Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 1b




Hồi thứ 1b
HỌ TRƯƠNG NHÂN LOẠN BÀY ĐA CẤP
BÁCH TÍNH NHẸ DẠ CŨNG THAM GIA


Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan. Như cuối đời nhà Chu, bảy nước tranh giành xâu xé nhau rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi nhà Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán.

Nhà Hán, từ lúc vua Cao tổ chém rắn trắng khởi nghĩa, thống nhất được thiên hạ, sau vua Quang Vũ lên ngôi, rồi truyền mãi đến vua Hoàn đế, Linh đế thì sinh ra nhiều chuyện khó tin.

Năm Kiến Ninh thứ nhất, ở U Châu có tay kép hát được phong danh hiệu thiên hạ đệ nhất bà tám. Tay này có khả năng giữ lửa cho đời sống vợ chồng bằng cách làm chuyện đó với vợ mỗi ngày một lần, nhưng lại thừa nhận đã từng ân ái với đàn ông.

Mùa hạ năm Kiến Ninh thứ tư, ở thành Lạc Dương có lão phú hộ tuổi ngoài bảy mươi lấy một cô đào bằng tuổi cháu mình, còn nói rằng “đêm bảy, ngày ba, vào ra chưa tính”. Lão phú hộ sau đó bỏ rơi cô đào mà không một lời tuyên bố lí do, lại còn đe dọa kiện những người xía vào chuyện đời tư của lão.

Tháng ba năm Quang Hoà thứ hai, có người đàn ông giành được ngôi vị cao nhất trong cuộc thi sắc đẹp vốn chỉ dành cho đàn bà. Năm ấy lại có một người đàn ông khác đăng đàn hứa thưởng 10 tỷ quan tiền cho ai tìm ra được một người đàn bà ở tuổi bốn mươi trẻ và đẹp như anh ta.

Từ đó trong dân gian sinh ra lắm lời đồn thổi, lòng người cũng vì thế trở nên xao xuyến, hoang mang.

Bấy giờ ở đất Cự Lộc, có một nhà sinh được ba anh em: anh cả là Trương Giác, em hai là Trương Bảo, em út là Trương Lương.

Trương Giác vốn thi trượt tú tài, nhân thế bực mình vào núi hái thuốc. Đi đường gặp một ông lão môi thâm mắt trắng, tay chống gậy gỗ lê, gọi Trương Giác đến một chỗ vắng vẻ rồi hỏi: “Ngươi có biết ai sinh ra ngươi và sinh ra loài người không?”

Giác đang chưa biết trả lời ra sao thì ông lão nói: “Ngươi đang lầm đường lạc lối. Linh hồn ngươi đã bị ma quỷ cấu xé rồi!”

Giác trong bụng nghi hoặc, toan hỏi rõ sự tình thì ông lão lại nói: “Ngày tận thế đến gần rồi, trái đất sắp bị tiêu diệt. Ta đã ngửi thấy mùi máu của nhiều sinh linh vô tội”.

Trương Giác nghe nói cả kinh, sụp xuống lạy ông lão, xin chỉ đường tránh được nạn dữ.

Ông lão liền rút trong tay áo ra ba quyển sách, trao cho Giác và bảo rằng: “Đây là cuốn Lời răn của đức chúa trời, có được cuốn này ngươi nên thay trời dạy người, để cứu lấy đời”.

Giác lạy tạ, hỏi họ tên thì ông lão nói: “Ta là Nam Hoa lão tiên”, nói đoạn hoá ra một trận gió biến mất.

Trương Giác được ba quyển sách ấy đem về ngày đêm học tập, không bao lâu biết đủ các phép làm bánh tiên, pha chế nước thánh, phát biểu trước đám đông, kinh doanh đa cấp… Giác dựng một lá cờ lớn đề năm chữ “Hội thánh đức chúa trời”, tự xưng là “truyền đạo sư”, phát hịch kêu gọi bách tính nhập hội để được cứu vớt.

Hịch mới phát đi, có mấy trăm người tìm đến xin làm đồ đệ của Trương Giác. Giác thu nạp và dạy cho những người này các phép trong sách Lời răn của đức chúa trời mà Nam Hoa lão tiên đã truyền cho Giác.

Về sau đồ đệ ngày càng đông, Giác bèn chia học trò ra ba mươi sáu phương, phương nào cũng đặt một người làm thủ lĩnh xưng là “chấp sự”, sai những người này dẫn đồ đệ đi khắp nơi làm lễ để thu nạp hội viên, gọi là lễ “Báp Têm”.

