Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Thuỷ hử tân truyện (full version)




Hồi thứ nhất
THAM VÀNG QUÊN NGÃI, LƯU HUYỀN ĐỨC ĐƯA EM VÀO CHỖ CHẾT
BỎ CỦA MUA DANH, GIA CÁT LƯỢNG ĐẨY CHÚA ĐẾN VONG THÂN


Sau khi chiếm được hai Xuyên, Lưu Bị xưng vương, cắt đất phong thưởng cho các đàn em cùng phe: Pháp Chính làm thái thú Thục Quận, Nguỵ Diên làm thái thú Hán Trung, Trương Phi làm thái thú Ba Tây, Mã Siêu làm chức mục ở Lương Châu, còn Quan Vân Trường là đàn em thân tín nhất, được giao cai quản cả chín quận Kinh Tương, quyền lực chỉ đứng sau Lưu Bị. Các đàn em khác như Gia Cát Lượng, Tôn Càn, Giản Ung, My Chúc, My Phương, Lưu Phong, Ngô Ban, Quan Bình, Chu Thương, Liêu Hoá, Mã Lương, Mã Tốc, Tưởng Uyển, Y Tịch... cũng tuỳ theo công trạng mà được thăng thưởng cả.


Ảnh: Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh
Gia Cát Lượng từ khi rời lều tranh ở Long Trung đi theo Lưu Bị cũng ra sức lập công những mong được dây máu ăn phần nhưng đến khi Lưu Bị xưng vương thì chỉ được giữ chức Quân sư trung lang tướng, kém xa chức Tiền tướng quân của Quan Vân Trường. Tiếng là thầy vua nhưng chức quan của Gia Cát Lượng chỉ là chém gió, trong tay không có một tấc đất, không một tên quân, muốn ăn tiêu gì cũng phải trình xin Lưu Bị phê duyệt nên trong lòng không vui, liền gom hết của cải trong nhà được mấy nghìn cây vàng đút lót cho Lưu Bị, xin được cấp đất Kinh Châu của Quan Vân Trường.

Lưu Bị, tuy là anh kết nghĩa của Quan Vân Trường, nhưng hám lợi quên nghĩa, liền sai Quan Vân Trường cất quân đánh Tương Dương, Phàn Thành hòng mượn tay Tào Tháo trừ khử Vân Trường để lấy đất Kinh Tương cấp cho Gia Cát Lượng.

Quan Vân Trường được lệnh của anh hai, tưởng thật, liền điểm binh mã Kinh Châu ruổi thẳng đường Tương Dương, chỉ để một ít quân ở lại giữ thành. Để đề phòng Đông Ngô đánh úp Kinh Châu, Vân Trường sai quân đắp nhiều ụ đốt lửa ở Kinh Châu và dặn khi nào bị Đông Ngô tấn công thì phải đốt lửa cho khói bốc lên làm hiệu để Vân Trường đưa quân về cứu.

Quan Vân Trường vừa đi khỏi, bọn lính canh ở nhà bắt được mấy con chó hoang, liền lấy rơm đốt lửa để thui thịt chó làm khói bốc mù mịt. Vân Trường thấy khói bốc lên, lập tức dẫn quân mã quay trở lại cứu Kinh Châu. Về đến nơi mới biết là bọn lính canh đốt rơm thui chó, Vân Trường giận lắm, ra lệnh cấm ăn thịt chó trong toàn quân, ai trái lệnh sẽ bị chém đầu.

Bọn lính sợ Vân Trường nhưng vì món khoái khẩu không bỏ được nên vẫn lén lút bắt trộm chó làm thịt ăn, lại nói thác ra là thịt cầy để Vân Trường khỏi bắt tội. (Bởi thế nên các quán thịt chó thường treo biển bán thịt cầy như vẫn thấy ngày nay). Quan Vân Trường không biết thịt cầy là thứ thịt gì, yên chí là bọn lính đã biết sợ nên lại tiếp tục dẫn quân đi.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Vân Trường đã hạ được thành Tương Dương, khơi nước sông Hán Thuỷ nhấn chìm bảy đạo quân Tào, bắt sống Vu Cấm, chém đầu Bàng Đức, uy danh lừng lẫy khắp vùng Hoa Hạ. Tào Tháo cả sợ liền sai Từ Hoảng làm đại tướng, Lã Kiền làm phó tướng, dẫn năm vạn tinh binh ra cự nhau với Vân Trường, một mặt sai người mang thư sang Đông Ngô xúi Tôn Quyền úp sọt Kinh Châu.

