Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Sóng dội mà cây vẫn hát


Cái giống cây buồn cười đó chính là cây trâm bầu, một loại cây được nhạc sĩ Thái Cơ ca ngợi trong một bài hát do ông sáng tác năm 1972, khi mà bọn Mỹ Nguỵ đang ở vào giai đoạn bị nhân dân miền Nam xút cho tung đít.

Theo như những gì Google kể lại thì cây trâm bầu ban đầu vốn là một loại cây mọc hoang, chỉ có nhiều ở các tỉnh Nam Bộ. Nhưng sau đó không hiểu vì lí do gì mà tỉnh Thái Bình lại vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu về diện tích trồng loại cây này. Chẳng thế mà mấy chục năm nay, bạn nghe đài Tiếng nói Việt Nam mỗi khi bật ra-đi-ô lên vẫn thường nghe một người con của quê hương Thái Bình là Thu Hiền lên tiếng thách thức cả nước: “Cho em hỏi rằng, có ở nơi đâu bát ngát xa trông những rặng trâm bầu như nơi quê hương em yêu dấu?”

Có lẽ, sau thành công của phong trào Cánh đồng 5 tấn đưa tỉnh nhà trở thành địa phương đi đầu miền Bắc về năng suất trồng núa và nuôi nợn, người Thái Bình đã tiện thể đẩy mạnh việc trồng cây trâm bầu, để rồi đưa Thái Bình trở thành tỉnh có diện tích trồng trâm bầu lớn nhất cả nước chăng? Nhưng thôi, đó là việc của ngành nông nghiệp và tỉnh Thái Bình, người không có phận sự thì không cần phải bàn sâu.

Quay trở lại với cây trâm bầu trong bài hát của Thái Cơ. Hình ảnh những rặng trâm bầu ôm lấy bờ kênh mà hát nghêu ngao mặc cho sóng dội bên mình không thể không làm người yêu âm nhạc nhớ đến hình ảnh anh Kim Đồng trong bài hát của Phong Nhã - “đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng, anh vẫn đi”[1] hay hình ảnh chị La Thị Tám trong bài hát của Doãn Nho - “cho bom nổ bên tai, em vẫn đứng giữa trời”[2]. Nói nôm na thì cây trâm bầu, cũng giống như anh Đồng hay chị Tám, đều thuộc vào dạng “điếc không sợ súng”, hay nói một cách hoa hoè ong bướm là không sợ gì phong ba bão táp hay bom rơi đạn nổ.

​​Và cũng có thể vì đặc tính ưu việt nói trên của cây trâm bầu mà nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã lấy gỗ trâm bầu để đóng thuyền và làm nên hình tượng bất hủ của những con thuyền không sợ sóng, không sợ gió mà Trọng Tấn vẫn thường hay kể với Anh Thơ: “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng. Thuyền anh ra khơi, đâu có ngại chi sóng gió, ơ hò!”[3]

Bỏ qua tất cả những trò đùa nhố nhăng ở trên, người yêu nhạc cả nước chắc chắn không ai là không biết đến và yêu thích bài hát “Rặng trâm bầu” nổi tiếng của nhạc sĩ Thái Cơ. Điều ngạc nhiên là khi viết bài hát này, Thái Cơ chưa hề một lần nhìn thấy cây trâm bầu. Nhưng những câu chuyện được nghe về những cây trâm bầu “cắm sâu vào lòng đất”, “ôm ấp bờ kênh”, “che mưa che nắng” hay “rung rinh lá nguỵ trang”... đã thôi thúc ông viết nên một bài hát có giai điệu và ca từ đi vào lòng người và sống mãi với thời gian.

Trong âm nhạc của Thái Cơ, hình ảnh cây trâm bầu hiện lên vừa gần gũi, vừa thân thương và có rất nhiều nét giống với hình ảnh đồng bào miền Nam kiên cường và anh dũng. Hình ảnh đó cũng làm người ta dễ liên tưởng đến cây xà nu đã từng được nhà văn Nguyễn Trung Thành khắc hoạ đậm nét trong tác phẩm “Rừng xà nu”. Tất cả đều là những loài cây có sức sống mãnh liệt và có khả năng chống chịu ngoan cường, giống như người Nam Bộ hay người Tây Nguyên anh dũng đứng lên chống Pháp, đánh Mỹ vậy.

Giống như Thái Cơ, tôi cũng chưa từng một lần nhìn thấy cây trâm bầu. Lần đầu tiên tôi biết đến loại cây này là khi tôi được học bài “Mẹ vắng nhà” của Nguyễn Thi hồi còn bé tí, đâu đó mới học lớp 5 hay lớp 6. Trong câu chuyện của Nguyễn Thi, con Bé đã bẻ một nhánh trâm bầu làm thước để dạy học cho ba đứa em, và khi lũ trẻ chơi trò đánh trận thì nhánh trâm bầu đó lại trở thành một cây súng cạc-bin. Ở quê hương Tam Ngãi của con Bé cũng có rất nhiều rặng trâm bầu, không khác gì ở quê hương Thái Bình của Thu Hiền và Thái Cơ.

