Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Người phàm hơn được thánh nhân không?



​​

Theo sách xưa kể lại thì Đức Thánh Khổng có rất nhiều học trò. Trong đó, Nhan Hồi là người được Khổng Tử yêu nhất.

Có lần, Nhan Hồi được giao nấu cơm cho thầy và các đồng môn. Khi cơm chín, Nhan Hồi lấy đũa xới một ít cho vào miệng ăn. Khổng Tử ở nhà trên vô tình nhìn xuống bếp và thấy cảnh đó. Ngài bất giác thở ra một tiếng dài như chân của Ngọc Trinh, không ngờ đứa học trò ngài yêu nhất lại cư xử vô lễ như vậy.

Đến bữa, trong lúc Khổng Tử và các môn đồ chuẩn bị ăn cơm, thì Nhan Hồi khoanh tay đứng ngoài chứ không ngồi vào mâm. Đức Thánh Khổng hỏi vì sao, thì Nhan Hồi thưa rằng trong lúc nấu cơm có giở vung ra xem nhưng không ngờ bị tro bếp bay vào nồi làm bẩn mất lớp cơm phía trên. Nhan Hồi định hớt chỗ cơm bị bẩn đổ đi, nhưng nghĩ tiếc của nên cho vào miệng ăn luôn, coi như đã ăn trước phần cơm của mình.

Khổng Tử nghe kể thì ngửa mặt lên trời thở ra một tiếng khác dài như chân của Hà Hồ, than rằng chỉ vì tin vào những điều mắt thấy mà suýt nữa thành kẻ hồ đồ.

Lại có trường hợp khác na ná như vậy, ấy là chuyện một anh tiến sĩ mới được phân đến làm việc ở một viện nghiên cứu mà ở đó anh trở thành người có học vị cao nhất.

Một hôm, anh tiến sĩ đến cái hồ phía sau viện nghiên cứu để câu cá, thấy viện trưởng và viện phó cũng đang ngồi câu. Anh ta chọn một chỗ ngồi cách xa hai người kia, trong đầu nghĩ: “Hai người chỉ học vị đại học, có gì đáng để nói chuyện?”

Một lúc sau, ông viện trưởng buông cần câu đứng dậy rồi bước đi trên nước như là bay ngang hồ để đến nhà vệ sinh bên kia hồ. Sau khi ca xong bài “Ai xoè” của ban nhạc All-4-one[1], ông viện trưởng lại băng qua mặt nước để trở về chỗ câu cá.

Được một lát, anh tiến sĩ nhìn thấy ông viện phó cũng đứng dậy và đi băng qua mặt nước để đến nhà vệ sinh, đoạn lại băng qua mặt nước để trở về chỗ câu cá sau khi đã ca xong bài “Khát vọng” của Thuận Yến phổ thơ Đoàn Thị Nam Nuyến[2].

Anh tiến sĩ ngạc nhiên quá đỗi vì không nghĩ mấy cái người có học vị thấp hơn anh lại có thể làm cái việc mà anh tưởng đâu chỉ có các cao thủ giang hồ mới làm nổi.

Qua một lúc sau, anh tiến sĩ cũng có nhu cầu ca bài “Ai xoè” nhưng không muốn phải đi nửa vòng hồ để đến cái nhà vệ sinh kia. Anh quyết định cũng dùng thuật giang hồ để băng qua mặt nước, bởi không lí gì hai người chỉ có trình độ đại học có thể đi trên mặt nước được mà người có trình độ tiến sĩ lại không.

Nhưng sau đó thì một “tủm” vang lên và anh tiến sĩ phải bơi lóp ngóp ở dưới hồ. Hai vị lãnh đạo viện kịp thời chạy lại kéo anh tiến sĩ lên và hỏi tại sao anh lại nhảy xuống nước.

Anh tiến sĩ không trả lời mà hỏi rằng: “Tại sao các vị lại có thể đi qua trên nước?” Hai vị kia cười lớn: “Trong hồ này có thanh gỗ nối giữa hai bờ, nhưng vì hôm nay nước dâng cao nên bị che mất. Chúng tôi biết vị trí thanh gỗ nên có thể đạp trên nó mà đi qua”.

Anh tiến sĩ nghe ra thì thấy chua chát với sự hồ đồ của mình, bất giác ngửa mặt lên trời thốt ra hai tiếng: “Đèo mẹ!”

Kể những câu chuyện ở trên, chúng tôi muốn nói rằng, nhiều khi những điều tận mắt trông thấy lại không hề là sự thật. Điều đó không chỉ có trong câu chuyện Nhan Hồi nấu cơm hay anh tiến sĩ đi tè, mà còn xảy ra rất nhiều trong cuộc sống quanh ta.

Tỉ như, trong khi quần chúng cứ bụm miệng cười việc một ông quan xã bị yêu cầu kiểm điểm về nỗi rủ nữ cán bộ chính sách vào nhà nghỉ, thì thực tế lại cho thấy chị cán bộ kia chỉ làm mỗi việc là đưa giúp thuốc giải rượu vào nhà nghỉ cho quan xã, bởi ông ta chẳng may bị say nguội từ tối hôm trước.

Hoặc như, một ông quan huyện và nữ cán bộ tỉnh bị người nhà hai bên bao vây trong nhà nghỉ để chực đánh ghen vì cho rằng hai người kia đang làm chuyện mèo mỡ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là đám người nhà của họ đã nhìn quá sai, vì ông quan huyện chẳng qua chỉ vào nhà nghỉ để hỏi thăm sức khoẻ của chị cán bộ chẳng may bị trúng gió trong khi uống nước phải vào đó để nghỉ.