Tôn Quyền ở Đông Ngô dò biết được Kinh Châu không có quân canh giữ liền sai Lã Mông đem quân đánh thành Kinh Châu. Bọn lính canh, theo đúng lời dặn, đốt lửa làm hiệu để kêu Vân Trường về cứu.

Quan Vân Trường đang vây Phàn Thành, thấy quân vào báo có khói bốc lên ở mạn Kinh Châu, bụng nghĩ bọn lính canh lại đốt rơm thui thịt chó nên hạ lệnh tiếp tục công thành, không cho quân về cứu Kinh Châu. Bởi thế, chín quận Kinh Tương rơi cả vào tay Đông Ngô. Vân Trường đang từ người có nhiều đất nhất trong đám đàn em của Lưu Bị lại thành ra không một tấc đất cắm dùi.

Lại nói Tôn Quyền, tuy chiếm được Kinh Châu nhưng vẫn chưa hết cay việc năm xưa bị Vân Trường ví với chó, liền hạ lệnh cho Lã Mông tiếp tục dẫn quân đánh tập hậu Quan Vân Trường. Trước mặt có quân Tào, sau lưng có quân Ngô, hai mặt đánh ập lại, Vân Trường không chống đỡ được đành bỏ mình vì nước mà không biết là mình mất mạng do Lưu Bị ăn tiền của Gia Cát Lượng.

Lưu Bị ở Thành Đô nghe tin Quan Vân Trường vong mạng, định bụng sẽ lấy đất Kinh Châu cấp cho Gia Cát Lượng. Xảy có quân thám mã về báo Kinh Châu đã bị Đông Ngô chiếm mất, Lưu Bị nổi giận liền cất bảy mươi lăm vạn đại quân sang đánh Đông Ngô để đòi lại đất Kinh Châu. Thương cho Lưu Bị thủa nhỏ nhà nghèo, suốt ngày phải đi bán chiếu, khâu giày kiếm sống, không được học hành binh pháp đến nơi đến chốn nên bị đàn em của Tôn Quyền là Lục Tốn dụng hoả công thiêu rụi hơn bốn chục doanh trại, rốt cuộc thua trận bỏ mình ở thành Bạch Đế, truyền ngôi lại cho con là Lưu Thiện (tức A Đẩu). Trước lúc lâm chung, Lưu Bị dặn A Đẩu phải cất nhắc Gia Cát Lượng để đền lại chín quận Kinh Tương đã hứa cấp cho Gia Cát Lượng nhưng không cấp được.

Lưu Thiện lên nối ngôi, phong Gia Cát Lượng làm Thừa tướng và tôn làm thượng phụ, rồi suốt ngày theo Hoàng Hạo chọi dế đá gà, bỏ mặc chính sự trong nước cho Gia Cát Lượng tuỳ nghi xử lý. Từ đó, Gia Cát Lượng chính thức ở dưới một người trên vạn người, thâu tóm quyền bính nước Thục trong tay.

Hồi thứ hai
NGẬM HỜN OAN, VÂN TRƯỜNG HIỂN THÁNH
GIẢI OÁN CỪU, PHỔ TĨNH SIÊU SINH


Lại nói Quan Vân Trường từ khi mất rồi, linh hồn không tan, cứ bay là là trên không, đến mãi một trái núi ở huyện Đương Dương thuộc về châu Kinh Môn, gọi là núi Ngọc Toàn. Trên núi có một nhà sư, tên là Phổ Tĩnh, trước tu ở chùa Trấn Quốc, ải Nghi Thuỷ. Từ khi cứu Quan Vân Trường ra khỏi cửa ải, Phổ Tĩnh thường đi khắp nơi vãn cảnh, khi đến ngọn núi này, thấy cảnh gió mát trăng trong, âm u tĩnh mịch, mới làm một túp am cỏ và trụ trì ở trên núi ấy, hàng ngày ngồi trong am tụng kinh, có một tiểu đồng hầu hạ.