Đồ đệ của Trương Giác đi đến đâu cũng thuê nhà làm nơi tụ tập đông người để truyền đạo, nói phao lên rằng ngày tận thế sắp đến, ai muốn được cứu vớt thì phải đi theo hội thánh đức chúa trời. Nhân dân tám châu Ký, Thanh, U, Tinh, Kinh, Từ, Duyện, Dự kéo đến xin dự lễ “Báp Têm” rất đông.

Vào lễ “Báp Têm”, mỗi người được đội một chiếc khăn choàng trắng, mắt nhắm, hai tay chắp đan vào nhau để “chấp sự” dội thứ nước gì đó từ đầu đến chân. Đoạn “chấp sự” đặt một tay lên đầu mọi người, đọc lời xin nhập hội rồi phát cho mỗi người một mẩu bánh nhỏ màu trắng để ăn và một cốc nhỏ nước màu đỏ để uống.

Làm lễ xong, các hội viên sắc mặt ai cũng đờ đẫn, tâm trí lúc nào cũng nghĩ đến hội thánh đức chúa trời, không quan tâm gì đến tình hình thế sự nữa. Những người này cũng không thiết tha với cuộc sống hiện thực vì cho rằng có lao động kiếm tiền rồi cũng chết đi. Nhiều người còn về nhà đập cả bát hương và phá bỏ bàn thờ tổ tiên.

Trương Giác thấy người đi theo hội thánh đức chúa trời ngày càng đông, liền bàn với hai em rằng: “Không gì khó bằng thu phục được lòng người, nay lòng người đã quy thuận về ta, nếu không thừa thế chiếm lấy của cải trong thiên hạ thì thật là đáng tiếc lắm”.

Bèn một mặt sai Trương Bảo thu gom hàng tiêu dùng trôi nổi giá rẻ rồi bán giá đắt cho các hội viên để đi bán lại theo phương thức đa cấp, mặt khác sai Trương Lương thu của các hội viên mỗi người mười phần trăm số tiền kiếm được.

Trương Giác bảo với mọi người rằng: “Trái đất sắp bị huỷ diệt. Các ngươi nên thuận mệnh trời, theo về ta để được bao dung và che chở, không còn cảm thấy sợ cái chết, không còn thấy sợ ma quỷ nữa!”

Nhân dân bốn phương đội khăn trắng, đi theo Trương Giác để truyền đạo và bán hàng đa cấp có tới mấy vạn người. Thế của hội thánh đức chúa trời quá dữ dội, các châu quận không sao ngăn cấm được, đành một mặt yết cáo thị kêu gọi bá tánh không đi theo tà đạo, mặt khác dâng biểu cáo cấp về triều đình xin cứu viện.

Ấy thực là:

Chẳng qua chỉ bán hàng đa cấp
Bày ra hội thánh để làm chi
Đến khổ quan quân vì dẹp loạn
Đi tù cả đám cũng có khi!


Chưa biết triều đình đối phó dư lào với hội thánh do Trương Giác bày ra, xem hồi sau mới rõ.


Xem thêm:
- Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 91b
- Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 78b
- Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 34b
- Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 23b
- Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 16b
- Tam quốc diễn nghĩa - Hồi thứ 8b

14 nhận xét:

  1. Thế là từ đấy thiên hạ có loạn Khăn trắng. =)) Cơ mà tôi hỏi tiên sinh chút, trùm khăn trắng lên đầu thế này thì đánh nhau làm răng được? Mà liệu Vu Cát có phải là dư đảng giặc khăn trắng không tiên sinh?
    Lại nữa,dân ta cũng có người học theo 3 anh em họ Trương: trộm Range Rover để ngăn chặn chiến tranh thế giới :
    http://plo.vn/phap-luat/trom-xe-hop-range-rover-de-ngan-chan-chien-tranh-the-gioi-768832.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiên sinh hiểu lầm rồi, trùm khăn trắng là để truyền đạo và bán hàng đa cấp chứ có đánh nhau đâu! Còn về Vu thần tiên như trong truyện mà tiên sinh đã biên, thì có thể đó là một nhánh khác của hội thánh chăng?

      Xóa
    2. À thế hóa ra ông La Quán Trung viết tầm bậy làm tôi cứ ngỡ 3 anh chàng họ Trương những mưu tính thiên hạ.

      Xóa
    3. Theo ý của kẻ hèn thì họ La chắc không viết nhầm đâu. Tiên sinh nghĩ cho kĩ mà xem, mưu tính việc thiên hạ là nhằm đến cái gì nếu không phải là của cải vật chất trong thiên hạ? Bán hàng đa cấp chẳng qua cũng là nhằm mưu cầu của cải vật chất mà thôi, nó chỉ khác việc dành dân đoạt đất ở phương tiện chứ không hề khác ở mục tiêu, phải không tiên sinh?

      Xóa
    4. Tiên sinh mau vào hội đi!