Lớn lên một chút, tôi được nghe đến nhiều hơn về cây trâm bầu khi các đôi song ca thường xuyên nhét vào tai tôi bài hát bất hủ của Thái Cơ, hết Thu Hiền - Kiều Hưng thì đến Quỳnh Liên - Quang Lý, rồi Anh Thơ - Việt HoànTân Nhàn - Tuấn Anh, rồi Trọng Tấn… Mỗi giọng ca có một âm sắc không giống nhau và thể hiện bài hát theo một cách rất riêng. Nhưng chung quy lại, tất cả họ đều đem đến cho tôi một cảm giác xao xuyến đến lặng người khi nghe vút lên đoạn điệp khúc quen thuộc của bài hát:

“Ơ mưa nắng dãi dầu thêm trăm quý ngàn yêu trâm bầu
Cây trâm bầu ơ cây cắm sâu vào lòng đất, ôm ấp bờ kênh dài
Sóng dội mà cây vẫn hát, như khắp dân làng mình bám chặt quê hương...”

Với mật độ ra vào miền Nam thường xuyên trong những chuyến công tác của mình, tôi tin là rồi một ngày nào đó, tôi sẽ được nhìn thấy những rặng trâm bầu mà nhạc sĩ Thái Cơ hay nhà văn Nguyễn Thi nhắc đến. Nhưng ví thử, nếu tôi không có dịp trông thấy những rặng cây ngoan cường che sương che nắng ấy, thì hình ảnh của nó vẫn sẽ là động lực để cho tôi ưỡn ngực vươn vai đối mặt với mỗi thử thách gặp phải. Tôi mà lị, nghe “Rặng trâm bầu” mãi mà chẳng nhẽ không học được một tí gì từ cái cây trong bài hát đó hay sao?

-----
[1] Lời bài hát “Kim Đồng” của Phong Nhã
[2] Lời bài hát “Người con gái sông La” của Doãn Nho
[3] Lời bài hát “Tình ta biển bạc đồng xanh” của Hoàng Sông Hương

10 nhận xét:

  1. Thông điệp chỉ là muốn được liệt vào dạng "Điếc không sợ súng" mà cũng bày đặt trình bày vòng vo tam quốc! Vẽ :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. không phải là muốn bị liệt vào dạng điếc, mà chỉ muốn được nghe hát hoặc đi hát ca ra cô lê thôi, chị hiểu chửa?

      Xóa
    2. Hiểu được chết liền ;)).Lão ăn gì mà tự dưng líu hết cả nưỡi nại thế?

      Ta đang băn khoăn lão hay gặp thử thách gì mà cứ phải ưỡn ngực vươn vai lắm thế? Hay là mỗi lần phun thuốc sâu vào rau cải hay chạy ra ban công hứng ba con sói và chứng khoán bảo việt lại phải ưỡn ngực vươn vai 1 cái mới chịu được :))

      Xóa
    3. À, ấy là ta ví thử không có dịp nhìn thấy cây trâm bầu thì mới phải ưỡn ngực vươn vai thôi. Còn nếu nhìn thấy cây đó thì mỗi lần gặp khó khăn thử thách gì, ta lại bứt một vài lá trâm bầu quăng ra cho nó "rung rinh" mấy lị "tươi xanh giữ vẹn màu", sợ đếch gì! :))

      Xóa
    4. Ờ, ta đã bảo là ko ai xứng đáng hơn lão nhận cái chức Trưởng phòng ở Trâu Quỳ đâu mà lị. Hình ảnh lão mỗi lúc khó khăn lại bứt vài lá trâm bầu quăng ra thật không ngòi bút nào miêu tả được, xứng đáng được đi vào văn chương hay chí ít là sân khấu phim ảnh, sánh ngang với hình ảnh Xúi Vân chứ chẳng đùa đâu :))

      Xóa
    5. Ta đường đường là giám đốc, việc quái gì phải làm trưởng phòng. Cái chức đó, ta giao cho chị đấy, để tưởng thưởng công lao chị vất vả sớm hôm đi nhặt áo mưa ngoài ban công giúp ta :))

      Xóa
    6. Thôi được, vào Trâu Quỳ thì lão làm Vua còn được, nữa là Giám đốc. Duyệt :))

      Xóa
    7. Ta bảo cho chị biết là hiện đang vào mùa dịch cúm gia cầm đấy. Chị cứ ngậm tiết canh phun phì phì như thế thì chẳng mấy mà bị bệnh toi gà đâu! :))

      Xóa
  2. Thế mà trước giờ em tưởng cô Thu Hiền quê ở Quảng Bình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À, Tũm cũng là dạng rộng đấy, phát hiện rất tinh tế! ;))
      Đầu tiên cô Hiền quê ở Thái Bình, nhưng sau đó cứ hỏi đi hỏi lại mãi cái câu "Cho em hỏi rằng có ở nơi đâu bát ngát xa trông những rặng trâm bầu?" mà không tìm ra đáp án nên cô ấy chán, đành chuyển qua hỏi cái câu "Nếu hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới?". Mà cái câu hỏi này thì lại có đáp án quá thuyết phục - "Rằng: có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi". Thế là cô ta ưng hỏi câu này hơn, và chuyển hẳn quê về tỉnh Quảng Bình để tha hồ hát bài "Quảng Bình quê ta ơi!" :))

      Xóa