Bữa ấy vào độ cuối canh ba, trăng thanh gió mát, Phổ Tĩnh đang ngồi tụng kinh bỗng nghe ở trên không có tiếng gọi:

- Đem trả đầu ta đây!

Phổ Tĩnh ngẩng mặt lên xem thì thấy trên không có một người cưỡi ngựa xích thố, cầm đao thanh long, bên tả có một tướng mặt trắng, bên hữu có một tướng mặt đen râu rậm, ở trên mây hạ xuống, ngồi trên đỉnh núi.


Ảnh: Quan Vân Trường hiển thánh
Phổ Tĩnh trông rõ ràng là Quan Vân Trường, mới lấy phất trần đang cầm trong tay gõ vào cánh cửa mà hỏi rằng:

- Trường xuống đây anh bảo!

Linh hồn Quan Vân Trường sực tỉnh ra, lập tức xuống ngựa, cưỡi gió sa xuống trước am, chắp tay hỏi rằng:

- Sư phụ ở đây là gì, xin cho tôi được biết pháp hiệu?

Phổ Tĩnh nói:

- Ơ thằng này, không nhớ anh à? Hồi trước ở chùa Trấn Quốc cạnh cửa ải Nghi Thuỷ, không có anh thì Biện Hỉ nó đã băm chú làm nhân bánh bao rồi. Anh là anh Tĩnh đây!

Quan Vân Trường nhớ ra, mừng nói:

- Ôi anh Tĩnh! Trước kia nhờ anh cứu cho, em vẫn ghi dạ không dám quên. Nay em chẳng may mắc mưu gian của Lã Mông đến nỗi vong thân mất đất. Xin anh cho lời thanh hối, chỉ điểm giúp em ra khỏi đường mê muội!

Phổ Tĩnh nói:

- Xưa trái nay phải, nhất thiết không bàn. Nhân trước quả sau, bao giờ vẫn thế. Người ta ai vì chủ nấy, Lã Mông chiếm Kinh Châu của chú thì cũng giống như chú chiếm Tương Dương, Phàn Thành của Tào Nhân thôi. Chú em thọ nạn không phải bởi tại Lã Mông đánh úp mà bởi tại bọn lính ở thành Kinh Châu đốt rơm thui chó đấy. Nay chú kêu “Đem trả đầu ta đây!”, thế thì đầu Nhan Lương, Văn Sú cùng những đầu sáu tướng ở năm cửa ải và bao nhiêu đầu nữa thì đòi vào đâu?

Quan Vân Trường tỉnh ngay ra, cúi đầu lạy tạ rồi biến đi mất, lòng đinh ninh chỉ vì người khác tham ăn thịt chó mà làm mình bị mất đất cắm dùi, từ đó sinh ra oán hận nên cứ gặp hôm trời hanh gió to lại hiển thánh phóng hoả đốt các quán thịt chó cho hả giận.

Hồi thứ ba
QUAN VÂN TRƯỜNG MẤY PHEN DƯƠNG OAI NƠI ĂN NHẬU
LỖ TRÍ THÂM MỘT LẦN DIỄU VÕ CHỐN SAY SƯA


Một bữa, hồn Quan Vân Trường bay đến một toà núi tức là Ngũ Đài Sơn thì thấy dưới chân núi nhà cửa đông đúc, phố xá tấp nập, lại thấy có mấy hàng thịt chó khách khứa vào ra không ngớt, tiếng gõ bát cụng li, nói tục chửi bậy xôn xao cả một quãng phố. Vân Trường liền hiển thánh sa xuống một quán có treo biển “Thịt chó Trần Mục”.

Khách khứa trong quán thấy bỗng dưng có một con ma mặt đỏ râu dài cưỡi ngựa từ trên trời phi xuống thì hoảng hốt bỏ chạy tán loạn, mặc cho chủ quán thoả sức vừa la lối đòi tiền vừa chửi tiên nhân bọn ăn quỵt.

