Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Những “nghi án” xăng pha nhớt thời Tam quốc



Ảnh: Đàm Vĩnh Hưng “khoá môi” nhà sư
Truyền thông hiện đại đã cho thế giới biết rất nhiều “nghi án” xăng pha nhớt, tỉ như Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư, Long Nhật theo trai lạ vào khách sạn, hay Cao Thái Sơn có người tình đồng tính... Những “nghi án” này thường xảy ra nhiều trong giới sâu bít và đối tượng tình nghi cũng chủ yếu là những kẻ “con chẳng ra con, thằng chẳng ra thằng”. Tuy vậy, ít ai ngờ rằng ở những kẻ được coi là “đường đường một đấng anh hào”, lấy việc chém giết làm sự nghiệp như các nhân vật thời Tam quốc cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dưới đây là một số “nghi án” xăng pha nhớt điển hình mà chúng tôi tuyển chọn từ bộ “Tam quốc diễn nghĩa”.

1. Lưu Huyền Đức thích giai đẹp

Lưu Huyền Đức nổi tiếng khắp thiên hạ là người nhân đức, yêu người hiền, kính kẻ sĩ. Tuy nhiên, ông ta cũng dính vào rất nhiều “nghi án” quan hệ đồng giới mà đến nay việc “phá án” vẫn còn là một thách thức làm đau đầu các nhà sử học. Trong các nhân vật có dính líu đến quan hệ đồng giới với Lưu Huyền Đức, có hai người rất nổi tiếng là Triệu Tử Long và Gia Cát Lượng.

Triệu Tử Long là người ở xứ Thường Sơn, vốn là bộ hạ của Công Tôn Toản. “Tam quốc diễn nghĩa” miêu tả Tử Long “mình cao tám thước, mày rậm, mắt to, mặt rộng, má bầu, uy phong lẫm liệt”. Sách này chép rằng khi Công Tôn Toản và Viên Thiệu xảy ra xung đột, Triệu Tử Long đã đánh nhau với chiến tướng hàng đầu của Thiệu là Văn Sú năm sáu mươi hiệp bất phân thắng phụ, sau đó đâm chết một đại tướng khác của Thiệu là Khúc Nghĩa chỉ sau chỉ vài ba hiệp đấu, xong rồi một mình một ngựa xông vào đại quân của Viên Thiệu “như đi vào chỗ không người”.

Chính vì Tử Long vừa cao to đẹp giai vừa khoẻ mạnh như vậy nên Lưu Huyền Đức rất thích anh ta. Sách chép rằng, trong khi họ Viên và họ Công Tôn giao tranh, Lưu Huyền Đức cùng hai em kết nghĩa đã dẫn quân đến giúp Công Tôn Toản đánh Thiệu, và khi vừa trông thấy Triệu Tử Long, Huyền Đức “đã có bụng yêu mến ngay, không muốn rời xa nữa”. Đến khi rút quân trở về, Lưu Huyền Đức và Triệu Tử Long “cầm tay nhau rỏ nước mắt khóc, ngần ngừ không muốn xa nhau”. Sau đó, khi Lưu Huyền Đức cất quân giúp Đào Khiêm chống lại Tào Tháo ở Từ Châu, Công Tôn Toản cũng sai Tử Long dẫn quân đi theo giúp Huyền Đức. Và đến khi cứu được Từ Châu, Triệu Tử Long cáo từ để dẫn quân trở về thì “bài” cũ lại được Lưu Huyền Đức mang ra sử dụng một lần nữa: “cầm tay Triệu Tử Long, rỏ nước mắt tiễn biệt”.


Ảnh: Huyền Đức và Tử Long nắm tay nhau không rời
Điều làm cho giới sử gia ngạc nhiên là mặc dù Lưu Huyền Đức rất thích Triệu Tử Long nhưng sau khi Công Tôn Toản bại vong và Triệu Tử Long chính thức đi theo Lưu Huyền Đức thì sử sách không hề ghi nhận một trường hợp nào họ Lưu có cử chỉ âu yếm hay thân mật với Tử Long nữa. Xem ra, Lưu Huyền Đức cũng là phường cả thèm chóng chán.

Tuy nghi ngờ Lưu Huyền Đức yêu Triệu Tử Long, nhưng giới sử gia cũng chưa tìm ra bằng chứng nào rõ rệt ngoài hai vụ “lùm xùm” cầm tay và rỏ nước mắt kể trên. Dẫu vậy thì bản tính thích giai đẹp của Lưu Huyền Đức cũng không thể nào giấu được khi ông ta gặp Gia Cát Lượng.

