mạnh ít + mạnh ít.... = mạnh nhiều. Vấn đề là: Ai sẽ anh dũng dẹp quyền lợi của mình để hợp tác với kẻ khác để tạo ra cái sức mạnh đấy?
Trả lờiXóaĐể hôm nào tôi kể ông nghe chuyện Tô Tần và Trương Nghi. Mấy thằng yếu có muốn đoàn kết với nhau thì cũng bị mấy thằng mạnh dùng mưu Trương Nghi để phá thôi! :))
XóaÔng nói thì giống sách rồi, "Yếu + yếu + yếu + ... = mạnh. Mạnh ít + mạnh ít.... = mạnh nhiều", nhưng chính ông cũng rút ra một điều rất chí lí không kém gì sách, ấy là "Ai sẽ anh dũng dẹp quyền lợi của mình để hợp tác với kẻ khác để tạo ra cái sức mạnh đấy?"
Đấy, tôi cũng đã ngẫm đến chuyện Tô Tần mấy lại Trương Nghi, rồi từ đó mới hình thành cái ý cuối cùng. Cho nên nói như Thích ca Mâu ni rằng con người ta sinh ra đã tham, sân, si rồi thì đành chấp nhận thôi. Dĩ bất biến, ứng vạn biến.
XóaVậy à, tưởng ông chưa nghĩ đến 2 tay du thuyết đó, còn nếu ông đã nghĩ đến rồi thì thôi, tôi khỏi phải kể nữa. Nhưng mà chẳng cần đến Tô Tần hay Trương Nghi, mà Quách công Kỵ Phủ là kẻ sinh ra trước đó hàng trăm năm đã nói rồi đấy thây: Cái mạnh bao giờ cũng có lý, mà hễ có lý tức là lẽ phải.
XóaBài viết hay,cách cả năm nhưng vẫn còn tính tức thời! Nói chung người biết lý lẽ sẽ trọng lý lẽ, người có sức mạnh sẽ trọng sức mạnh. Cái chính là biết khi nào cần dùng lời lẽ, khi nào cần dùng dùi cui thôi!
Trả lờiXóaSao tôi tưởng là người biết lý lẽ thì vẫn cần dùng dùi cui hở anh Cay? Mà thậm chí người chẳng biết gì lý lẽ vẫn dùng dùi cui ầm ầm đó thôi? ;))
Xóa