Quan Vân Trường tế ngựa xích thố phi thẳng vào quán Trần Mục, đang định phóng hoả thì thấy một nhà sư vẫn cắm cúi húp canh chó xì xụp. Vân Trường tưởng là Phổ Tĩnh, mừng rỡ toan xuống ngựa thi lễ thì vừa đúng lúc nhà sư ngẩng mặt lên, miệng vừa nhồm nhoàm nhai thịt chó vừa kêu tiểu nhị mang thêm mắm tôm.

Vân Trường trông thấy nhà sư râu ria xồm xoàm, mặt mày bặm trợn, rõ là phường bất hảo, liền quát lớn:


Ảnh: Quán thịt chó Trần Mục
- Kẻ tu hành kia tên họ là chi, sao không chuyên tâm quy y cửa Phật, lại đến đây làm điều phá giới?

Nhà sư thủng thẳng trả lời:

- Ta là Lỗ Trí Thâm, đồ đệ của Trí Chân trưởng lão trụ trì chùa Văn Thù trên núi Ngũ Đài. Nhà ngươi là kẻ cắp ở phương nào mà dám đến đây trì hoãn cái sự sung sướng của ta?

Vân Trường nghe nói nổi giận, thét lớn:

- Tao là Hán Thọ đình hầu Quan Vân Trường. Xem tao lấy cái đầu trọc của mày đây!

Dứt lời, Quan Vân Trường tế ngựa múa đao xông tới chém Trí Thâm.

Lỗ Trí Thâm thấy Vân Trường toan làm dữ vội đứng bật dậy, sẵn bát mắm tôm tiểu nhị vừa mang ra liền cầm lấy quăng luôn vào người đối phương.

Quan Vân Trường tuy được người đời tôn là thánh nhưng thực chất cũng chỉ là ma, không chịu được đồ xú uế, nên vừa trông thấy Trí Thâm cầm bát mắm tôm, Vân Trường kinh hãi hoá thành cơn gió bay đi mất, miệng vẫn còn kịp la uỵt mẹ thằng chơi bẩn, nhớ đấy!

Chủ quán thấy Lỗ Trí Thâm đuổi được hồn ma Quan Vân Trường thì mừng rỡ, liền chạy lại hỏi han, miệng không ngớt lời kêu tiểu nhị mang thêm rượu và thịt chó ra đãi ân nhân, lại tặng Trí Thâm mười nén bạc để tạ ơn và xin Trí Thâm một bức chân dung treo nơi cửa quán để trấn yểm, phòng khi Quan Vân Trường hiển linh quay lại đốt quán. (Bởi thế nên ngày nay người ta vẫn thường thấy ảnh Lỗ Trí Thâm được treo ở các quán thịt chó).

Lỗ Trí Thâm đang dưng lại được ăn nhậu không mất tiền lại có thêm mười nén bạc đút túi, trong lòng phấn chấn nên đánh chén một bữa thả phanh rồi rời quán Trần Mục đi ra phố, vừa đi vừa lảm nhảm hát bài “Tình Bắc duyên Nam”: Người từ là từ phương Bắc ghé thăm miền Nam ăn thịt cầy, thì nhớ mang vào một củ riềng lớn... Cùng nắm bàn tay, ta chơi đêm này, không say không về hỡi bạn tình ơi...

Hồi thứ tư
TỎ SỨC MẠNH, HOÀ THƯỢNG SAI NGƯỜI RÈN SẮT
THOẢ TANG BỒNG, HẢO HỚN TÌM ĐƯỜNG LÊN NON


Đang dặt dẹo trên phố, Lỗ Trí Thâm gặp một cửa hàng thợ rèn có mấy người đương ngồi đánh rèn tại đó, liền đi thẳng vào trong hàng quán hỏi:

- Các anh làm thợ rèn ở đây, có thép tốt hay không?

Anh thợ rèn ngẩng trông lên thấy Lỗ Trí Thâm tuy ăn mặc lối nhà chùa song mặt mũi dữ tợn, mà mái tóc lại dở ngắn dở dài, trong bụng cũng có phần kinh sợ, bèn mời Trí Thâm ngồi uống trà và hỏi:

- Chẳng hay hòa thượng muốn đánh vật gì?

- Ta muốn đánh một cây thuyền trượng và một thanh giới đao, nhưng không biết có thép tốt hay không?