Sách “Tam quốc diễn nghĩa” kể rằng Gia Cát Lượng là một người có tài năng siêu phàm. Theo lời một bạn học của Gia Cát Lượng là Từ Thứ thì Gia Cát Lượng “có tài ngang trời dọc đất, thiên hạ chắc chỉ có một không hai”, thậm chí Từ Thứ còn cho rằng các bậc hiền thần, danh tướng thời cổ như Quản Trọng, Nhạc Nghị cũng còn kém xa Gia Cát Lượng. Chính vì nghe lời quảng cáo của Từ Thứ nên Lưu Huyền Đức quyết tâm đi mời bằng được Gia Cát Lượng về làm việc cho mình. Tuy nhiên, khi gặp Gia Cát Lượng, họ Lưu còn sững sờ hơn vì Gia Cát Lượng quá đẹp trai. Sách chép rằng Gia Cát Lượng “mình cao tám thước, mặt đẹp như ngọc, đầu đội khăn lượt, mình mặc áo cánh hạc, hình dáng thanh thoát như tiên”. Huyền Đức chiêu mộ được Gia Cát Lượng rồi thì ưng ý lắm, suốt ngày ăn nằm với Lượng. Sách chép rằng trong suốt thời gian Gia Cát Lượng làm quân sư cho Lưu Huyền Đức ở Tân Dã, hai người lúc nào cũng “ăn cùng một bàn, ngủ cùng một chiếu”, thật là lỗi đạo nhân luân.

2. Tôn Quyền khoả thân ngủ với đàn ông

Lỗ Túc, tự là Tử Kính, người ở Đông Xuyên, quận Lâm Hoài, là người có nhiều thao lược cơ mưu. Túc mất bố từ thuở nhỏ, thờ mẹ rất hiếu. Tính Túc khẳng khái, ngày thường ham thích múa gươm, cưỡi ngựa, bắn cung. Túc nhà rất giàu, thường đem của cải giúp kẻ khốn khó... Chính vì Lỗ Túc có nhiều ưu điểm như vậy nên khi nghe Chu Du tiến cử, Tôn Quyền liền sai Du đi mời Lỗ Túc về làm việc cho mình.

Túc theo lời mời, cùng Chu Du đến yết kiến Tôn Quyền. Tôn Quyền rất kính trọng, cùng Túc “đàm luận suốt ngày không chán”. Lỗ Túc đã hiến cho Tôn Quyền rất nhiều mưu kế giúp Quyền mở mang cơ nghiệp, trong đó quan trọng nhất là xui Quyền liên minh với Lưu Bị và xui Quyền chống nhau với Tào Tháo. Đến khi Chu Du qua đời, Tôn Quyền liền cất Lỗ Túc lên thay, đô đốc toàn bộ binh mã nước Ngô.


Ảnh: Tôn Quyền mặc áo, đứng dậy tạ ơn Lỗ Túc
Tuy Lỗ Túc là người có tài năng và lập được nhiều công lao đối với nước Ngô, song hiện nay các sử gia đang nghi ngờ rằng xuất phát điểm của tất cả những thành công mà Lỗ Túc đạt được chính là nhờ vào việc ăn nằm với Tôn Quyền. “Tam quốc diễn nghĩa” chép rằng một hôm tan chầu, đợi các quan về hết, Quyền mời Túc ở lại uống rượu, đến tối, nằm cùng giường, gác chân lên nhau. Nửa đêm, Quyền hỏi Túc: “Nay nhà Hán suy yếu, bốn phương rối loạn, ta nối nghiệp cha anh, muốn làm việc Hoàn, Văn[1], ông có mưu kế gì để dạy bảo ta không?”

Túc nói: “Xưa Cao tổ nhà Hán muốn tôn Nghĩa đế mà không làm được, là vì Hạng Vũ làm trở ngại. Nay Tào Tháo cũng ví như Hạng Vũ, tướng quân làm thế nào được việc Hoàn, Văn? Tôi nghĩ nhà Hán không thể phục hưng, Tào Tháo không thể trừ được. Tướng quân chỉ nên giữ vững Giang Đông, đợi xem những sự biến cố trong thiên hạ. Nay nhân phương Bắc lắm việc, hãy trừ Hoàng Tổ, đánh Lưu Biểu, lấy hết các miền quanh Trường Giang, dựng hiệu đế vương để tính việc lớn. Đó là sự nghiệp Hán Cao tổ”.

