Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Tài kiêng nhất bộc lộ: câu chuyện của Dương Tu


1. Dương Tu xuất hiện lần đầu tiên trong “Tam quốc diễn nghĩa” ở Hồi thứ 60, khi sứ giả Tây Xuyên là Trương Tùng vào yết kiến Tào Tháo. Lúc bấy giờ, Tu đang làm chủ bạ ở phủ thừa tướng, một chức quan nhỏ chuyên coi về việc sổ sách, giấy tờ.

​Tuy được tiếng là học rộng, biện bác giỏi, thông minh hơn người, nhưng tài năng của Dương Tu trong “Tam quốc diễn nghĩa” cũng không có gì bộc lộ rõ rệt cho đến Hồi thứ 71, khi Tào Tháo nhìn thấy bài văn bia của Sái Ung có đề mấy chữ: “Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cữu”.


​​Ảnh: Tào Tháo (đeo kiếm) mấy lị Dương Tu (chả đeo gì)
Tháo nghĩ mãi mà không hiểu những chữ ấy có nghĩa gì, tả hữu cũng không ai giải thích được. Chỉ có mỗi Dương Tu đoán được ngay, tám chữ ấy ghép lại thành “Tuyệt diệu hảo từ”, nghĩa là lời lẽ hay tuyệt diệu[1]. Ai nấy đều khen Tu là người nhận thức nhanh.

Và tài nhận thức của Dương Tu còn được thể hiện rất rõ qua nhiều lần đoán ý của Tào Tháo được La Quán Trung chép lại. Khi Tháo lấy bút viết chữ “Hoạt” ở trên cửa vườn hoa, không ai hiểu ý ra sao, thì Tu đã biết là ý Tháo chê cửa rộng[2]. Khi Tháo viết ba chữ “Nhất hợp tô” trên hộp sữa được biếu, thì Tu lấy ngay thìa chia với mấy người cùng ăn vì đoán ý Tháo là “nhất nhân nhất khẩu tô”, tức mỗi người một thìa sữa[3]

2. Chỉ qua một vài câu chuyện như vậy, có thể thấy Dương Tu là một người cực kỳ nhanh trí. Và theo lẽ thường, nếu cứ chuyên tâm dùng tài trí đó vào việc phụng sự Tào Tháo thì không có lí do gì để Dương Tu không được trọng dụng trong tập đoàn cát cứ nước Nguỵ.

Hiềm một nỗi, Dương Tu tuy là người có thể đoán rất nhanh ý tứ của Tháo, nhưng lại cực kì chậm trong việc nhìn ra sự đố kị của họ Tào. Mặc dù mỗi lần nghe Dương Tu luận giải, Tào Tháo ngoài mặt đều tươi cười và khen Tu là người giỏi, nhưng trong bụng, thực ra Tháo ghét Dương Tu lắm.

Dương Tu không biết Tào Tháo ghét mình, lại càng ra sức thể hiện. Thế nên khi Tào Tháo vờ mê ngủ để giết tên đầy tớ hầu cận, thì Tu trỏ vào thây ma tên đầy tớ mà nói: “Không phải thừa tướng ngủ mê đâu, chính mày mới thực là ngủ mê”. Khi Tào Tháo vờ sai lính canh ngăn trở không cho Tào Thực ra khỏi thành, thì Tu xui Thực chém luôn cả lính canh đi. Tu lại soạn sẵn vài mươi điều đối đáp cho Tào Thực, để hễ Tháo có hỏi đến câu gì, thì Thực cứ sẵn thế mà đáp… Tháo vì thế càng ghét Tu.

Và đỉnh điểm của việc Tào Tháo ghét Dương Tu chính là lần Tu đoán khẩu lệnh của Tháo ở Hồi thứ 72. Số là lần ấy quân Tào đang thất thế ở Hán Trung, Tháo thấy nhà bếp dâng một bát canh trong đó có cái gân gà, liền ban khẩu lệnh ban đêm là “Kê cân”. Dương Tu nghe khẩu lệnh, đoán Tào Tháo sớm muộn cũng sẽ rút quân, liền sai bộ hạ của mình thu xếp hành trang để về.

Theo lí giải của Dương Tu, “kê cân” nghĩa là gân gà, gân gà ăn thì không có vị gì, mà bỏ thì tiếc. “Nay tiến lên thì đánh không được, mà lui về thì lại sợ người cười, ở mãi cũng vô ích, không bằng về cho sớm còn hơn” - Tu nói.

Tào Tháo đang sẵn ghét Dương Tu nhưng chưa có cớ gì để trị tội, nhân có việc đoán khẩu lệnh này, liền quy cho Tu nói càn làm náo động quân sĩ, rồi sai đao phủ điệu Dương Tu ra chém, bêu đầu trước cửa quân…

3. Xét về vai trò và phẩm trật thì Dương Tu không phải là một người quan trọng dưới trướng Tào Tháo, cũng không phải là một nhân vật lớn trong “Tam quốc diễn nghĩa”. Ngoài những lần nhanh trí đoán được ý tứ của họ Tào, trong suốt 72 hồi trước khi Dương Tu bị chém, độc giả “Tam quốc diễn nghĩa” chưa từng thấy kể Dương Tu hiến cho Tào Tháo một mưu kế hay mưu lược nào đáng kể, khác hẳn với những mưu sĩ được Tháo trọng dụng như Quách Gia, Tuân Úc, Trình Dục, Giả Hủ…