- Bẩm bao nhiêu cũng có! Hòa thượng định đánh thuyền trượng nặng mấy cân?

- Ta muốn đánh cây thuyền trượng nặng 100 cân.

Phó rèn tuy chỉ có mấy chục cân sắt nhưng vừa mới lỡ bốc phét với Lỗ Trí Thâm rồi nên đành giả cách cười mà đáp:

- Bạch hòa thượng, thế nào mà tôi lại chẳng đánh được, nhưng chỉ sợ hòa thượng không dùng nổi thôi. Đến như cây đại đao của Hán Thọ Đình hầu ngày trước cũng chỉ có 80 cân nữa là...

Trí Thâm cau trán mắng rằng:

- Ta đây mà lại không bằng Quan Công à? Hắn vừa mới bị ta đuổi cho chạy vãi đái ở đằng quán Trần Mục kia kìa!

Phó rèn đang uống nước chè, nghe Lỗ Trí Thâm nói tí sặc nhưng kiềm chế được, liền nhả ngụm nước chè ra rồi nói:

- Cứ như ý chúng tôi, chỉ đánh vào khoảng vài chục cân cũng nặng lắm rồi.

- Ừ thôi ta nghe lời anh! Cứ đánh 80 cân như cây đao của Quan Công cũng được.

Phó rèn sợ không đủ sắt để đánh thuyền trượng liền nghĩ ra một kế rồi nói với Lỗ Trí Thâm:

- Tôi thiết tưởng bạch diện thư sinh như sư phụ đây mà cầm cái cây gậy nặng quá vị tất đã tốt. Đấy, chính như thanh long đao vì nặng quá nên đức Thánh Quan mới cầm không nổi, trách chi địch không lại sư phụ. Cho nên tôi xin chọn thứ thép tốt, đánh cho sư phụ một cây thuyền trượng 62 cân. OK chưa?


Ảnh: Lỗ Trí Thâm múa thuyền trượng
Trí Thâm nghe nịnh bùi tai liền gật đầu nói:

- OK, thế cũng được! Cả thuyền trượng và giới đao, anh lấy bao nhiêu tiền?

- Tôi nói vuông cho nó nhanh nhá! Xin sư phụ cứ cho đủ năm lạng bạc mới được.

Trí Thâm móc năm lạng bạc đưa cho phó rèn và nói:

- Được! Nhà giàu không tiếc gì lợn con, năm lạng ta cũng trả cho anh. Ta vừa mới chăn được của lão Mục một mớ đây, nếu anh đánh được tốt thì ta thưởng thêm cho.

Phó rèn nhận tiền rồi nói:

- Chúng tôi xin đánh cẩn thận cho sư phụ. Bây giờ mời sư phụ qua bên kia đường làm một chầu tẩm quất mát-xa cho thoải mái, một giờ sau quay lại sẽ có thuyền trượng và giới đao theo như ý sư phụ.

Lỗ Trí Thâm sẵn có bạc Trần Mục vừa cho nên cũng muốn vui chơi một bữa cho bõ những ngày ngủ chay ăn mặn, liền nghe theo lời của phó rèn, sang ngay hàng mát-xa bên kia đường, chổng đít giơ mông cho thiên hạ đấm đá một chập thẳng tay. Xong xuôi đâu đấy, Trí Thâm quay lại hàng thợ rèn lấy giới đao và thuyền trượng, rồi thong dong tìm đường lên Lương Sơn Bạc, nhập bọn với Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa làm nghề lục lâm thảo khấu.

2 nhận xét:

  1. Mạn phép tác giả,Dâm sư ta viết bậy tý :

    "...Trí Thâm cầm bát mắm tôm đuổi Vân Trường chạy tụt cả quần nhưng Trí Thâm cũng éo đuổi được Vân Trường đang trong hình thái linh hồn.Thở hồng hộc Trí Thâm nói :
    -Đệch mợ ! Thằng kia có bản lĩnh thì đừng chạy !
    Vân Trường vừa túm quần vừa trả lời :
    -Uỵt mẹ ! Có bản lĩnh mày vứt mắm tôm đi,ông chiến với mày !
    ..."

    Trả lờiXóa