Các sử gia cho rằng lời bàn lúc nửa đêm đó đã thể hiện Lỗ Túc là người mưu lược, có tầm nhìn xa trông rộng, và chính lời bàn này đã giúp Tôn Quyền mở mang được cơ nghiệp của cha anh, một mình ngồi giữ xứ Giang Đông vững như bàn thạch. Tuy nhiên, cũng chính từ lời bàn đó mà các sử gia đã đặt một dấu hỏi lớn tướng về giới tính của Tôn Quyền, bởi theo “Tam quốc diễn nghĩa” thì khi nghe Lỗ Túc nói xong, Tôn Quyền mừng lắm, liền “mặc áo, đứng dậy tạ ơn”. Qua đó chứng tỏ suốt cả buổi tối, Tôn Quyền đã khoả thân nằm ngủ với Lỗ Túc. Cảnh tượng xem ra cũng không khác gì mấy so với các clip phòng the thường được tung lên internet ngày nay.

3. Chu Du lấy giường chiếu làm chiến trường

Tào Tháo huy động tám mươi vạn quân mã thuỷ bộ, quyết ăn thua đủ với hai nhà Lưu - Tôn ở Xích Bích. Mưu sĩ của Tháo là Tưởng Cán, tự Tử Dực, vốn có quen với đô đốc nước Ngô là Chu Du, xin đi chiêu hàng họ Chu. Tào Tháo mừng rỡ, cho đi.


Ảnh: “Mỹ Chu lang” múa kiếm mua vui cho Tưởng Cán
Chu Du đang ngồi trong trướng bàn việc, nghe tin Tưởng Cán đến chơi, liền sửa lại xiêm y chỉnh tề, dẫn vài trăm tuỳ tùng đều mặc áo gấm, đội mũ hoa, tiền hô hậu ủng ra đón. Chào hỏi xong đâu đấy, hai người cùng vào trướng, phân chủ khách ngồi chơi, lập tức Du cho mời hết các tay anh kiệt vào ra mắt Tưởng Cán. Được một lát, các văn quan võ tướng mặc toàn áo gấm, tỳ tướng mặc toàn áo giáp bạc, xếp thành hai hàng đi vào, nom không khác gì bọn ca nương, đào hát trong các vở tuồng, chèo hay cải lương vẫn thấy ngày nay. Du bảo các tướng vái chào cả một lượt, rồi mới ngồi sang hai bên. Đoạn Du truyền mở tiệc cực to, cử khúc nhạc thắng trận, mọi người thay phiên nhau đứng dậy mời rượu, chén tạc chén thù hoan hỉ.

Đến canh khuya, Tưởng Cán tạ từ, xin không uống rượu nữa. Chu Du sai cất tiệc, cho các tướng đâu về trại đấy, rồi nói với Tưởng Cán: “Lâu nay không ngủ chung với Tử Dực, nay phải gác chân lên nhau mà ngủ một đêm”.

Nói rồi chẳng đợi Cán đồng ý, Du dắt Cán vào màn, nhà tranh như nhà ngói.

Nửa đêm Tưởng Cán lẻn dậy, lục trên bàn làm việc của Chu Du thấy có phong thư của hai viên đô đốc thuỷ quân bên Tào là Sái Mạo và Trương Doãn gửi cho Chu Du. Thư viết: “Nay đã lừa được quân Tào nhốt cả trong thuỷ trại rồi. Khi nào được dịp, xin nộp đầu Tào Tháo ở dưới cờ”.


Ảnh: “Mỹ Chu lang” lên giường cùng Tưởng Cán
Tưởng Cán bắt được thư ấy liền giấu vào tay áo, trở về ra mắt Tào Tháo. Tháo đọc thư, lập tức cho đòi Trương Doãn, Sái Mạo vào xỉ vả một hồi rồi quát võ sĩ lôi hai người ra chém. Tháo chém xong hai tướng thì mới sực nghĩ ra rằng thư ấy là giả.

Chu Du lừa giết được Trương Doãn và Sái Mạo thì mừng lắm, liền bàn với Gia Cát Lượng dụng kế hoả công để đánh Tào Tháo. Quân Tào vốn không quen thuỷ chiến, nay lại bị mất đô đốc thuỷ quân, nên bị quân Đông Ngô đánh cho không còn mảnh giáp. Sách “Tam quốc diễn nghĩa” tả rằng quân Tào “người bị giáo đâm, kẻ trúng tên bắn, chết cháy, chết đuối, không biết bao nhiêu mà kể”... Tám mươi vạn quân Tào phút chốc tan như bọt bèo.