Hoặc gần đây, là chuyện người ta nổi cơn tam bành trước việc con gái một ông quan tỉnh có điểm thi tốt nghiệp cao hơn những gì bài thi của cô ấy thể hiện. Hiềm nỗi, sau khi hỏi ra ngọn ngành thì mọi người mới té ngửa, là ông quan tỉnh không hề biết gì về việc con gái ông bị cộng điểm, hơn nữa đó có thể lại là sự lợi dụng để đưa con lãnh đạo vào tròng.

Vân vân và mây mây.

Từ những câu chuyện ở trên, có lẽ mỗi người cũng nên suy nghĩ thấu đáo hơn về cách nhìn nhận của mình để có phản ứng phù hợp trước những chuyện đập vào mắt. Trong khi, những người được coi là “thánh nhân” như Khổng Tử, hoặc là “ông Nghè” như anh chàng tiến sĩ kia, nhìn thấy sự việc sờ sờ trước mắt nhưng vẫn nhận định sai lầm, thì không có lí gì những người đã được bậc vĩ nhân coi là “nông nổi”[3], lại dám cho mình tinh tường hơn cả thánh nhân hay ông Nghè.

Thế cho nên, trước khi định cười chê ai đó rủ vợ người khác vào nhà nghỉ, hoặc nổi đoá với việc con cái của ai đó được nâng khống điểm thi tốt nghiệp, thì người đời hãy thử nghĩ lại, xem liệu mình đã bằng Đức Thánh Khổng hay chưa. Mà ví thử, có người nào dám quả quyết rằng mình đã bằng được Khổng Tử, thì cũng không có gì đảm bảo nhìn nhận của người đó là đúng, bởi rõ ràng câu chuyện ở phần trên đã chứng minh: thánh nhân mà cũng nhìn sai nữa là!

(*) Bài viết có sử dụng câu chuyện trôi nổi trên mạng về Nhan Hồi và chàng tiến sĩ.

-----
[1] Đó là bài hát có câu mở đầu: “I swear by the moon and the stars in the skies. And I swear like the shadow that’s by your side…”
[2] Bài hát được mở đầu bằng câu: “Gửi tình yêu vào đất, được hoa trái đầy cành…”
[3] Bậc vĩ nhân này tên Xuân, được biết đến trong chương cuối cùng của một công trình nghiên cứu do bác gì đó Phụng công bố với tiêu đề: “Xuân Tóc Ðỏ cứu quốc. Xuân Tóc Ðỏ vĩ nhân. Nỗi buồn của ông bố vợ không bị đấm”

7 nhận xét:

  1. Dạo này trời thương cho nước tràn bờ mương khắp Hà Lội, tôi cũng có cái may mắn được ra ngoài chơi nghịch nước để nhớ lại cái tuổi hàn vi khi xưa. Nhìn con đường bao năm nay đi lại những tưởng thuộc cả cái ổ kiến cho đến ổ voi. Thế là tôi mạnh rạn dấn bước trên vỉa hè cứ tưởng thế là yên ổn đến công sở. Ai dè đi được nửa đường thì bị anh taxi có sở thích té nước phi qua. Thế là tôi ướt hết cả nửa dưới bộ hạ. Miệng còn đang lầm bầm bộ phận của chị em thì tủm một phát nửa trên của tôi chẳng còn khô ráo. Hóa ra bước nhầm vào miệng hố cống người ta nậy lên để tiêu nước.
    Đúng là thần nhân chiều lòng người.
    Giờ thì lại đọc bài tiên sinh đăng cách đây mấy hôm cũng nói về nước lại còn bàn sâu hơn về ý nghĩa của nó. Tôi cứ tưởng tiên sinh viết cho riêng tôi đấy. Quả đúng là tưởng vậy mà không phải vậy. Cứ nghĩ mình biết rõ mười mươi ai dè chẳng biết cái gì hết.
    Xin bội phục tài tiên đoán thần giao của tiên sinh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã khiến tiên sinh chê cười rồi! Kẻ hèn chỉ viết bâng quơ vậy thôi, chứ quả tình không biết được nỗi khổ của tiên sinh!

      Không biết tiên sinh sau hai vụ nhúng nước kia, có được bình an?

      Xóa
    2. Cảm kích trước lời hỏi thăm của tiên sinh. Tôi vẫn bình an ngoài việc tốn cân Vì dân tẩy cái áo trắng. Tiên sinh viết được những dòng trên chắc tôi cũng không cần phải cảnh báo sự đời tưởng vậy mà hóa ra không phải vậy đâu nhỉ :))

      Xóa
    3. Vâng, tưởng vậy mà hoá ra không phải vậy. Và thậm chí, tưởng không phải vậy mà lại vậy! :))

      Xóa
  2. Dân gian có câu "Chớ thấy đỏ mà ngỡ là chín" có lẽ đã đúc kết rất nhiều đời kinh nghiệm "gian" rồi nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão tiền bối dạy chí phải! Chẳng hay, có bao giờ lão tiền bối trông thấy đỏ mà ngỡ là chín chưa?

      Xóa
    2. DVD chỉ là phàm nhân cho nên từng bị lừa rồi mà vẫn bị lừa nữa!
      Dân gian cũng có câu "Không có cái ngu nào giống cái ngu nào", hì... thiệt là... hì...
      ---
      Dân gian cũng lại có câu "Con lợn có béo thì lòng mới ngon". Đúng là "gian" thật, nay lợn (heo) được bơm nước thật đầy đủ, đã béo càng thêm "béo", hì...

      Xóa