      Xóa
    5. Tôi đang tìm Tả thần tiên, vào đạo của Tả thần tiên thì mới thú vị. Tiên sinh nhớ đến cảnh Tả thần tiên biến thành cả trăm người rồi trăm cái xác rơi đầu cắp đầu bật dậy đánh Tháo chăng? Cảnh đó creepy phải biết =))

      Xóa
    6. Kẻ hèn cứ tưởng, theo như lời của Quản thần tiên, thì việc ấy chẳng qua là một phép ảo thuật? Bởi thế nên tiên sinh không nên học theo Tả thần tiên! ^^

      Xóa
    7. Đấy. Khéo tôi phải tính lại, viết chơi thi chơi cũng nên tạo sự thống nhất sự kiện. Tôi đọc lại 10 hồi Gia cát bình man mà tôi viết kể như cũng là liền mạch.

      Xóa
    8. Tiên sinh văn như suối chảy, chữ tựa rồng bay, dẫu Chu Công, Lã Vọng cũng chẳng bằng!

      Xóa
    9. Quả là để biên lại tất cả 120 hồi TQDN thật Có mấy cái khó như sau:
      Thứ nhất, cần có cái nhìn tổng quan về TQDN để khi vận dụng nó không bị trùng lặp quá lớn. Ngay như La tiên sinh cũng bị trùng lặp. Ví như kế Thuyền cỏ mượn tên của Lượng râu đã được Tôn Kiên áp dụng trước kia đánh nhau với Kinh Châu rồi. Chỉ là ứng phó khác biệt thôi.
      Thứ hai, để ứng dụng tốt thì nhất thiết phải lưu được đường link (nguồn dữ kiện) tôi xem lại thì thấy nhiều đường dẫn của tôi bị mất nguồn. Nếu không bảo đảm được điều đó thì há chẳng phải mình ăn tục nói phét sao? Thế nên cần phải tự lưu lại bằng một cách nào đó thì tôi quả là chưa biết. Tiên sinh giỏi công nghệ chắc chắn biết được món này.
      Thứ ba, bản thân những bài từ, bài thơ trong nguyên tác La tiên sinh làm rất cẩn thận theo đúng thể từ chứ ko có lộn xộn. Chỗ này tiên sinh làm thơ như mây trôi nước chảy, đọc đến đâu thích thú đến đấy.
      Thứ tư, Đã nghiêm túc thì nhất thiết phải nghiêm túc cả tranh minh họa. Tôi xem cái này tuy tôi không có tài nhưng may mắn làm rể ở dòng họ làm tranh giấy đỏ xưa kia nên sư tử hà đông ở nhà biết cầm cọ mà vẽ giùm.
      Bốn điều ấy mà ra tôi phận bạc đức hèn tài mọn chẳng thể nào làm được cái công trạng phi thường ấy. Phi tiên sinh là không xong. Nay tiên sinh mà chịu xuống núi mở lòng nhân nghĩa, khuông phù chính thống thì xã tắc này may lắm, thiên hạ này may lắm!

      Xóa
    10. Cái thứ nhất, kẻ hèn nghĩ mình chưa đủ tầm và không có thời gian để có thể cải biên cả bộ TQDN của họ La, nên cứ bạ gặp chuyện gì thì biên chuyện đó để giải trí, chứ không nghĩ đến việc biên cả bộ truyện.

      Cái thứ hai, vì các đường link không phải là của mình mà là của thiên hạ, hiềm nỗi thế link trong thiên hạ đứng lâu rồi lại chuyển, chuyển lâu rồi lại die, nên thường hay bị mất. Chính bởi vì thế nên kẻ hèn hay dùng điện thoại chụp ảnh màn hình các bài báo liên quan để làm tranh minh hoạ, phòng khi sau này thế sự đổi dời thì vẫn có cái để minh chứng.

      Cái thứ ba, kẻ hèn chỉ là đứa chắp văn xuôi thành văn vần, thực may được tiên sinh niệm tình đoái thương mà không chê trách, thật biết ơn lắm lắm!

      Cái thứ tư, tiên sinh làm được việc đó thì quả là kinh thiên vĩ địa, kẻ hèn lấy làm vui mừng và bái phục!

      Xóa
    11. Tiên sinh thực tình chối từ hay học theo anh Lượng râu thử lòng Lưu Bán dép?

      Xóa
    12. Kẻ hèn đây xét mình không bằng anh Lượng, mà tiên sinh thì tài và đức đều hơn hẳn Lưu bán dép, nên không dám thử lòng tiên sinh. Chỉ có điều, xét mình tài sơ trí thiển nên không dám làm những việc phi thường, kẻo không khéo lại làm trò cười cho bá tánh trong thiên hạ!

      Xóa