​​Ảnh: “Bay đâu, chém bỏ mẹ thằng Tu cho anh!” - Tào Tháo hét
Sự “kém tiếng” của Dương Tu so với các mưu thần của Tào Tháo trong “Tam quốc diễn nghĩa” có thể là do Tu không thực sự có thế mạnh về việc trị nước hoặc dùng binh, có thể do chức trách được giao của Tu chỉ là trông coi việc sổ sách, giấy tờ, cũng có thể là do Tào Tháo ghét Dương Tu nên không muốn dùng mưu kế của Tu, hoặc cũng có thể là Tháo đã dùng nhiều mưu kế của Tu nhưng La Quán Trung không chép vào…

Tuy nhiên, dù nguyên nhân thực tế có là như thế nào đi nữa, thì khi xem những chuyện về Dương Tu, độc giả có thể nhận ra một điều, là Tào Tháo đã quá cay nghiệt đối với Dương Tu. Mặc dù sau khi bại trận phải rút quân ở Hán Trung, Tào Tháo nhớ đến lời Dương Tu nên sai thu thi hài Tu, làm ma chôn cất linh đình, nhưng suy cho cùng thì trong suốt cuộc đời 34 năm đi theo họ Tào, Tu chưa hề được Tào Tháo biệt đãi hay trọng dụng. Bằng chứng là từ lúc xuất hiện cho đến trước khi bị chém, Dương Tu chỉ được giao làm chủ bạ - một chức vụ mà nói như lời của Trương Tùng khi mới gặp Dương Tu, chẳng qua là “một kẻ nha lại ở phủ thừa tướng”.

Cứ cho là, với sự già đời lọc lõi của mình, có thể Tào Tháo cho rằng tài năng của Dương Tu chỉ đáng làm một chức trông coi việc sổ sách giấy tờ, thì Tu cũng không vì thế mà tỏ ra bất mãn hay có ý chống lại họ Tào. Chính Dương Tu khi bị Trương Tùng mỉa mai về phẩm trật của mình, đã nói: “Tôi tuy làm một chức nhỏ, nhưng thừa tướng giao cho coi việc sổ sách tiền lương, cũng là việc quan trọng. Vả lại được gần thừa tướng, sớm tối ngài còn dạy bảo cho nhiều điều có ích. Cho nên tôi cũng vui lòng nhận”.

Qua đó để thấy Dương Tu cũng là người biết phận sự của mình. Nếu có chăng một điều gì đó không ổn gợn lên ở con người Dương Tu, thì đó chính là việc Tu hay khoe tài khiến Tháo phải khó chịu. Tuy nhiên, Tu không phải là người đầu tiên và duy nhất bộc lộ tài năng với Tháo. Trước Dương Tu, Tháo cũng đã từng dung thứ cho tội lỗi của những kẻ được cho là có tài như Nễ Hành hay Trần Lâm, khi Hành hay Lâm thậm chí còn cởi hết áo quần mà mắng họ Tào hoặc làm bài hịch mà chửi cả tổ phụ của Tháo…

Nhớ khi xưa, cổ nhân thường có câu, rằng “tài kiêng nhất là bộc lộ”[4]. Giống như không ít nhân vật khác trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Dương Tu đã không làm được cái việc che giấu tài năng của mình. Nhưng suy cho cùng thì cái sự hợm tài của Tu cũng chẳng làm hại đến ai, thậm chí nếu Tu tiếp tục được sử dụng thì có thể họ Tào đã rất yên tâm vì có được một người trông coi sổ sách tài năng, mẫn cán.

Chỉ tiếc thay cho Dương Tu và cũng trách thay cho Tào Tháo, là sao Tháo có thể bao dung được sự hợm tài của bao nhiêu người đối nghịch với mình, lại không thể bao dung được với sự hợm tài của một kẻ tôi tớ như là Dương Tu!?

-----
[1] Theo giải thích của Dương Tu thì đó là câu ẩn ngữ. “Hoàng quyến” nghĩa là sợi tơ có sắc vàng, chữ “sắc” chắp với chữ “ti” thì thành chữ “Tuyệt”. “Ấu phụ” nghĩa là con gái nhỏ, con gái nhỏ thì là thiếu nữ, chữ “thiếu” chắp với chữ “nữ” thành chữ “Diệu”. “Ngoại tôn” nghĩa là cháu ngoại, cháu ngoại thì là con người con gái, con gái là chữ “nữ tử”, chữ “nữ” chắp với chữ “tử” thành chữ “Hảo”. “Tê cữu” là cái cối giã hành, chịu cay là chữ “thụ tân”, chữ “thụ” chắp với “tân” thành ra chữ “Từ”. Nói tóm lại thì là bốn chữ “Tuyệt Diệu Hảo Từ”, nghĩa là “Lời lẽ hay tuyệt diệu”.
[2] Dương Tu nói: Trong chữ “môn” thêm một chữ “hoạt” thì là chữ “khoát”. “Khoát” nghĩa là rộng, ý ngài chê cửa này rộng quá đây!
[3] Nguyên chữ “hợp” trong Hán tự gồm mấy chữ “nhân”, “nhất”, “khẩu”. Tu đọc ngay thành câu “Nhất nhân nhất khẩu tô”.
[4] Nguyên văn câu của Lã Khôn: “Khí kiêng nhất là hung hăng. Tâm kiêng nhất là hẹp hòi. Tài kiêng nhất là bộc lộ”.

4 nhận xét:

  1. Hán Thừa tướng trong sự nghiệp bình Man cũng từng đưa ra mật hiệu như thế này. Chỉ khác biệt Hán thừa tướng thì buột mồm nói "mắm tôm" trong lần ăn thịt chó theo tập tục xứ Man :v

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thừa tướng thật là thức thời. Mà kẻ thức thời thì đích thi là trang tuấn kiệt! :))

      Xóa
    2. Thừa tướng là Rường cột cấp chiến lược mà lị :))

      Xóa
    3. Quả là không hổ danh rường cột cấp chiến lược!

      Xóa