Nói về sự lợi hại của những thói thường nữ nhi trong mưu kế nhà binh, Mao Tôn Cương có bàn rằng: “18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lã Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”. Chu Du tuy không phải là nữ nhi, nhưng nhờ lấy việc ăn vận loè loẹt và lên giường với đàn ông làm mưu mà đã giết được hai viên thuỷ sư đô đốc của họ Tào, đẩy mấy chục vạn thuỷ quân phương Bắc vào thảm cảnh chết cháy, để cho Tào Tháo phải một đời ôm hận vì thua trận Xích Bích. Ngẫm thì Chu Du cũng không khác gì mấy so với Điêu Thuyền, “lấy chăn chiếu làm chiến trường” mà làm nên việc lớn.

Cổ nhân có câu “mỹ nhân tự cổ như danh tướng”[2], ý nói rằng các tướng giỏi cũng như người đẹp, đều là phường điệu đà đỏm dáng như nhau. Chu Du không những là một danh tướng có tài thao lược mà lại còn biết dùng mưu của các người đẹp, cho nên làm thành đại sự. Nhưng có lẽ cũng chính vì vậy mà Chu Du phải chịu miệng lưỡi dèm pha của người đời khi phải mang cái tên “Mỹ Chu lang” (giai đẹp họ Chu) cho đến tận ngày nay.

-----
[1] Chỉ Tề Hoàn Công (Tiểu Bạch) và Tấn Văn Công (Trùng Nhĩ), hai vị bá chủ chư hầu thời Xuân Thu. Câu này ý nói Tôn Quyền có nguyện vọng được làm bá chủ, trên bức hiếp thiên tử, dưới sai khiến chư hầu, giống như Tào Tháo đương làm vậy.
[2] Nguyên văn: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (tạm dịch: Người đẹp từ xưa như tướng giỏi. Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu).

14 nhận xét:

  1. Thẳng thắn mà nói thì việc thích giai đẹp hay gái đẹp cũng là lẽ thường tình của con người từ cổ chí kim, cho dù là xăng pha nhớt thì cũng là vì yêu cái đẹp, tôn thờ tình yêu. Sợ nhất là có những người ko biết thích giai hay thích gái, hoặc chỉ thích "khoe hàng" theo kiểu "ngoài cật có một manh áo vải" (hiển nhiên là khoe toàn bộ phần dưới chứ còn giề) :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phải ăn vận kiểu đấy thì trong tay mới "cầm một ngọn tầm vông" và mới tè chết con cá mè được, cô hiểu chửa? :)) Cô định chơi lại cụ Đồ Chiểu đấy phỏng?

      Xóa
  2. Đọc xong muốn té xỉu :)) Còn đâu những nhân vật lỗi lạc thời chiến quốc từng mê tít một thời :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Ai cũng một thời trẻ trai" mà em! Với lại, thủ đoạn nào không quan trọng, miễn là làm nên nghiệp nhớn. Cứ xem mưu lược của Chu Du thì thấy là đôi khi "chiến đấu" trên giường còn quan trọng hơn chiến đấu ngoài trận địa! :))

      Xóa
  3. Thời Tam quốc mà nền báo chí pt như bây giờ thì bài báo này của anh xứng đáng được mệnh danh là đệ nhứt lá cải đấy hé hé, rất hợp gu với tờ Phụ nữ to dầy thời nay ;))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tưởng là hợp gu với Tạp chí Dầu khí hoặc Thời báo Xăng dầu chứ! :))

      Xóa
  4. Ông xin sang báo Dầu khí ngay, vừa lương cao, vừa tương xứng với tài năng của ông.

    Trả lờiXóa
  5. Nhớ hồi nào đó đọc 1 bài lá cải bảo Triệu Vân là nữ với 13 luận điểm... Mình đọc thấy hài vãi, giờ thêm lão A Sol này... Thật chỉ muốn dựng bác La Quán Trung dậy mà hỏi: Rốt cuộc là dư lào????

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng biết rốt cục dư lào. Nhưng anh ấy có 2 điểm không giống đàn ông. Một là, cầm tay đàn ông mà không thấy buồn nôn. Hai là, gái dâng tận miệng lại nhè ra. Mười phần thì có đến chín phần rưỡi anh Vân là bóng! :))

      Xóa
    2. Ờ, ta cứ thắc mắc tại sao anh ấy khôgn chịu lấy bà chị của tay Triệu Phạm đấy. Có khi bóng thật đấy nhể?

      Xóa
  6. Thế lão không xem hình minh hoạ ở trên à? Lão có thấy đàn ông cầm tay nhau không rời như thế bao giờ chưa? :))

    Trả lờiXóa
  7. Xăng pha nhớt dưng mờ toàn được bồ tặng nhà, xe bạc tỷ bác Sol ạ :D

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa